Mưa cứ đổ xuống khu phố cổ, dằng dặc và dai dẳng. Hội An đón Lâm bằng một chiều mưa như trút nước, anh chẳng nhớ nỗi mình đã xa khu phố cổ này bao lâu. Nhưng nó chẳng thay đổi gì, từ ngày anh đi, những đêm rằm vẫn là hội hoa đăng, đèn lồng lung linh đến huyền ảo, sông Hoài cũng vẫn vậy, tựa như con rồng nước già nua và cũ kỹ năm này qua năm khác cứ nằm lì lợm chôn chân ở khu phố hẹp này.
Lâm bây giờ về, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp của Học viện Báo chí tuyên truyền Hà Nội. Gần 5 năm ở ngoài Bắc, anh đã chưa một lần về khi mọi người trong gia đình đã qua Pháp lúc anh đang học năm 2. Căn nhà nằm trên đường Hùng Vương cũng được một quán cơm gà thuê và kinh doanh ổn định mấy năm nay. Thực ra, còn vì một lý do khác mà Lâm biệt tăm với Hội An, đó là Vy.
Thời còn phổ thông, Lâm và Vy là một cặp đẹp nhất trường, mối tình được cả hai gìn giữ vẻn vẹn và trong như viên ngọc dưới sâu Cửa Đại. Đêm trước ngày lên xe, anh chở Vy đi dọc bờ biển và thầm thì bên tai cô: “Mình cứ như thế này, mãi mãi thôi Vy nhé, ngày Hội An ngập đèn lồng và hoa đăng phủ kín sông Hoài, Lâm sẽ về”. Lúc đó ngồi sau xe, Vy đã khóc, cô im lặng suốt buổi tối. Mặc cho gió biển cứ cuốn đi thứ nước mằn mặn trên mi cô.
Vy chọn ngành du lịch của một trường Đại học cách Hội An 30km. Cô không thể đi xa vì cô nói rằng Phố Hội giống như bầu khí quyển dành cho riêng cô, nếu thiếu nó cô sẽ hụt mất. Lâm cũng buồn, nhưng ít thôi, một người con gái, thủy chung với vùng đất mà họ chọn thì ít ra với người yêu, cô cũng sẽ như vậy. Lâm tin Vy và anh cầm ba lô lên đường với nụ cười thổn thức chờ ngày về…
Những ngày đầu ra Bắc, Lâm thường xuyên gọi điện cho Vy, anh kể về Hà Nội, kể về những chiều lang thang một mình quanh hồ Gươm, về đêm, vỉa hè ngổn ngang những quán trà đá, khuya xuống, đâu đó thỉnh thoảng vang lên tiếng rít ấm lòng của điếu thuốc lào trên tay bác bốc vác đang chờ hàng… Nhưng 36 phố phường cũng chẳng còn gì để nói, Lâm lại phải vùi đầu để học, Vy cũng có những người bạn mới, lại thêm một tour du lịch khách nước ngoài thường xuyên gọi Vy làm hướng dẫn viên bởi vốn ngoại ngữ khá chuẩn của cô, vì thế mà các cuộc gọi thưa dần.
Lúc gia đình Lâm qua Pháp cũng là lúc anh và Vy chấm hết, sợi dây ngọc mà cả hai cùng gìn giữ trong những năm phổ thông khi kéo căng quá cũng bị đứt. Cả hai chấp nhận như thế khi không thể cứ cố gắng mãi chuyện quan tâm hỏi han nhau, Vy nói bằng giọng chững chạc hơn, rằng cô nghĩ tất cả những kỷ niệm đẹp đẽ ở Hội An chỉ là ngốc xít thời học trò, bây giờ cô cần một người quan tâm, chăm sóc cô từng ngày, không phải là qua từng dòng tin nhắn hay các email…
Một thời gian đầu cũng khó khăn lắm đối với Lâm, anh trách mình, đáng lý ra anh không nên ra Bắc, không nên đi xa như thế để rồi câu chuyện đẹp đẽ như thơ kia phải khép lại. Nhưng rồi cũng quen. Tất cả bị cuốn đi bởi nơi đất khách quá nhiều điều cho anh suy nghĩ và hình ảnh của Vy tạm chìm đâu đấy dưới sâu mớ bộn bề…
***
Chiều nay, trời tạnh mưa, nhưng Hội An lại đón cái lạnh hiu hắt của cơn gió trái mùa, Lâm khoác lên mình chiếc áo dạ cũ hơi dài rồi thả bộ dọc đường Trần Quốc Toản, đoạn gần sông Hoài. Không tấp nập, không xô bồ, ai ai cũng đi bộ, thỉnh thoảng đâu đó có một vài chiếc xích lô chở khách du lịch. Lâm ghé vào một gánh nước trên vỉa hè, xin một chén chè mè đen, lâu rồi anh chưa được xông vào mũi mình vị ngọt bùi ấm nóng của nó.
- Có phải thằng Lâm con Tư Lụa đó không? – Nãy giờ anh mãi ngắm phố mà chẳng chú ý đến cô bán hàng. Thì ra là dì Ba, dì già đi, nếp nhăn trên trán cũng sâu quá rồi, lại thêm cái nón lá rách tươm nữa, thảo nào Lâm nhận không ra. Tư Lụa là tên mà người dân nơi đây đặt cho mẹ Lâm, hồi chưa qua Pháp, bà bán lụa nổi tiếng ở khu An Hội này.
- Dạ, dì Ba, ôi trời, con nhận không ra dì đấy ạ. – Giọng Lâm không đậm như xưa nữa rồi, nhạt hơn, Bắc hơn, cũng phải thôi, 5 năm chứ ít gì…
- Cha mi! Đi đâu mấy năm ni? Ta tưởng mi qua bển với nhà mi rồi chứ! - Dì cười hiền.
- Dạ đâu có đâu, mấy năm nay con học ở Hà Nội đấy chứ… Dì già đi nhiều rồi mà cũng còn bán chè hả dì? – Lâm đưa chén chè lên đánh một thìa ngọt lịm.
- Già thì già chứ, sáu mươi mấy rồi mà, không bán chè thì ai nuôi ta. – Dì cúi xuống đẩy cây củi vào lò bột cưa nói tiếp. – Chừ mi về rồi qua đó luôn hả?
- Con cũng không biết nữa dì ơi…
- Qua thì qua, chứ lâu lâu cũng về, mẹ mi đi mà biệt tăm luôn…
Nói rồi dì đưa cho Lâm ly nước đậu ván và khẽ lắc đầu, phố này người đi thì nhiều mà mấy người trở lại đâu, có người nào đấy nói rằng Hội An không chạy, Hội An nằm ngoài xã hội. Nghĩ cũng đúng thật, chẳng nơi đâu như vậy, có phát triển mấy đi chăng nữa thì 10 năm sau, 20 năm sau, Hội An sẽ vẫn thế này, sẽ vẫn không có tiếng nổ, sẽ vẫn không có bụi đường, sẽ vẫn không có những ì ạch của nạn kẹt xe…
Dì Ba vẫn vậy, người nơi đây ai ai cũng vậy, chợt Lâm nghĩ đến Vy, có thể giờ cô đã có một gia đình hạnh phúc rồi chăng? Ngày Lâm đi, Vy đã thay đổi, sao cả khu phố này ai cũng yên lòng mà Vy lại khác đi?
Lâm để chén nước chè lên nắp vung rồi chào dì Ba. Cũng chạng rồi, đèn đã lên, anh thong thả đi về phía cầu An Hội. Cầu khác ngày xưa, đèn nhiều hơn, hồi ấy, nhà Vy bên kia cầu, chiều nào Lâm cũng qua đó đón Vy đi học thêm, 2 đứa học thầy Thiện tận dưới Cửa Đại, nên tối nào cũng được dạo biển. Những hình ảnh đó sẽ chẳng bao giờ mất đi trong Lâm. Anh khẽ nhíu mày, tự dưng lại nhớ đến chuyện xưa, giờ xa quá rồi, Lâm rút trong túi ra gói Thăng Long đem từ Hà Nội về. Tựa vô thành cầu, anh châm điếu thuốc rồi đứng nhìn một đôi uyên ương sắp cưới đang cùng ekip của mình làm album ảnh.
Chợt, anh rít một hơi dài, khẽ trừng mắt, cô gái mặt bộ áo dài màu trắng đang tay trong tay một chú rể người ngoại quốc kia là Vy. Chính xác là Vy, không sai được, đôi mắt ấy, không cần trang điểm cũng đã tuyền lắm rồi, lại thêm đôi môi hình trái tim hồng thắm ấy nữa. Lâm về vào dịp Vy làm đám cưới ư? Nhưng tại sao lại là con người tóc vàng ấy?
Bao nhiêu câu hỏi và ngạc nhiên phủ lên đầu Lâm. Điếu thuốc tàn hết, hơi nóng chạm vào tay Lâm làm anh sực tỉnh và giật mình. Lúc anh quay lưng tránh mặt Vy thì:
- Có phải Lâm đó không?
Tiếng Vy gọi, không nhầm vào đâu được, Lâm hơi lúng túng, anh chựng lại một lát rồi mới quay đầu lại khẽ động môi. Toàn bộ ekip nhìn về phía anh đầy ngạc nhiên, cả anh chàng ngoại quốc kia cũng ném ánh nhìn thắc mắc về phía Lâm:
- Lâm về khi nào? Sao lại tránh Vy thế kia? – Vy đi nhanh lại anh, chầm chậm vuốt mái tóc trước bị gió hắt lên.
- Cũng mới hôm qua thôi... – Lâm hơi gượng. – Tại thấy Vy đang bận nên không dám làm phiền.
Vy hơi cúi người, nhướng mày nhưng rồi cũng cười hiền:
- Bận gì đâu! – Nói rồi, cô quay lưng lại vẫy chồng mình bằng một câu ngoại ngữ gì đấy, vì quá nhanh nên Lâm nghe chẳng rõ. – Anh ấy là người Mỹ.
Anh chàng kia đưa tay ra, cúi người rất lịch sự chào Lâm. Lâm cũng đáp lại. Rồi tự nhiên tất cả rơi vào im lặng, Lâm chẳng biết nói gì, anh thấy mình hơi thừa.
Vy đọc số điện thoại cho anh rồi hẹn một buổi nào đấy nói chuyện. Lâm hiểu và cũng nhanh chóng rút lui để trả lại không gian cho Vy.
Nhẹ nhàng và chầm chậm, Lâm thả bộ xuống khu Cẩm Phô làm vài ly rượu rồi lặng lẽ nhìn hoa đăng trôi hờ hững trên sông Hoài. Hội An chưa bao giờ tịch và rầu đến thế…
***
Sáng nay Lâm dậy hơi sớm, biển Cửa Đại mịt mù sương, một vài tàu cá còn ráng lại ngoài khơi hy vọng được chút cá tươi cho ngày. Trên bãi cát cũng còn vắng lắm, biển động sóng nên chẳng có ai tắm giờ này. Lâm về Hội An tựa như người vô hình, ít quen biết ai ngoài mấy cô chú ngày xưa là bạn của bà Tư. Anh nằm lì mãi ở tầng trên của quán cơm, anh sợ ra đường là gặp Vy, biết đâu, trong album hình lại thiếu cảnh nào đấy cần bổ sung, mắc công anh lại phải tránh, phải buồn.
Ai rồi cũng có đường đi riêng rồi, Lâm và Vy ở những năm phổ thông xa lắm rồi. Cũng không nên nghĩ làm gì, Vy có quyền như thế và Vy phải như thế.
Chút nữa Vy hẹn Lâm ở Café Bo’zin. Anh định sẽ chào Vy một tiếng rồi sang Pháp học tiếp Cao học truyền thông. Lâm nghĩ là anh nên đi, người phố Hội vẫn vậy nhưng chẳng ai muốn níu anh nữa rồi. Nơi sinh mình ra chắc gì là nơi sẽ dưỡng mình.
Lâm đến quán sớm, Bo’zin nằm trên một con đường thưa người qua lại, quán hẹp nhưng sâu, được trang trí theo kiểu Tây nhưng vẫn mang một nét gì đó của Á Đông. Anh gọi một ly phê đen không đường và mượn cô phục vụ tờ báo sáng. Báo đưa tin miền Bắc vào rét, đang chịu một đợt gió mùa nào đấy, tự dưng Lâm nhớ Hà Nội ghê gớm, ở đây anh thực sự cô đơn, cứ tưởng ngày về anh sẽ tìm lại những gì quen thuộc, cảm giác một mình gặm nhấm cái lạnh ở Hà Nội dễ chịu hơn nhiều khi ở đây.
Lâm gấp tờ báo lại và châm điếu thuốc cuối cùng còn sót lại trong gói. Vy đến, chiếc xe ô tô chở cô không đậu lại mà chạy thẳng luôn:
- Lâm đến lâu chưa?
- Cũng mới thôi. – Lâm cười. – Sao không nói anh ấy vào luôn?
Vy bỏ túi xách xuống chiếc ghê bên cạnh, ngẩn người lên nhìn anh, cô thoáng ngạc nhiên:
- À… John có công chuyện nên không ghé được. – Vy cười gượng. – Lâm tinh ghê á nghen. – Nói rồi Vy giả vờ nhíu mày. – Lâm hôm nay nhìn lớn quá…
Cô vẫn như xưa, nhí nhảnh hiện rõ lên khuôn mặt trong sáng của cô. Lâm sửa lại thế ngồi, dụi điếu thuốc vào gạt tàn, mỉm cười.
- Nhìn già đi nhiều Vy nhỉ? Sống ở Hà Nội tự nhiên ai cũng như héo đi. – Lâm nửa đùa nửa thật. – Sao rồi? Chuyện đám cưới Vy chuẩn bị xong hết chưa?
Vy vớ tay đón lấy ly nước chị phục vụ vừa mang đến, hờ hững khuấy cho vị trà gừng tan ra.
- John lo tất, anh ấy không để Vy nhúng tay vào, nhiệm vụ của Vy hôm đó là diện một chiếc váy thật lộng lẫy và đi bên anh ấy thôi. À, nói mới nhớ. – Vừa nói Vy vừa lấy trong túi xách ra tấm thiệp màu hồng đưa cho Lâm. – Vy tưởng Lâm không về nên gửi Lâm hơi muộn.
- Anh ấy có vẻ chu đáo nhỉ? Vy chắc hạnh phúc lắm đúng không?
Vy thở dài, không trả lời Lâm, cô đưa mắt nhìn nhạt ra phía đường, thỉnh thoảng có một chiếc xích lô chạy ngang quán. Lâm đón lấy tấm thiệp hơi hờ hững. Quán nhẹ nhàng vang lên một điệu Ballad, từ từ to dần khiến cả hai đột ngột lắng theo tiếng nhạc…
“…Wherever you go/ Whatever you do/ I will be right here waiting for you/ Whatever it takes/ Or how my heart breaks/ I will be right here waiting for you…”
Đến đoạn đó, Vy khẽ nhìn về phía Lâm, nhưng lại chạm ngay vào ánh mắt anh đang nhìn cô, hơi lúng túng và ngượng ngùng. Không khí ngột hơn…
Lâm cứ như thế cho đến khi Vy chủ động phá tan sự im lặng.
- Lâm quen ai rồi? – Sao không giới thiệu cho Vy biết với. – Vy bặm môi, hơi cúi đầu nhưng thỉnh thoảng cũng hồi hộp đưa mắt chờ đợi câu trả lời của Vy.
Lâm vớ tay ngớp một ngụm cà phê nói bằng giọng rất đều:
- Cô ấy sang Pháp học tiếp cao học rồi. Vừa tốt nghiệp là cô ấy đi.
- Thế Lâm định khi nào qua đó? – Vy mỉm cười, nén tiếng thở dài.
- Cô ấy mấy ngày nay cứ gọi Lâm mãi, chắc vài hôm nữa Lâm bay đấy.
Lâm cũng cười nhưng nhanh chóng tránh ánh mắt của Vy, lòng tự dưng nặng trĩu. Cả hai ngồi thẫn thờ một lát rồi Vy đứng lên xin phép Lâm về trước, cô không quên chúc anh hạnh phúc và sớm gặp lại “người yêu”. Lâm nhìn Vy quay người bước đi, ngoài kia nắng đã lên rồi, anh đưa tay lên vuốt mặt và nhắm nghiền mắt để sóng mũi khỏi cay, để anh tỉnh táo khẳng định rằng những điều anh làm hôm nay thì sẽ chẳng phải tiếc nuối vào ngày mai.
Qua ánh nhìn, gương mặt và cả sự dè chừng của Vy, Lâm chắc chắn là cô còn tình cảm với anh, nhưng anh biết, cuộc sống của Vy hiện tại rất tốt, anh không muốn cô phải để mắt đến một thằng lang thang như mình. “Cô ấy” mà Lâm dựng lên có thể sẽ khiến Vy thất vọng nhưng cô còn có chỗ để về, người đàn ông tóc vàng, đầy đủ và chu đáo ấy sẽ là bờ vai vững chắc cho Vy. Chẳng phải ngày xưa Vy đã nói rằng cô cần một người quan tâm chăm sóc cô từng ngày đó sao…
***
Lâm lên máy bay hai ngày sau buổi sáng hôm ấy. Ngày anh đi, Hội An cũng đổ mưa, ướt nhẹp cả bờ ngói cũ kỹ của Chùa Cầu, Phúc Kiến Tự nhỏ xíu và bỗng dưng lạnh lẽo vô cùng, từng con đường, từng bức tường xanh rêu cũng ngập trong màn mưa ấy.
Chiều hôm qua, Lâm đã mua một món quà tặng cho John và Vy nhân ngày cưới, anh giao cho bưu điện để người ta gửi đúng vào ngày giờ, địa điểm ghi trên thiệp cưới.
Giờ này, khi đang ngồi trên máy bay, Lâm thấy lòng nhẹ tênh, anh đi thật đấy, nhưng biết rằng có một thứ vẫn ở lại Phố Hội, đó là mối tình trong sáng và lãng mạn giữa anh và Vy, anh đã chôn nó dưới cát, nhưng là lớp cát dưới sâu Cửa Đại.
Cái Lâm mang theo bây giờ, đơn giản chỉ là những ngày nắng như đổ lửa của miền Trung, những cơn lạnh hắt hiu của miền Bắc. Lâm sẽ nhớ Việt Nam nhiều lắm…