“Giờ cao su” là cụm từ có lẽ đã quá quen thuộc với teen chúng ta. Đó không còn được coi là một hiện tượng xấu nữa mà giờ đây “giờ cao su” đã trở thành căn bệnh nan y khó chữa. Dường như nó đã là thói quen của trong đa số bộ phận teen mình, ít thì dăm ba phút nhiều thì cả nửa tiếng đồng hồ. Vấn đề này đã được nói tới rất nhiều nhưng đến tận thời điểm này thì tình trạng “giờ cao su” vẫn chưa có cách để giải quyết triệt để.
Cao su trong học tập
Nếu nhà trường quy định giờ vào lớp là 7h thì việc 7h10', sân trường chật kín sinh viên, xe máy, xe đạp chen nhau vào khu vực gửi xe, còn các bạn đi bộ thì rất đủng đỉnh và thong thả vào lớp, không có biểu hiện gì của việc đã muộn giờ vào học, cứ như thể là một chuyện rất đỗi bình thường. Theo như Ngọc (19t): “Bọn mình ở trong kí túc xá nên gần như hôm nào cũng vậy, khi nghe chuông reo vào lớp thì mới bắt đầu ở phòng đi. Đến sớm thì cũng không có ai, ngồi chẳng biết làm gì cả”.
Chính vì ai cũng có suy nghĩ đó nên nếu một bạn đến đúng giờ hoặc sớm hơn 5 hay 10 phút thì các bạn khác đều mắt chữ O mồm chữ A. Thậm chí, thầy Hùng - một giảng viên trẻ của trường đại học khá danh tiếng trên địa bàn cho Hà Nội đã phàn nàn: “Trong các giờ thầy đứng lớp thường xuyên xảy ra tình trạng vào lớp đã mươi mười lăm phút rồi mà vẫn còn rất nhiều em chưa có mặt trong lớp. Khi mình bắt đầu bài giảng thì thỉnh thoảng lại có một em đến và xin vào làm đứt đi mạch cảm xúc giảng bài và nhiều khi chính bản thân mình cũng thấy rất ức chế”. Một tiết học chỉ có 45 - 50 phút, việc teen đi muộn đã chiếm mất một phần thời gian khá lớn, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập và những teen khác đến đúng giờ.
Hay như Huyền (16t) nói: “Khi mình mới bước chân vào cấp 3, lớp có buổi đi lao động, theo lịch là 3 giờ chiều tất cả đều phải có mặt. Vì nhà xa nên mình đi từ lúc 2 rưỡi nhưng đến trường thì không thấy bóng ai cả. Đợi mãi hơn 20 phút mới lác đác vài bạn đến. Mọi người bảo, đến sớm làm gì? Nói là 3 giờ thì 3 rưỡi hãy tới, chúng nó cao su lắm. Từ đó mình rút ra kinh nghiệm, nếu lớp có việc gì từ liên hoan hay vệ sinh lớp thì cứ đi trễ nửa tiếng so với giờ quy định là vừa."
Việc “giờ cao su” không chỉ lãng phí thời gian một cách vô ích mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập không phải của ai khác mà là của chính chúng ta. Bên cạnh đó nó còn gây rất nhiều phiền phức cho những người xung quanh. Lên kế hoạch đâu vào đấy rồi nhưng chỉ vì “cao su” như trường hợp của Huyền đã làm bạn lỡ mất một cuộc hẹn quan trọng.
Cao su trong công việc
Teen có thể “cao su” trong bất cứ lĩnh vực nào, không chỉ học tập thôi đâu, mà ngay cả trong công việc cũng vậy. Lan (17t) cho biết: “Vào mỗi dịp 8/3 hay 14/2 là nhóm mình lại lên kế hoạch bán hoa. Nhiều khi cả nhóm đã đông đủ chỉ còn thiếu mỗi một bạn chưa có mặt. Phân công công việc cụ thể, mỗi người một nhiệm vụ. Bạn ấy chịu trách nhiệm đi mua giấy bóng để bọc hoa. Thế là cả nhóm chẳng biết làm gì, đành phải ngồi chờ. Và sau đó nhận được lời giải thích là xe tớ bị hỏng. Còn lần đi giao hàng cho khách họ hẹn 19h30 phải đưa tới địa điểm đó, nhưng bạn đưa hàng mãi 19h20 mới đi chậm mất 15 phút, thế là đành phải rối rít gọi điện xin lỗi và chấp nhận giảm giá mất một nửa."
Còn với K.Vân (20t) thì bị một phen xấu hổ khi tham gia công tác tình nguyện sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở khu dân cư trên địa bàn nhà trường đã đăng kí. Ở đây bạn phải gặp gỡ và tiếp xúc với các anh chị trên quận đoàn, các bác phụ trách thiếu nhi sinh hoạt. Ngay ở buổi ra mắt đầu tiên K.Vân đã đến muộn khiến mọi người và các em phải chờ mình tất cả cũng chỉ vì thói quen “giờ cao su” mà ra. Thống nhất là 18h30 phải có mặt nhưng cô nàng cứ nghĩ mọi người cũng cao su như mình nên nàng đến muộn gần 20 phút. Vân nói: “Lần đó các cô các bác thấy mình là người mới đến nên nể không nói gì. Nhưng khổ một nỗi, các em còn nhỏ cứ hồn nhiên hỏi mình mãi: “sao chị đến muộn thế? Bọn em chờ chị mãi.” Sau lần đó mình bị các anh trong ban chấp hành phê bình. Ngượng không để đâu cho hết.”
Teen luôn nghĩ rằng vì người khác luôn trễ giờ nên cũng cho phép mình không đúng giờ. Nhưng đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm, bởi để người khác phải chờ đợi mình là thiếu tôn trọng họ và nhiều lần như thế người ta sẽ đánh giá mình là người thiếu chuyên nghiệp trong công việc.
Và cao su ngay cả khi... đi chơi
Có vẻ tưởng như là hết sức vô lí, bởi chơi thì ai mà không thích, nhưng chính teen chúng ta thì lại “cao su” nhất trong việc này. Thử nghĩ xem mỗi lần lớp tổ chức đi cắm trại xe đến đón lúc 7 giờ thì ít nhất cũng phải 7h 30 mới có thể xuất phát vì thiếu một “mem” nào đó chưa có mặt. Thảo (17t) bức xúc: “Có lần lớp mình rủ nhau đi Cúc Phương chơi hai ngày một đêm. Khi cả đoàn ra về thì không thấy mặt Quân đâu. Gọi điện không nghe máy, thế là hôm đó bọn mình phải về đêm, 1h sáng mới về tới thành phố chỉ vì mỗi việc phải đợi chàng mải đọc truyện tranh mà không để ý tới những người xung quanh. Lần đó các bạn trong lớp chỉ trích Quân rất nhiều rồi đâm ra bạn bè lại mất đoàn kết”.
Không giống như Quân, trường hợp của Hằng (18t) thì chỉ vì cho rằng mình là “hot girl”, là tâm điểm chú ý của các chàng trai nên mọi người phải chờ mình trong mỗi lần đi chơi là chuyện đương nhiên. Mỗi lần nhóm tụ tập đi đâu thì các bạn trong nhóm phải đợi Hằng ít thì cũng 20 phút, còn nhiều thì có khi lên tới cả tiếng vì cô nàng còn bận trang điểm. Ai đó trong nhóm mà có ý kiến thì y như rằng Hằng nói ngay: “Cậu ghen tị với nhan sắc của tớ à? Mấy chàng lớp bên còn đang xếp hàng đợi để được đi chơi với tớ đó”. Một hai lần đầu các bạn đều cho qua, nhưng những lần sau thì không ai chịu nổi Hằng nữa, dần dần việc Hằng vắng mặt trong những buổi tụ tập của nhóm là điều trở nên rất đỗi bình thường.
Kết
Chính việc cao su của teen đôi khi đã dẫn tới sự sứt mẻ tình bạn. Nhiều khi gây ra những hiểu lầm không đáng có, điều nguy hiểm hơn là bạn bè sẽ không còn tin bạn nữa. Teen có bao giờ nghĩ đến cảm giác của người khác phải chờ đợi mình? Hãy biết tôn trọng mọi người và có trách nhiệm với những gì mình đã nói, như vậy cũng là bạn đang tôn trọng chính mình đó.