Ban giám hiệu THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) vừa quyết định cho nữ sinh lớp 8 Nguyễn Thanh Vy nghỉ học một năm vì đăng bài chế lại lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên facebook. Bài viết kêu gọi toàn thể học sinh của trường có hành động chống lại thầy cô và kỳ thi học kỳ 1.
Chia sẻ về vụ việc trên, nhiều độc giả cho rằng, chưa cần đọc hết bài viết, chỉ cần thấy gọi "bọn thầy cô" là đã không thể chấp nhận. Học sinh lớp 8 có thể vô tư, bồng bột nhưng văn hóa không phải hình thành theo tuổi tác. "Hôm trước đánh nhau, hôm sau viết bài thóa mạ thầy cô, coi thường lịch sử dân tộc, những học sinh như vậy nên cho vào trại giáo dưỡng", một độc giả nêu ý kiến.
Người này cho rằng, những học sinh kém, trấn tiền, bắt nạt, thậm chí đánh đập bạn bè chỉ gây ảnh hưởng xấu đến tập thể, nên cách ly khỏi cộng đồng cho đến khi có thay đổi tích cực. Trong trường hợp này, bố mẹ nên tự trách mình trước khi than vãn về thầy cô.
"Sai lầm của nhiều người là hay đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhà trường khi con họ lầm lỗi mà quên đi một điều cơ bản rằng chính gia đình, cha mẹ mới là người có trách nhiệm đầu tiên trong việc dạy dỗ con nên người", chị Nguyễn Huyền nhận định.
Nhiều độc giả cho rằng lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể để được chỉnh sửa và viết lung tung được. Vy đã là học sinh lớp 8, khi copy bài này, em phải biết nội dung nó viết những gì, có đúng hay không.
"Chính sự bao dung dễ dãi của mọi người sẽ làm học sinh không thấy được cái sai và càng hư hơn. Đuổi học 1 năm là thể hiện tính nghiêm minh, để học sinh lấy đó làm gương, không tái phạm. Hình phạt 1 năm cũng là thời gian để Vy cảnh tỉnh, biết ăn năn hối lỗi. Đuổi 1 năm chứ không phải đuổi luôn nên không có gì là quá nặng", anh Vũ Long viết.
Bên cạnh ý kiến ủng hộ hình phạt của lãnh đạo trường THCS Lý Tự Trọng, nhiều người cho rằng nên xử lý Vy ở mức nhẹ hơn.
Độc giả Vũ Ngọc Thắng chia sẻ, anh thấy bài chế "Lời kêu gọi" này đã có rất lâu trên mạng, Vy chỉ copy rồi dán lại trên facebook. "Tuổi trẻ ham vui, kỷ luật buộc thôi học 1 năm có vẻ hơi nặng", anh Thắng nêu ý kiến.
Còn anh Thành Trung thì cho rằng, trước khi kỷ luật đình chỉ thì thầy cô nên nhìn lại cách cư xử với học sinh. Thầy cô đã làm gì mà các em bị ức chế và bộc phát trên facebook như thế? Nếu học sinh vi phạm là kỷ luật và đẩy ra ngoài xã hội, các em sẽ làm gì trong thời gian đó?
"Học sinh đang trong giai đoạn phát triển nên mức độ nhận thức cái đúng và cái sai chưa thể bằng thầy cô. Thay vì đẩy các em ra ngoài xã hội, thầy cô nên giáo dục để học sinh cá biệt trở thành người tốt. Con trẻ sai thì người lớn phải uốn nắn, đó là thế hệ nối tiếp của tương lai chứ không phải là sản phẩm tiêu dùng để hư thì bỏ", anh Trung nói và nhận định, nếu công tác giáo dục tốt thì Vy đã không như vậy.
Là giáo viên, độc giả Mai Ngọc Đức Thịnh cũng thấy hình phạt đình chỉ học 1 năm đối với Vy là hơi nặng. Anh cho rằng, các em còn nhỏ, đạo đức đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện nên cần được định hướng. Ngoài nhà trường thì gia đình, xã hội, mối quan hệ hằng ngày của học sinh cũng là nơi để các em hình thành nhân cách.
"Chúng ta nên cho các em cơ hội, điều kiện để phát triển nhân cách theo hướng đúng đắn. Tôi thường bảo với học sinh của mình rằng, kênh Thị Nghè đen đục như vậy mà người ta còn cải tạo được, nên quan trong là cần có thời gian và ý chí", anh Thịnh viết.
Nhiều độc giả cũng đề nghị Ban giám hiệu THCS Lý Tự Trọng nên xem xét ở từng góc độ và đưa ra quyết định thật đúng đắn. Anh Phạm Thanh Dũng cho rằng nên để Vy có cơ hội sửa sai và nhận thức rõ về hành động chưa đúng của mình, như đứng trước toàn trường nhận lỗi trong buổi chào cờ đầu tuần. Đó là cách cảnh tỉnh và giáo dục cho những học sinh khác.
Bên cạnh đó, trường có thể có biện pháp kỷ luật khác mang tính nhân văn và thiên về giáo dục tâm lý nhiều hơn như cho Vy nghỉ học trong vòng 1-2 tuần để tham gia các hoạt động công ích bắt buộc, có sự giám sát chặt chẽ để em thấy được cuộc sống thực tế là như thế nào và biết cách quan tâm đến người khác.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Trồng người là cả một quá trình rèn luyện, thậm chí cả cuộc đời cũng chưa chắc đã hoàn mỹ. Và giáo dục cũng không đơn thuần mang lại kiến thức mà còn phải mang đến cho người học nhân sinh quan mới, những cảm nhận mới về cuộc sống", anh Dũng viết.