Áp lực bán trong những phiên cuối tuần “thổi bay” thành quả trước đó của VN-Index , khiến chỉ số chính kết tuần giảm nhẹ so với tuần trước. VN-Index đứng mốc 1.280 điểm, giảm hơn 2 điểm. Tuần qua được xem là vùng trống thông tin báo cáo tài chính , khi giai đoạn được nhiều doanh nghiệp công bố rơi vào khoảng 15-30/7.
FPT có tuần điều chỉnh với mức giảm hơn 3,5%, kéo VN-Index giảm hơn 1,7 điểm, là mã ảnh hưởng xấu nhất đến chỉ số. Chiều tăng điểm, nỗ lực tăng gần 8% của GVR chưa thể giúp VN-Index cân bằng. Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng với tổng giá trị gần 4.500 tỷ đồng, trong đó tâm điểm vẫn là FPT với giá trị 1.731 tỷ đồng. MWG và VHM theo sau, với giá trị bán ròng lần lượt 644 tỷ đồng và 521 tỷ đồng.
FPT có tuần điều chỉnh với mức giảm hơn 3,5%, gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số.
Chuyên gia Phạm Bình Phương - Chứng khoán Mirae Asset - nhận định, VN-Index đang có trạng thái đi ngang, với tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư. Về mặt kỹ thuật, mốc tâm lý 1.300 điểm trở thành thử thách lớn cho VN-Index.
“Kết quả kinh doanh quý 2 sẽ là yếu tố đánh giá kỳ vọng vừa qua của nhà đầu tư với các nhóm cổ phiếu có hợp lý hay không. Việc chờ đợi thông tin này có lẽ chi phối mạnh đến quyết định giao dịch của nhà đầu tư”, ông Phương nhận định.
Chuyên gia từ Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, khả năng cao xu hướng đi ngang sẽ kéo dài trong vài phiên tới, để thị trường tích lũy, chuẩn bị cho sự bùng nổ thanh khoản và xác nhận xu hướng rõ ràng hơn.
“Chúng tôi thiên về tín hiệu tích cực nên vẫn giữ quan điểm nên mua vào, trong đó lựa chọn những mã cổ phiếu đã xây nền tích lũy trong 2 tuần trước đó”, CSI khuyến nghị.
Về cơ hội vượt đỉnh ngắn hạn 1.300 điểm, nhiều dự báo ủng hộ kịch bản VN-Index sớm quay lại đà tăng. Trong đó, Chứng khoán Yuanta cho rằng thị trường đang trong giai đoạn biến động mạnh, tuy nhiên theo chiều hướng tích cực. Kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất trong tháng 9, cùng các dữ liệu vĩ mô tích cực, tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 sẽ hỗ trợ cho đà tăng của thị trường tháng 7.
“Định giá thấp ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cùng với đó, mức P/E (giá/thu nhập) dự phòng của chỉ số VN-Index ở mức 12.x, tương đương lợi suất 8,3% cho thấy thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác, kể cả khi lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng tăng trở lại”, chuyên gia từ Yuanta nhận định và cho rằng VN-Index sẽ sớm vượt 1.300 điểm trong tháng này.
Nhóm phân tích từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II diễn ra trong tháng 7 giúp VN-Index có cơ hội quay lại ngưỡng 1.300.
Theo ước tính của VDSC, doanh thu toàn thị trường bắt đầu có sự phục hồi so với quý trước, dù mức tăng có thể thấp hơn cùng kỳ. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ước đạt 13% so với cùng kỳ, hàm ý về sự cải thiện biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết so với cùng kỳ”, VDSC nhận định.
Ở chiều ngược lại, áp lực tỉ giá, lãi suất vẫn là gánh nặng với thị trường. Với tác động trái chiều của hai yếu tố trên, VDSC cho rằng, thị trường nhìn chung giữ biến động như hai tháng vừa qua. Với mùa công bố kết quả kinh doanh quý II sẽ diễn ra trong tháng 7, VN-Index vẫn có cơ hội quay lại ngưỡng 1.300 điểm. Trong trường hợp tỉ giá “nổi sóng”, và rủi ro Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, chỉ số có thể quay về ngưỡng 1.240 điểm, hoặc thậm chí 1.180 - 1.220 điểm trong quý III.
Ở vùng dao động này của chỉ số, VDSC kỳ vọng các nhóm cổ phiếu sẽ luân phiên tăng điểm, mang lại cơ hội đầu tư ngắn hạn.
“Mức biến động 5% của VN-Index có thể sẽ mang lại mức chênh lệch lớn về hiệu suất sinh lời cho các danh mục với tỉ trọng cổ phiếu khác nhau. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế sử dụng đòn bẩy quá mức và luôn có sức mua cho cơ hội ở các nhịp điều chỉnh lớn”, VDSC nhận định.