Ai cũng có lúc rơi vào tình trạng “viêm màng túi”, thế nên chuyện vay mượn tiền của bạn là điều dễ hiểu. Thế nhưng đôi khi cùng vì chuyện này mà nhiều bạn rơi vào tình huống khó xử. Teen sẽ xử lí như thế nào?
Từ chối hay cho vay?
Đó là khi bạn có thể xác định trước rằng đó sẽ là khoản nợ "khó đòi" và có thể là không bao giờ đòi được. Nhất là những tình huống “dở khóc dở cười” khi cán bộ lớp thông báo đóng tiền quỹ, tuy chỉ vài chục nghìn thôi nhưng rất nhiều teen vì muốn “trốn” nên viện lí do: “Quên mất, hôm nay tớ không mang tiền”. Và rồi đến khi bạn vô tư lên nộp thì: “Cậu đóng luôn hộ mình với nhé! Hôm sau mình sẽ trả cho cậu!”, dù chẳng biết cái "hôm sau" đó là bao giờ. Huy (18t) nói: “Bọn mình là sinh viên học tín chỉ, mỗi môn một lớp khác nhau và chỉ học có mười mấy tuần. Thế nên mỗi khi phải đóng quỹ lớp, bạn ngồi cạnh mình mới quen được từ mấy buổi trước hỏi vay tiền hoặc nhờ đóng luôn, chẳng đáng là bao nhưng mà đồng ý thì không biết bao giờ bạn ấy mới trả, nhắc thì ngại. Mà không đồng ý thì khó xử. Tính ra mỗi môn là một lần đóng quỹ, sơ sơ cũng phải tính tiền trăm rồi. Chẳng biết làm thế nào nữa.”
Tương tự với trường hợp trên là khi cả hội rủ nhau đi tụ tập ăn uống hay đi chơi xa. Tất nhiên mỗi người sẽ phải trích ra một khoản để “góp” vào quỹ chung, thế nhưng vẫn có những teen “vô ý” quên và lại tiếp tục vay. Là bạn bè với nhau, nếu không cho vay thì bị liệt vào danh sách “ki bo”, “có mấy đồng thôi mà cũng không cho người khác vay”... Kẻ vay được tiền thì tươi cười, vô tư lự, trái lại người “phải” cho vay thì “ruột đau như cắt” nhưng “miệng vẫn phải như hoa”. Huyền (18t) nói: “Mỗi lần bạn mình hỏi vay tiền thì không chỉ mình mà nhiều bạn đã chuẩn bị “tinh thần” là cho luôn chứ không đòi được. Thế nên mình rất ngại cái “khoản tiền nong” này.”
Điều quan trọng là cần nghiêm túc và sòng phẳng với nhau trong chuyện tiền nong, bạn ạ. (Ảnh minh họa)
Còn có những bạn đã mất tiền rồi lại còn bị nói xấu nữa cơ. “Đứa bạn cùng phòng với tớ thỉnh thoảng vay tiền, mọi lần ít không trả thì thôi. Chứ có lần vay tớ tận 400K mãi không trả. Nghĩ là ở trong nhà với cả, lúc nào trả cũng được, hơn nữa đòi thì cũng thấy ngại ngại. Bẵng đi hơn 2 tháng khi mình hỏi thì bạn ấy bảo là trả rồi còn gì, sao bây giờ còn hỏi? Hai đứa đôi co một lúc kết quả là giận nhau và mình vẫn không lấy được tiền. Đã thế hôm sau khi mới đến lớp thì đã nghe mấy bạn xì xầm, chỉ trỏ với ánh mắt đầy nghi hoặc. Thiết nghĩ bọn mình cũng chỉ là sinh viên thôi, lấy đâu mà dư giả tiền nong, vậy mà …”- Hoài (19t) nói.
Và những câu chuyện khi “bùng” nợ...
Được thì rất ít nhưng cái mà teen mất đi thì lại rất nhiều. Một điều dễ nhận thấy là khi “xù” nợ teen được số tiền đó nhưng trên hết cái mà chúng ta đánh mất đi là giá trị bản thân, niềm tin vào người khác và cả tình bạn bè nữa. Như trường hợp của Hoài ở trên, kết quả là “ai đi đường nấy” và mỗi lần hai đứa gặp nhau cũng rất ít nói chuyện. Bạn vay được một lần, hai lần nhưng đến lần thứ ba thì sẽ khác rồi đấy! và chắc hẳn sẽ không có lần sau nữa đâu. Thái độ và cách nhìn nhận về bạn từ mọi người cũng dần thay đổi theo. Teen thử nghĩ xem nhé! Khi mình mượn tiền của ai đó mà không trả (dù người ta không nhắc) thì mỗi lần đối diện với họ bạn có thể tự tin nói chuyện hay mỉm cười một cách thoải mái được không? Thật sự rất khó.
Hiện nay dường như hiện tượng “vay mà không trả” ở teen đã rất phổ biến và nó dường như đã trở thành một điều “quá đỗi bình thường” nếu không muốn nói là thói quen. Một phần cũng là do tâm lí của chúng ta thường cho rằng “chẳng đáng mấy coi như là mất, đánh rơi hay ủng hộ ai đó” mà không đòi nữa.
Tiền luôn là một vấn đề khó nói và tế nhị trong cuộc sống. Thế nên để giữ được sự vô tư và sự bền lâu trong tình bạn thì tốt nhất teen hãy rạch ròi và thẳng thắn chuyện này nhé!