Những ngày Tết Nguyên Đán không chỉ đánh dấu một sự khởi đầu mới mà còn trở nên ý nghĩa hơn khi đây là dịp để mọi người nghỉ ngơi, bỏ lại những áp lực công việc, gia đình, họ hàng quây quần bên nhau. Thế nhưng nếu để ý thì nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, bệnh viện hay các nhà hàng vẫn mở cửa phục vụ trong những dịp này. Đó là lý do mà có nhiều bạn trẻ dù trong ngày mùng 1, mùng 2 Tết vẫn phải đi làm thay vì nghỉ ngơi như bao người khác.
Tết nhưng không ở cạnh gia đình, người thân
Thanh Tùng (21 tuổi) – nhân viên của một cửa hàng đồ ăn nhanh phục vụ xuyên suốt từ đêm 30 Tết và không có ngày nghỉ chia sẻ rằng nếu chỉ nhìn ở góc độ công việc thì Tết của mình không khác ngày thường là mấy. “Vì có một số bạn về quê nên những nhân viên còn lại ở Hà Nội như mình nhận làm vất vả hơn trong những ngày Tết. Cụ thể, từ đêm 30, ngày mùng 1 và mùng 2, vì số lượng khách hàng tăng hơn đáng kể so với các ngày thường nên khối lượng công việc cũng tăng đột biến.” – Tùng cho biết.
Khi được hỏi cảm giác giao thừa và Tết không có gia đình, anh chàng bộc bạch: “Thật ra lúc đầu mình cũng thấy hơi buồn buồn, thiếu thiếu. Nhưng thật may các bạn nhân viên đồng nghiệp của mình cũng rất vui vẻ, tuy không có gia đình nhưng đã được ở cạnh mọi người, như vậy với mình là một giao thừa đặc biệt rồi. Bọn mình cũng cố gắng đổi ca cho nhau để kịp về ăn bữa tất niên với gia đình, có lẽ chính vì vậy mà mọi người thêm hiểu và yêu quý nhau hơn.”
Thanh Tùng khá chăm chỉ với công việc làm thêm của mình hiện tại.
Hay như trường hợp của Như Yến (sinh năm 1992) – thành viên của 1 nhóm nhảy tại Hà Nội. Không giống các bạn khác, trong đêm giao thừa, Yến vẫn nhận show diễn, thậm chí đó còn là 1 show diễn ở tỉnh chứ không phải trong nội thành thành phố. “Vì cũng là người quen nhờ, họ nhiệt tình quá nên khó từ chối lắm. Chứ thật ra ai chẳng muốn ở cùng gia đình, bạn bè trong những giờ phút thiêng liêng ấy. Nhưng cũng may mình đi cùng nhóm chứ không đi 1 mình, hơn nữa mọi người sẽ tranh thủ diễn nhanh rồi về nhà sớm nhất.” – Như Yến tâm sự.
Cô nàng dancer khá xinh xắn này đã lần đầu tiên đón giao thừa... trên sân khấu.
Hải Nam (22 tuổi) là một chiến sĩ công an mới vào nghề được một thời gian. Giao thừa năm ngoái Nam đã được nghỉ nên năm nay, anh chàng nhận lịch trực trong đêm giao thừa và gần như cả ngày mùng 1. Chàng trai cho hay: “Đây là năm đầu tiên mình đón giao thừa xa nhà. Nhưng mình cũng không quá buồn đâu, công việc luôn được đặt lên hàng đầu mà, đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành thôi. Tết đâu chỉ là đón giao thừa không thôi đâu. Ngày mùng 2 được nghỉ trực, mình đã cùng ba mẹ đi chúc Tết họ hàng rồi, cũng vui vẻ chẳng kém các năm khác đâu”. (cười)
Hải Nam (phải) không quá buồn khi không được ở cùng gia đình vào đêm giao thừa và ngày mùng 1.
D. Tuấn (21 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng. Tuy nhiên năm nay, cậu bạn quyết định sẽ không về quê và ăn Tết tại nhà người thân ở Hà Nội. Một phần trong lý do là vì công việc nhiếp ảnh của mình. “Trong lúc mọi người ùa ra đường đón giao thừa, xem pháo hoa thì mình ghi lại những khoảnh khắc đó và gửi hình về nhanh nhất có thể. Dù là nghỉ Tết nhưng bài vở vẫn phải duy trì đều đặn. Mình cũng có nhớ nhà nhưng đã gọi điện về cho ba mẹ ở nhà, với cả ở đây cũng có nhà họ hàng, bạn bè nên cũng cảm thấy bớt cô đơn.”
Nhưng cát xê cao hơn ngày thường
Có một sự thật hiển nhiên rằng tiền lương của việc đi làm trong những ngày Tết cao hơn nhiều so với những ngày bình thường. Đó cũng là một điều khá dễ hiểu và hợp lý khi người ta đã hy sinh những niềm vui cá nhân để phục vụ công việc thì giá trị nhận được cũng phải cao hơn.
Như Yến cho biết: “Tất nhiên cát xê show diễn này của bọn mình cao hơn so với bình thường rồi, gần như gấp đôi.”
Trong khi đó, Thanh Tùng lại tiết lộ tiền công chấm theo ngày cao gấp 2 – 3 lần bình thường. Đó là còn chưa kể khi gặp những vị khách hào phóng, những người khách nước ngoài thì việc nhận được tiền “tip” là điều không hiếm.