Vào thứ Tư ngày 03/05 vừa qua, mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã tuyên bố sẽ lên kế hoạch thuê thêm 3.000 nhân viên để kiểm duyệt các video và bài đăng sau khi chịu nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trước những nội dung bạo lực như cảnh giết người được đăng lên.
Việc tuyển dụng trong năm tới sẽ bổ sung vào đội ngũ 4.500 nhân viên hiện tại. Họ đang làm nhiệm vụ xác định và xóa bỏ những nội dung bạo lực, phạm tội hay gây nhiều nghi vấn. Đây là đợt tuyển dụng cần nhiều nhân lực nhất từ trước tới nay của Facebook.
CEO Mark Zuckerberg viết trên trang cá nhân của mình: "chúng tôi đang làm việc để giúp việc tố cáo những video này dễ dàng hơn, để có những hành động chính xác khi có người cần giúp đỡ hoặc gỡ một bài đăng xuống.
Mark Zugkerberg
Tính cho đến cuối tháng Ba, Facebook có khoảng 18.770 nhân viên. David Fischer, người đứng đầu mảng quảng cáo thương mại của Facebook đã trả lời phỏng vấn rằng việc phát hiện và gỡ bỏ những phát ngôn cực đoan, hay những nội dung cổ vũ bạo lực và khủng bố là ưu tiên hàng đầu của công ty, và đội ngũ quản lí cộng đồng là một trong những mục tiêu đầu tư dài hạn của Facebook.
Các video và bài đăng cổ vũ bạo lực vi phạm các điều luật của Facebook, nhưng mạng xã hội này đã nhận được nhiều lời chỉ trích vì thái độ chậm chạp trong việc xử lí các thông tin như thế này. Trong đó có một số video như một người đàn ông thú nhận giết người ở Cleveland (Hoa Kỳ) hay đoạn livestream giết hại một em bé tại Thái Lan đã tồn tại tới 24 giờ trước khi bị xóa khỏi Facebook.
Trong nhiều trường hợp, những nội dung như thế thường được xem xét và gỡ bỏ chỉ khi có nhiều người dùng tố cáo. Những tin thời sự và bài đăng lên án bạo lực được cho phép đã tạo ra một khe hở trong những điều luật của công ty này.
Một lý do mà từ trước tới nay Facebook không muốn kiểm duyệt quá nhiều là vì những video bạo lực, đặc biệt là các thước phim ghi lại cảnh bạo lực của cảnh sát, sự kinh khủng của chiến tranh có thể dùng trong những trường hợp đặc biệt.
Thách thức từ livestream
Việc quản lí các video được phát trực tiếp đặc biệt khó khăn, vì người xem sẽ không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Khi những video tiêu cực được phát lên, nó chỉ là một phần nhỏ những gì người dùng đăng lên hàng ngày. Phần còn lại là mặt tích cực: gia đình có thể gửi hình ảnh những bước đi đầu tiên của em bé cho người thân ở những nơi xa xôi, nhà báo ghi lại các tin thời sự, ca sĩ biểu diễn cho người hâm mộ và mọi người quyên góp tiền từ thiện.
Tính năng livestream tiềm ẩn nhiều rủi ro của Facebook
"Chúng ta không thể không thừa nhận những phương diện tích cực và lợi ích đến từ việc phát trực tuyến," Benjamin Burroughs, giáo sư ngành truyền thông ở Đại học Nevada (Hoa Kỳ) cho biết.
Ông Burroughs nói rằng Facebook rõ ràng biết việc livestream có thể giúp công ty này kiếm được nhiều tiền, làm cho người dùng sử dụng Facebook lâu hơn, khiến các hãng quảng cáo hạnh phúc hơn. Nếu Facebook không lường trước được việc phát trực tuyến những cảnh bạo lực hay phạm tội sẽ xuất hiện cùng với những điều tích cực là một điều không thể tránh khỏi, thì "họ vẫn chưa nghiên cứu được những tác động xấu của nó với xã hội."
Lợi nhuận thu được
Những báo cáo doanh thu đầu năm của Facebook chỉ ra rằng công ty này đang phát triển mạnh hơn mức mong đợi. Trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba, công ty đã kiếm được 3.06 tỉ USD (69.5 nghìn tỉ VNĐ), tương đương 1.04 USD (23 nghìn VNĐ) một cổ phiếu. Mức tăng của công ty lên tới 76%, so với 1.74 tỉ USD (39.5 nghìn tỉ VNĐ), hay 60 cent/cổ phiếu (tương đương 13 nghìn VNĐ) so với cùng kì năm ngoái.
Lợi nhuận của Facebook tăng 49%, từ 5.38 tỉ USD lên 8.03 tỉ USD trong khi các chuyên gia phân tích chỉ ước tính mức 7.83 tỉ USD.
Facebook hiện tại có khoảng 1.94 tỉ người dùng vào cuối tháng 3, tăng 17% so với năm ngoái. Số lượng người dùng hoạt động mỗi ngày trung bình là 1.28 tỉ người, chỉ tính riêng trong tháng Ba.
Một xã hội thu nhỏ?
Với ¼ dân số thế giới có tài khoản, Facebook có thể được coi như một tấm gương phản chiếu xã hội loài người, trong đó có cả mặt tốt và xấu - từ thiện ở nơi này nhưng cũng có thể cùng lúc đang diễn ra những vụ khủng bố ở nơi khác.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Facebook đang không kiểm soát được vai trò của chính nó trong lĩnh vực truyền thông và để lọt những tin tức giả, những tuyên truyền của bộ máy chính quyền hay những video có nội dung phạm pháp.
Những video phát trực tuyến cảnh giết người, bắt cóc hay tra tấn thường nhanh chóng gây sự chú ý trên toàn thế giới bởi vì nó ở trên "mạng xã hội" phổ biến nhất trên Thế giới, khiến mọi người bắt buộc phải nhìn thấy nó, dù muốn dù không.
Lúc này, để giới thiệu những tính năng mới, Facebook phải vật lộn với một thực tế rằng không phải người ta sẽ luôn dùng nó vào mục đích tốt đẹp. Qua những buổi trả lời phỏng vấn và những bài đăng trên Facebook, có vẻ như Mark Zuckerberg không quan tâm đến vấn đề này lắm, ngay cả khi công ty của ông không phản hồi nhanh như người dùng mong đợi.
"Đó là một điều chua xót và tôi đang trăn trở rằng làm thế nào để chúng tôi có thể làm mọi thứ tốt hơn cho cộng đồng." Zuckerberg viết trên Facebook vào thứ Tư vừa rồi về những video tiêu cực gần đây.
Đó là một bài học cho Facebook. Vào tháng 12 vừa rồi, Zuckerberg đã gọi những tin tức sai lệch trên Facebook làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử là "một điều điên rồ". Một tháng sau, công ty này cho ra mắt một loạt các sáng kiến để đấu tranh chống lại những tin tức sai sự thật và ủng hộ báo chí tự do.
Những điều cần làm
Zuckerberg nói rằng các nhân viên của mình nhận được hàng triệu lượt tố cáo mỗi tuần. Bên cạnh việc xóa những video ghi lại cảnh phạm tội hay việc giúp đỡ những người có thể gây tổn thương cho bản thân, ông nói rằng công ty sẽ tăng cường năng lực đánh giá "và giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc xử lí những thứ không được phép ở trên Facebook như những phát ngôn tiêu cực hay hành hạ trẻ em."
Thông báo của Mark vào thứ Tư là một dấu hiệu rõ ràng rằng Facebook vẫn đang tiếp tục cần con người để kiểm soát nội dung, cho dù Facebook đã dựa vào những phần mềm trí thông minh nhân tạo để lọc vì sự phát triển quá nhanh và lượng thông tin khủng khiếp mà mọi người đăng tải hàng ngày.
Không phải mọi thứ đều là do Facebook, giáo sư Burroughs cho rằng chính người dùng cũng phải quyết định liệu họ có nên xem những video bạo lực được đăng tải hay lướt qua chúng. Và ông cũng muốn các tổ chức truyền thông cân nhắc trước những gì mà họ sẽ phát trực tuyến.