Những ngày này,
cuộc tranh luận về vấn đề liệu có nên bỏ, gộp tết Ta và tết Tây làm một nổ ra giữa nhiều luồng ý kiến trong cộng đồng mạng vẫn đang hết sức căng thẳng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, những quan điểm khác nhau được đưa ra không chỉ tại Việt Nam mà còn cả của các du học sinh Việt đang du học tại nước ngoài.
Ngày hôm nay,
hot Vlogger JVevermind vừa tung ra một Vlog, trình bày quan điểm của bản thân mình về việc có nên bỏ, gộp Tết Ta với Tết Tây làm một. Đây là một đề tài nóng và được rất nhiều người quan tâm, vì vậy ngay khi được up lên Youtube, nó đã thu hút một lượng lớn người xem và comment.
Theo JVevermind, các bất lợi đưa ra khi ăn Tết cổ truyền như "Mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài, mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm, gượng ép thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của sinh viên học sinh, làm cho họ mất cả 2 tuần lễ học hành, dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng, Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết Tây" là chưa có cơ sở và chưa thực sự hợp lý.
Trong Vlog của mình, JVevermind Trần Đức Việt nêu rõ
không ủng hộ
việc gộp Tết Ta và Tết Tây, cũng như phân tích những điều cảm thấy chưa
thực sự hợp lý với những lý do đưa ra nhằm gộp tết cổ truyền với Tết
Dương Lịch.
Với luận điểm đầu tiên, theo JV, bài viết nói "ăn Tết Dương vừa giữ được tập quán Tết cổ truyền, vừa đỡ mất cơ hội giao thương với nước ngoài" là chưa đúng. JVevermind bày tỏ quan điểm: "Đã nghỉ Tết thì sẽ mất cơ hội làm việc trong thời gian nghỉ. Nhưng đây là nghỉ lễ để cả nước kỷ niệm năm mới theo truyền thống và văn hóa riêng, chứ không phải là nghỉ theo kiểu vô thưởng vô phạt, không mục đích". Hot Vlogger còn hài hước: "Nếu vậy thì mọi người cần làm việc cả chủ nhật, vì chủ nhật ở Việt Nam là thứ 7 ở Mỹ, thế mới không bỏ lỡ cơ hội"
Điều thứ hai là "đỡ mất thời giờ của nông dân, để thời gian nông dân lo chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm", theo JVevermind là chưa có chứng cứ hay số liệu cụ thể để có thể khẳng định nghỉ Tết âm là mất thì giờ hay giảm năng suất.
Với những luận điểm khác, JVevermind cũng phân tích rất cụ thể và nhận được nhiều sự ủng hộ của cư dân mạng. Nói việc học sinh nghỉ Tết âm là nghỉ gượng ép, và phí thời gian học hành cũng chưa đúng, bởi việc lên lịch thi, thời khóa biểu là từ đầu năm chứ không phải gần Tết mới lên lịch, sao có thể nói là gượng ép theo âm lịch. JV còn đưa dẫn chứng những ngày nghỉ lớn ở nước ngoài như Lễ Tạ Ơn cũng không hề cố định...
Có vẻ như những sự tranh cãi về việc gộp Tết Tây với Tết Ta sẽ vẫn là một chủ đề nóng trong những ngày tới. Tuy nhiên, việc giới trẻ đang rất ủng hộ việc ăn Tết cổ truyền là một điều rất đáng mừng bởi nó phần nào chứng tỏ thế hệ trẻ vẫn đang có ý thức bảo vệ những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.