Kì nghỉ Tết đã trôi qua được gần một nửa, những hội bạn thân, những cặp đôi đang dần lên lịch cho kế hoạch gặp gỡ đầu năm. Chắc chắn là không có bối rối hay ngại ngùng khi gặp gỡ, nhưng có một điều hẳn sẽ nên được liệt vào danh sách những mục cần lưu ý. Đó chính là những câu nói, câu hỏi cần "kiêng kị". Nhỏ nhặt thôi, nhưng cũng quan trọng lắm đấy nhé!
1. "Cậu nhận được bao nhiêu tiền mừng tuổi?"
Lớn dần, số tiền lì xì bạn nhận được từ những người thân trong gia đình ngày càng ít đi. Bạn bằng lòng với việc sự trưởng thành về… tuổi tác phải được đánh đổi bằng sự thâm hụt về… ngân sách. Bạn muốn kêu ca điều đó với hội bạn của mình. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ đến tình huống số phong bao lì xì theo bạn là “ít ỏi” lại là niềm mong mỏi của rất nhiều người bạn khác?
Dương (HV Quân Y) chia sẻ: “Nhắn tin nói chuyện với cô bạn cùng lớp đại học, tớ than trời về việc lớn rồi không được nhiều người mừng tuổi nữa. Con số 2 triệu mà tớ nhận được chưa từng khiến tớ hài lòng và là lý do tớ không ngừng than vãn cho tới khi cô bạn nói về số tiền mừng tuổi chưa chạm tới 400K. Cuộc nói chuyện của hai đứa đột nhiên trầm hẳn. Tớ biết mình đã vô tâm biết bao khi không nhận ra rằng gia đình bạn ấy không thực sự khá giả và dường như tớ đã chạm vào một nỗi buồn vô hình của bạn ấy.”
2. "Cậu không lì xì tớ à?"
Tương tự như tình huống trên kia, sẽ là lịch sự và… có duyên nếu bạn tránh câu hỏi này. Bạn đã chẳng còn nhỏ dại để ngốc nghếch vòi tiền lì xì của người khác và càng chẳng nên chút nào khi bạn… đòi tiền mừng tuổi từ bạn bè, những người bạn đồng trang lứa và… cùng “cảnh ngộ sinh viên” với mình. Đừng lấy việc khiến người khác ngại ngùng và bối rối làm trò vui bạn nhé! Hãy chứng tỏ rằng mình đã lớn, ít nhất là với chính bản thân mình.
Đừng để "lỡ lời" mà gây buồn cho bạn bè mình nhé! (Ảnh minh họa) 3. "Tết nhà cậu sao mà... nhạt thế!"
Bạn và gia đình đã có một cái Tết linh đình và ấm cúng, di chuyển liên tục và gặp gỡ họ hàng. Bạn bè hoặc người ấy của bạn có thể chỉ đón một cái Tết… bình thường hơn, ở nhà, gắn chặt với cái Tivi hoặc laptop, ngủ hoặc ăn. Đừng vội đưa ra lời kết luận rằng đó là một mùa Tết đáng chán. Bởi không phải đợi tới khi bạn nói, họ mới nhận ra điều đó. Sự thật ấy đã khiến họ buồn rất nhiều rồi. Nhưng nhiều khi người ta buộc phải chấp nhận rằng Tết đi qua theo cách không mong muốn, có thể vì một tâm trạng bất thường nào đó, có thể vì công việc quá nhiều đòi hỏi làm qua Tết, có thể vì sự nhàm chán đến từ những mùa Tết giống nhau… Trong những tình huống như thế này, cách tốt nhất bạn nên làm là… “đừng làm nỗi đau thêm dài”.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều câu nói mà chúng mình cần chú ý "kiêng kị" nếu không muốn làm khó bạn bè mình. Hãy để mùa Tết trôi qua trong ấm áp và ngay cả khi nó đang dần kết thúc thì bạn và hội bạn thân vẫn có thể nhớ về nó với thật nhiều điều vui vẻ, bạn nhé!