Đứa con gái năm nay vừa tròn 17 tuổi ấy chính là tôi. Tôi lớn lên mà rất biết ý thức về hoàn cảnh. Trong khi bạn cùng lớp tôi cứ vô lo vô nghĩ, sống sung sướng mọi bề thì tôi họa hoằn lắm mới có được một chiếc áo mới, một đôi giày đẹp. Còn đâu, đồ của tôi toàn do mẹ nhặt nhạnh từ chị chủ nhà “thải ra”. Suốt những năm cấp 2, tôi vẫn thấy thoải mái với cuộc sống đầy khó khăn bởi ngoài giờ học, cả hai chị em đều chỉ thích loanh quanh ở nhà, chờ mẹ về vào mỗi tối. Mẹ là điều quan trọng nhất, đối với tôi thì trên đời này chỉ cần 3 mẹ con là đủ. Tuy thế, tôi cũng chưa bao giờ rủ bạn về nhà chơi. Căn phòng cấp 4 chỉ có hai cái giường, một ít đồ đạc lẻ tẻ và cái tivi “đời nhà Tống”, chẳng nên “khoe” làm gì nên cũng không ai biết về công việc của mẹ tôi. Vả lại, hồi đó tôi vẫn còn trẻ con, chuyện mẹ làm ôsin chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của tôi cả.
Nhưng khi bước chân vào cấp 3 thì mọi thứ lại khác hơn. Tôi bắt đầu khó chịu với công việc – đúng hơn là sự hành hạ từ chị chủ đanh đá mà mẹ đang phải chịu đựng. Mẹ tôi nợ tiền mua ngôi nhà từ mẹ chị ta, tuy vậy mẹ cũng đã cố gắng trả gần hết. Suốt chục năm nay, mẹ tôi bỏ hết sức khỏe, sự khéo léo và cả sức chịu đựng để làm tốt công việc của một ôsin chăm chỉ, không bao giờ đòi hỏi mà chị chủ ghê gớm ấy vẫn không hài hòng. Sáng dậy, 6h mẹ đã phải có mặt ở nhà chủ rồi bắt đầu giặt giũ, lau dọn, đi chợ, nấu nướng và cứ thế quần quật đủ công việc chị ta “khoán”.
Mẹ chăm hai đứa con chị ta kể từ khi lọt lòng, chị ta không nhúng tay vào bất cứ việc gì mà chỉ sai mẹ tôi thôi. Thay bỉm cho em bé, chị cũng không muốn đụng tay vào. Nhưng đứa bé mà khóc một chút là “trận mưa” chửi lại rơi vào đầu mẹ tôi. Có lần, mẹ pha bột hơi đặc nên em bé không chịu ăn, chị ta cao giọng khiến mẹ tôi phải chui vào bếp khóc “Con nhà cháu ở thành phố chứ không ăn được cái kiểu nhà quê như của các cô đâu. Pha thế này cho chó ăn à?”. Đó là chưa kể bao lần mẹ tôi ốm, xin nghỉ 1-2 ngày thôi mà chị ta cũng chửi bóng gió, đòi trừ lương. Mẹ đi chợ về là chị ta xăm soi ngay xem liệu mẹ có giấu tiền thừa ở đâu, có ăn cắp đồng nào không. Ngay khi biết chuyện, tôi đã điên lên bắt mẹ phải bỏ ngay việc. Mẹ chỉ gạt đi, giải thích “Mẹ kể vậy cho đỡ tức thôi, chứ vẫn còn nợ tiền nhà ấy không bỏ được”. Tiền – cái từ ấy cứ hằn sâu vào đầu tôi. Chỉ tại thiếu tiền mà mẹ tôi hơn 45 tuổi vẫn phải đi ở thế này.
(Ảnh minh họa)
Tôi nói mẹ bỏ làm ôsin đi, kiếm việc khác như chạy chợ, bán đồ ăn sáng trong ngõ, tôi đã xin được chân làm thêm bán hàng rồi kiếm tiền đóng học phụ mẹ. Nhưng mẹ nói mẹ không biết buôn bán, nhỡ lỗ thì sao rồi lại cặm cụi với công việc đầy vất vả. Tôi vào lớp 10 với sự ấm ức gia cảnh của mình, tôi không hề buồn và đòi hỏi 1 tí nào về vật chất, tôi sẵn lòng mặc lại đồ thừa mà mẹ xin của chị chủ, cũng chấp nhận bán hàng ở một tiệm thời trang ở Cầu Giấy tới tối mịt mới về, ăn uống qua loa để tiết kiệm từng đồng, nhưng lại không chịu nổi cái suy nghĩ về công việc của mẹ. Tôi nghĩ nhiều lắm, thành ra tôi ác cảm vì mẹ tôi là ôsin. Cái nghề đó nếu tử tế thì không sao, nhưng mẹ tôi khổ quá, kiếm được đồng tiền mà cứ phải chịu khổ, chịu nhục.
Vào cấp 3, tôi vẫn sống lặng lẽ, ít giao du bạn bè. Một phần vì bận làm thêm, một phần vì có lẽ khi biết mẹ tôi chỉ là một người giúp việc, chắc người ta cũng ngại kết thân. Mỗi khi có ai hỏi, tôi chỉ nói đơn giản là mẹ bán hàng ngoài chợ. Tôi cũng là một đứa con gái mới lớn với những tâm lý trái chiều khó hiểu, vừa thương mẹ hết mực, tôi vừa cảm thấy xấu hổ vì mẹ làm ôsin. Tôi cứ giấu mãi và tạm yên lòng với bí mật của gia đình cho đến khi cậu ấy xuất hiện vào đầu năm học mới.
Một học sinh nam chuyển từ lớp khối chiều sang đã khiến đám con gái lớp tôi xôn xao. Cậu ấy có vẻ chững chạc, ra dáng đàn ông chứ không trẻ con như lũ con trai “chíp hôi” bằng tuổi. Tôi run bắn khi nghe cô chủ nhiệm xếp cậu ấy ngồi ngay cạnh mình. Cậu ấy quay sang cười, còn tôi thì lóng nga lóng ngóng chẳng biết phải chào lại thế nào cho “phải phép” nữa. Thế rồi ngồi cạnh nhau gần một học kỳ, chúng tôi đã có nhiều cơ hội để nói chuyện hơn. Tôi biết rất rõ mình thích cậu ấy, cứ nghĩ đến gương mặt ấn tượng đó suốt và mong mỗi giờ học trôi qua thật lâu để được ngồi cạnh nhau. Cậu ấy nghỉ một hôm thôi là mặt tôi dài ra, cứ thẫn thờ mãi.
Thật may mắn, cậu ấy cũng có tình cảm với tôi. Cậu ấy bảo không thích con gái hay thể hiện, ăn chơi đua đòi (rõ là tôi không thế rồi). Vẻ giản dị, ít nói của tôi đã ghi điểm trong mắt cậu ấy. Vì còn bận làm thêm, rất ít khi hai đứa đi chơi ở ngoài mà chỉ nói chuyện nhiều ở lớp, rồi nhắn tin, gọi điện mỗi tối thôi. Tôi và cậu ấy chưa một lần nói từ yêu, tôi cho rằng điều ấy cũng không quan trọng lắm. Mọi thứ cứ diễn ra nhẹ nhàng thế này lại hay hơn cho tôi, tôi vẫn che giấu cậu ấy và cả lớp về chuyện mẹ tôi làm ôsin mà.
Nhưng sao mọi việc lại trở nên rối tung thế này… Cuộc đời có những sự oái ăm mà tôi không thể tưởng tượng ra nổi. Hôm đó, cậu ấy hẹn tôi đi ăn trưa. Lại đúng hôm ấy tôi được nghỉ trông hàng buổi chiều, cuối tuần em tôi nghỉ học không phải đưa đón, nên tôi đồng ý ngay. Đang gần đến hàng ăn thì cậu ấy nhận được điện thoại của mẹ. Hóa ra mẹ cậu ấy quên cầm chìa khóa nên bây giờ phải về mở cửa cho bác. Tôi cũng vui vẻ ngồi sau, đến đầu ngõ thì tôi chủ động nói để tôi đứng ngoài, bởi giữa hai đứa cũng chưa có gì gọi là chính thức, tôi ngại gặp mẹ cậu ấy lắm. Tôi xuống xe, còn cậu ấy phi vào ngõ.
Chuyện sẽ không có gì nếu như tôi không ngó nghiêng vào cái ngõ ấy xem nhà cậu ấy ở đoạn nào. Tôi chết điếng khi thấy mẹ tôi đang hì hụi lau cổng ở một căn nhà lạ hoắc, còn cậu ấy và mẹ thì đang nói chuyện ở ngay nhà bên cạnh. Mẹ tôi còn vui vẻ hỏi mẹ cậu ấy “Bác hôm nay về sớm thế?”, mẹ cậu ấy chỉ cười không đáp lại. Tôi hoa cả mắt, thật quá vô lý, không thể như thế được. Nhà chị chủ kia có phải ở đây đâu, mẹ tôi đến đây làm gì!! Chẳng lẽ mẹ lại tranh thủ cả ngày nghỉ để đi lau dọn ở những chỗ khác nữa. Những câu hỏi cứ quấn lấy tôi khiến cậu ấy đi ra lúc nào tôi cũng không để ý nữa. Lúc đi ăn, tôi có hỏi dò cậu ấy là “Lúc nãy H nghe thấy có người chào mẹ P hay sao ý nhỉ?”, cậu ấy trả lời rất thoải mái: “Ừ, cô M giúp việc theo giờ cho nhà bác hàng xóm, thi thoảng mẹ P cũng thuê cô ấy lau dọn”.
Câu trả lời đơn giản như thế nhưng cũng đủ khiến tôi nghẹn ứ trong cổ. Buổi đi chơi bỗng trở nên căng thẳng vì thái độ của tôi, tôi không muốn trả lời P nữa. Mặc cho cậu ấy lo lắng, tôi chỉ muốn lao ngay về nhà. Tối hôm ấy, tôi hỏi thì mẹ bảo người này giới thiệu người kia nên cuối tuần tranh thủ xin nghỉ ở nhà chị chủ, mẹ làm thêm một hai nhà nữa. Tôi không hỏi thêm gì nữa, chui vào buồng, tôi khóc như một đứa trẻ bị bố đánh. Nỗi ấm ức bao lâu nay lại quay lại hành hạ tôi. Chưa bao giờ tôi xấu hổ vì mẹ làm ôsin đến thế này, bao nhiêu nhà trong cái thành phố rộng lớn, tại sao lại đúng là nhà hàng xóm của P chứ… Chính P nói thi thoảng mẹ tôi cũng dọn dẹp ở nhà cậu ấy. Tôi biết nghề của mẹ tôi hoàn toàn không phải điều gì đáng xấu hổ, nhưng có ai hiểu cho tôi không, làm gì có cậu con trai nào yêu một cô bạn gái mà mẹ cô ấy lại thi thoảng… lau dọn, làm ôsin theo giờ cho nhà mình??! Chuyện của tôi với P mới chỉ là những cảm xúc đầu tiên, chưa có gì chắc chắn cả…
Tôi không muốn mẹ làm ôsin cho người ta thêm một giờ, một ngày nào nữa. Tôi sẵn sàng làm thêm thật nhiều để đỡ đần cho mẹ, để mẹ có thể bán hàng, mở sạp tạp hóa, chứ không phải là giúp việc quanh năm suốt tháng thế này. Nhưng dù tôi có nói thế nào, mẹ vẫn muốn làm tiếp với lý do “Công việc này đang kiếm được nhiều tiền, nhiều người muốn thuê mà mẹ chẳng có thời gian”. Mẹ có hiểu cho tôi không, tôi không thể để cho người bạn trai đầu tiên của mình biết mẹ là một ôsin, cũng như tôi rất lo cho sức khỏe của mẹ. Tôi bị ám ảnh, tôi sợ cái từ “ôsin” lắm rồi, ai mà muốn mẹ mình làm cái nghề này chứ?..