Ông Raditya Jati, đại diện Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia, cho biết, 70 người thiệt mạng do trận động đất ở Mamuju và 11 người ở Majene. Hơn 27.800 cư dân đã được sơ tán đến các địa điểm trú ẩn. Trên một nửa trong số gần 800 người bị thương vẫn đang được điều trị vì những vết thương nghiêm trọng.
Ngày 18/1, các lực lượng Indonesia đã tăng cường công tác tìm kiếm cứu hộ nhằm tìm kiếm những người bị chôn vùi trong đống đổ nát. Thêm nhiều nhân viên cứu hộ và tình nguyện viên đã được triển khai ở Mamuju, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất, và huyện Majene lân cận trên đảo Sulawesi.
Nỗ lực tìm cứu hộ đã được tăng cường (Ảnh: AP)
Nước, thực phẩm và vật tư y tế bị thiếu hụt trước đó đã được các xe tải vận chuyển tới. Lực lượng quân đội Indonesia đã điều động 5 máy bay chở nhân viên cứu hộ, thực phẩm, thuốc men, chăn màn, lều dã chiến cũng như tàu chở nước. Các tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ đã dựng thêm nhiều lều trú ẩn tạm thời cho những người bị mất nhà cửa ở Mamuju và Majene.
Các nhóm cứu trợ đang cố gắng tiếp cận người dân tại 6 ngôi làng bị cô lập ở huyện Majene do trận động đất đã làm hư hỏng cầu và đường giao thông. Ít nhất 1.150 ngôi nhà ở Majene đã bị hư hại.
Trận động đất đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản (Ảnh: AP)
Thành phố Mamuju, thủ phủ của tỉnh Tây Sulawesi với gần 300.000 dân, ngổn ngang những đống đổ nát từ các tòa nhà bị sập. Tòa nhà văn phòng của Thống đốc gần như bị san phẳng và một trung tâm mua sắm tại đây bị đổ sập. Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Indonesia cho biết, những người sơ tán đang rất cần các nhu yếu phẩm cơ bản như chăn, chiếu, lều, thức ăn trẻ em và dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng địa phương đã tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân sơ tán, chia nhóm để giảm thiểu rủi ro cho những nhóm dễ bị tổn thương.
Hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả sau thảm họa động đất này vẫn đang được tiến hành khẩn trương.