MasterChef Việt mùa thứ 2 chỉ mới phát sóng tập đầu tiên nhưng đã dính phải scandal tố "vô trách nhiệm", thiếu công bằng từ thí sinh tham dự. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Ngay từ buổi họp báo, sự xuất hiện của nữ diễn viên Tăng Thanh Hà trong vai trò là giám khảo khách mời đã khiến nhiều người bàn tán xôn xao. Hà Tăng tuy là một ngôi sao được yêu mến, tuy nhiên nhiều fan của Vua Đầu Bếp lại cho rằng bản thân cô chưa đủ khả năng để trở thành giám khảo của một cuộc thi nấu ăn.
Và ngay khi tập 1 của chương trình được phát sóng, những người phản đối Hà Tăng trở thành giám khảo MasterChef lại được dịp lớn tiếng khi nữ diễn viên loại một thí sinh vì thiếu đam mê. Đến lúc này, từ một diễn viên được yêu quý, Hà Tăng liên tiếp nhận đủ thứ gạch đá và các bài học về đạo đức làm người. Nhưng không chỉ lên tiếng chỉ trích Hà Tăng, nhiều người còn đưa ra những sự so sánh hết sức vô duyên, vô lý và thiển cận mà trong bài viết này, chúng sẽ lần lượt được nhắc đến.
1. Từ diễn viên đến giám khảo về chương trình ẩm thực
Chuyện Hà Tăng đột ngột xuất hiện tại MasterChef thật sự là một điều hết sức dễ hiểu. Cô xuất hiện dưới cương vị giám khảo khách mời, vốn đòi hỏi là người có sức ảnh hưởng tới công chúng, nổi tiếng, được yêu mến và có ít nhiều hiểu biết về ẩm thực. Vậy cô ấy có gì không xứng đáng? Hà Tăng nổi tiếng. Được yêu mến. Cô thậm chí còn là định nghĩa về sự yêu mến của công chúng với một ngôi sao nào đó tại Việt Nam. Hiểu về ẩm thực? Chắc chắn là có.
Đa số các bạn trẻ ném đá Hà Tăng đều tập trung vào ý rằng cô chỉ là một diễn viên, hoàn toàn không phải một đầu bếp để có thể đưa ra những nhận định chính xác về ẩm thực. Nhưng các bạn lại hoàn toàn không nhắc đến việc Hà Tăng là một người kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, và nói thẳng ra theo khía cạnh vật chất thì cô cũng có thừa trải nghiệm với các nền ẩm thực khác nhau, cũng như những đỉnh cao trong giới ẩm thực. Còn tại sao một người kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng lại có thể trở thành giám khảo của MasterChef?
Hãy thử đặt câu hỏi xem chương trình MasterChef để làm gì? Tìm một người đầu bếp giỏi. Vậy ai có thể đánh giá được một người đầu bếp giỏi? Đó chính là một người đầu bếp giỏi hơn và một người quản lý, kinh doanh nhà hàng. Nếu một người đầu bếp giỏi hơn có thể cho các thí sinh những lời khuyên về kỹ thuật, về sự sáng tạo, về hương vị thì người quản lý, kinh doanh nhà hàng sẽ dựa trên cảm quan của mình, của khách hàng để đánh giá hương vị này có phù hợp với số đông hay không? Thiếu cái gì để trở thành một món ăn hoàn hảo được yêu thích. Đó là chưa nói đến một "người" đánh giá rất quan trọng khác - đó chính là "người thưởng thức". Và ai cũng có thể làm vai trò đó. Vì đồ ăn nấu ra là để cho người xung quanh bạn thưởng thức và đánh giá.
Ở chương trình Master Chef Việt Nam, nếu cần chấm điểm về chuyên môn, chúng ta đã có Luke Nguyễn, Chef Hải, Kim Oanh. Nếu cần người chấm điểm với cương vị là một vị khách thưởng thức, hay thậm chí một người chủ nhà hàng nếm món ăn do đầu bếp của mình nấu, Hà Tăng chắc chắn sẽ làm tốt nhiệm vụ.
Có một câu nói, đó là "Trong một nhà hàng, người quản lý và người đầu bếp là hai vị vua". Tầm ảnh hưởng và quan trọng của hai người này là ngang nhau, một người lo cho món ăn còn một người tư duy xem món ăn đó có hợp khách hàng của mình hay không. Đôi khi, người đầu bếp phải hoàn toàn nghe theo người quản lý để có được kết quả tốt nhất cho nhà hàng của mình. Và một người đầu bếp giỏi có ý nghĩa gì khi họ không thể phục vụ món ăn làm vừa lòng khách hàng mà chỉ làm vừa lòng chính mình? Đó là khi ta cần một người quản lý.
Nhiều người lôi lý do rằng Hà Tăng làm một cái bánh ga tô xấu nhất trên đời ra để làm lý do tại sao cô không thể thành giám khảo. Đó là một lý do rất... thiển cận. Bởi lẽ, một người biết ăn thế nào là ngon không nhất thiết phải là một người nấu ăn ngon. Một người kinh doanh nhà hàng cũng vậy. Họ cần có một gout ăn uống phù hợp với số đông, đánh giá được thế nào là một món ăn ngon, đẹp mắt và mang nó đến với khách hàng; còn nấu ăn sẽ là người đầu bếp đảm nhận. Hơn nữa, bức ảnh chiếc bánh của Hà Tăng được chụp từ cách đây... vài năm. Và rõ là thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy rất nhiều hình ảnh các món ăn ngon do cô làm được đăng tải trên Instagram. Vậy thì liệu sự so sánh này có là công bằng?
Chưa kể đến việc, Hà Tăng là một người đã có nhiều trải nghiệm với ẩm thực đỉnh cao. Với mức sống của mình, cô hoàn toàn có thể lĩnh hội được hết những tinh hoa ẩm thực từ thế giới. Nhờ vậy, việc tìm ra món nào ngon, món nào chán, món nào chưa ổn và món nào còn thiếu một cái gì đó để trở nên hoàn mỹ là điều hoàn toàn có thể. Đơn cử như chúng ta, nếu mê món bún ốc, có thể đi tất cả những hàng bán bún ốc ngon và bình luận về những hàng bún ốc chán xem còn thiếu cái gì để trở nên hoàn thiện. Ẩm thực là một phạm trù rất mơ hồ, cho nên đôi khi chúng ta không thể mang những lý lẽ của mình ra để "vặn vẹo" về cảm nhận của người khác.
Để nhắc cho các bạn nhớ, thì lý do Hà Tăng là diễn viên nên không thể trở thành giám khảo MasterChef được có phần hơi nực cười. Bởi như các bạn đã thấy, số bộ phim cô đóng đôi khi còn ít hơn số nhà hàng cô đã mở. Và nhiều bạn còn mang phiên bản MasterChef của Mỹ ra để so sánh, rằng phiên bản Mỹ sử dụng toàn đầu bếp chuyên nghiệp thì xin thưa, giám khảo khó tính nhất trong bộ 3 giám khảo MasterChef Mỹ không phải là Gordon Ramsay mà là Joe Bastianich. Và người đàn ông này được biết đến như một người kinh doanh nhà hàng và một chuyên gia về.... rượu.
2. Đến việc loại thí sinh vì thiếu đam mê
Lý do khiến Hà Tăng bị lôi ra ném đá trong chương trình MasterChef chính là bình luận của cô về sự đam mê, và rằng thí sinh đó không có đam mê nên Hà Tăng đã thẳng tay loại. Nhiều người vội vàng đem lý do đó để cho rằng, Hà Tăng vì yếu kém về mặt chuyên môn nên phải lôi đam mê vào để khỏa lấp sự thiếu hiểu biết của mình, sau đó (lại) tiếp tục lôi phiên bản của Mỹ ra để so sánh.
Có thể thấy rõ là, mỗi giám khảo đều có một tính cách khác nhau, một quan điểm khác nhau và một ý kiến muốn nói lên. Có thể người này bình luận về chất lượng món ăn, người kia nói về phong cách và sự sáng tạo, người lại chia sẻ về quan điểm của thí sinh. Họ có quyền nói lên suy nghĩ của mình về thí sinh đó và những cân nhắc của họ cho thí sinh về vòng sau. Tương tự như MasterChef Mỹ mà các bạn lôi ra so sánh, các giám khảo thậm chí còn khen món ăn của thí sinh ngon, nhưng thẳng tay loại thí sinh vì theo nhìn nhận của họ, thí sinh không đủ sức để tham gia các vòng thi sau. Gordon Ramsay hay Joe Bastianich đã bỏ qua biết bao nhiêu thí sinh cũng vì lý do này. Món ăn của họ rất ổn, rất thú vị nhưng không đủ sức thuyết phục BGK về tiềm năng của họ, vậy nên cơ hội phải được dành cho người khác. Còn nếu nhiều bạn vẫn muốn nói về việc nhắc đến đam mê của Hà Tăng, và lôi MasterChef Mỹ ra như một hình mẫu cho việc chỉ-quan-tâm-đến-đồ-ăn-ngon, thì chúng tôi có một ví dụ này dành cho bạn.
Đây chính là lời nhận xét của giám khảo Joe Bastianich dành cho một thí sinh theo anh là chưa có đủ đam mê đối với ẩm thực. Và sao nào? Master Chef US vẫn được các bạn khen lấy khen để, là đỉnh cao của ẩm thực và truyền hình thực tế. Tại sao với phiên bản Việt, lại hò nhau ném đá?
Thí sinh này nấu ăn rất ổn, nhận được lời khen từ Graham Elliot nhưng hoàn toàn bị Joe Bastianich từ chối bởi Joe không nhìn thấy sự nhiệt tình và niềm đam mê của anh chàng này. Có lẽ chúng ta có thể dừng được chuyện tranh cãi là phiên bản Mỹ tuyệt hơn phiên bản Việt vì giám khảo chỉ quan tâm đến chất lượng đồ ăn ở đây là được rồi.
3. Và những sự so sánh xấu xí
Các bạn trẻ Việt Nam có một thói xấu, đó là những gì "nhà làm" thường thấp kém trong mắt họ và không bằng nước ngoài. Tất nhiên, khách quan mà nói, chương trình của chúng ta chưa thể bằng nước ngoài. Nhưng sự khác biệt về trình độ quay, dựng, biên kịch... không thể nào đuổi kịp trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Còn nếu các bạn nhắc tới các thí sinh thiếu sự tự nhiên, không được thoải mái như người nước ngoài? Thôi nào, chúng ta là người Việt Nam chứ không phải là người Mỹ. Tính cách của người Mỹ cực kỳ cởi mở và thoải mái, họ có thể thể hiện ra ngoài ở mọi lúc, mọi nơi mà chẳng hề e ngại. Đó là sự khác biệt về tính cách đặc trưng của mỗi đất nước, chúng ta không thể vin vào đấy để hạ thấp chương trình của chính mình.
Và hẳn những người ca ngợi hết lời bộ sậu BGK của Mỹ vẫn còn nhớ đến những màn vừa ăn vừa nhổ, ăn xong là đổ ngay vào thùng rác kèm theo những lời chửi tục rất khó nghe? Các bạn cho rằng như vậy mới thoải mái, như vậy mới tự nhiên, mới hay và thú vị? Hãy nhớ lại năm ngoái, khi Luke Nguyễn cầm đĩa bánh xèo của thí sinh và đổ thẳng vào thùng rác, các bạn đã phản ứng thế nào? Vậy nếu giờ các giám khảo phiên bản Việt cũng hành xử như các giám khảo Mỹ, liệu các bạn có thể thú vị, có thấy hay, hay lại là một cái cớ khác để các bạn đăng đàn lên án?
Chương trình nào cũng vậy, gameshow nào cũng thế, tồn tại những mặt hay và những mặt chưa được. Ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn còn mới, MasterChef cũng mới bước vào mùa thứ 2 và đang có nhiều kỳ vọng trở thành một làn gió mới cho các chương trình truyền hình Việt Nam. Người ta nói, để có một sản phẩm hay, đôi khi cũng cần sự tích cực từ khách hàng. Vậy nên các bạn, đừng cố "bới lông tìm vết", đừng hùa vào ném đá chỉ để cho vui trong khi chưa chịu đặt câu hỏi, hãy tiếp nhận và phê bình với một thái độ tích cực. Bởi đôi khi, cách chúng ta ghét bỏ một cái gì đó cũng thể hiện văn hóa của mỗi người.