Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 14-2 tuyên bố sẽ tiếp tục các nỗ lực cứu hộ cho đến khi nạn nhân cuối cùng được tìm thấy, công tác đánh giá thiệt hại sẽ hoàn thành trong một tuần và hoạt động tái thiết bắt đầu trong vòng vài tháng tới, theo Reuters.
Trận động đất không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 41.000 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mà còn có khả năng gây ra những thay đổi về hậu cần và vận chuyển năng lượng toàn cầu.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022 là 853,5 tỉ USD, chỉ chiếm 0,84% GDP toàn cầu, do đó, về cơ bản trận động đất hôm 6-2 sẽ không tác động đáng kể đến sản lượng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, các nước trên thế giới sẽ phải cân nhắc rủi ro mà kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu - điển hình là một số dự án cơ sở hạ tầng lớn đã được xây dựng hoặc chuẩn bị triển khai có thể bị giảm giá trị, đồng thời chi phí đầu tư và xây dựng sẽ tăng đáng kể.
Quan trọng hơn cả, với vị trí nằm giữa châu Âu (thị trường tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới) với khu vực Trung Đông và Trung Á - biển Caspi (2 khu vực giàu dầu - khí), Thổ Nhĩ Kỳ là một trung tâm vận chuyển năng lượng toàn cầu.
TP Kahramanmaras, tâm chấn của trận động đất vừa qua của Thổ Nhĩ Kỳ, hoang tàn hôm 15-2 Ảnh: REUTERS
Theo bài viết trên báo China Daily của nhà nghiên cứu Mei Xinyu thuộc Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại quốc tế Trung Quốc (Trung Quốc), Nga đã nỗ lực xuất khẩu dầu khí sang châu Âu trong nhiều năm, còn các nước Trung Á và Azerbaijan có kế hoạch mở các tuyến xuất khẩu dầu khí mới, đặc biệt là sang châu Âu.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ có kế hoạch mở tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt ở Trung Á - biển Caspi nhằm làm suy yếu vị thế thống trị nguồn cung của Nga trong khu vực. Song song đó, Iran cũng muốn mở các kênh cung cấp dầu và khí đốt cho châu Âu vòng qua eo biển Hormuz và kênh đào Suez.
Tất cả những kế hoạch nói trên đều đòi hỏi xây dựng các đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, theo sau đó là các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga thông qua các đường ống trên đất liền (qua Ukraine và Ba Lan) đã bị hạn chế nhiều và có thể ngừng hoàn toàn trong tương lai gần.
Nga càng cần khẩn trương mở rộng các tuyến xuất khẩu dầu và khí đốt, đặc biệt sau khi đường ống dẫn khí đốt Nord Stream bị đánh bom.
Bên cạnh đó, Azerbaijan, Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan muốn mở các kênh xuất khẩu dầu khí mới ngoài mạng lưới đường ống của Nga.
Về mặt lý thuyết, họ có 4 tuyến đường khả thi là đi qua Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và tuyến Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ. Tuy nhiên, Iran đang bị phương Tây trừng phạt và có thể đối mặt các lệnh cấm vận mới, còn tuyến Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ có rủi ro quá cao.
Do đó, các lựa chọn thực tế chỉ còn lại tuyến đi qua Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, với việc tuyến vận chuyển dầu khí quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Ceyhan nằm không xa tâm chấn trận động đất vừa rồi, vị thế trung tâm vận chuyển dầu khí quốc tế của nước này sẽ bị ảnh hưởng.
Nhà nghiên cứu Mei Xinyu nhận định điều này có thể thúc đẩy Nga và các quốc gia Trung Á - biển Caspi xuất khẩu dầu và khí đốt của họ về phía Đông thông qua Trung Quốc, đồng thời buộc châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc và Tây Phi nếu muốn thay thế nguồn năng lượng từ Nga.
Sự thay đổi nguồn nhập khẩu dầu và khí đốt ở châu Âu từ trung hạn đến dài hạn có thể gián tiếp mở rộng các hoạt động khủng bố và ly khai ở Bắc và Tây Phi cũng như xa hơn nữa, qua đó làm gia tăng xung đột ở khu vực này.