Ai ngờ đâu mình chẳng bênh nhau...
Người đàn ông mặc áo xanh, đôi mắt ngấn nước đau khổ, cầu xin trong tiếng cười cợt của gã chủ cửa hàng nào đó ở một đất nước xa lạ. Thật không may cho người đàn ông ấy, anh đã mua hàng ở một trong những nơi mà khách du lịch tránh xa mỗi khi đặt chân tới đảo quốc Sư tử tráng lệ. Ôi, cuộc đời đâu ai học được chữ ngờ.
Nhưng chữ ngờ của người bị lừa chắc chẳng đắng cay bằng chữ ngờ ngay sau đấy, khi mà những hình ảnh của anh ngập tràn trên mạng xã hội, câu chuyện của anh được cư dân mạng truyền tay nhau với tốc độ chóng mặt. Ở đây, chúng ta một lần nữa lại phải nhắc đến lực lượng "cư dân mạng". Đó không phải là toàn bộ những người dùng Internet, không phải là tất cả thành viên của mạng xã hội rộng lớn này, nhưng thực sự là một "cộng đồng đông đảo và... rất thích lớn tiếng". Lớn tiếng để soi mói chỉ trích. Lớn tiếng để a dua mà không cần biết thực hư sự việc. Và trong nhiều tình huống, còn là lớn tiếng để che đi một trái tim lạnh lùng, thiếu chia sẻ cảm thông.
Trong một câu chuyện mà người Việt chúng ta là người thiệt thòi, người Việt bị lừa đảo, thì cái lực lượng ấy, ngay ở những câu comment đầu tiên, đã lập tức soi mói và phân tích về những chuyện rất không liên quan. Người ta thông cảm cho anh thì ít, mà lên tiếng chế giễu anh thì nhiều. Ô hay! Lương có 4 triệu/ tháng mà cũng đi Sing! Ô hay! Tiền đã không có còn cố đấm ăn xôi mua Iphone 6! Ô hay! Sĩ gái đến thế là cùng! Ô hay! Đụng tí là khóc lóc, xấu hổ quá! Mà cái cô bạn gái kia, bạn trai nghèo thế mà cũng nhận cái iPhone 6 cho được! Vân vân và vân vân.
Những comment đó tràn lan đến nỗi hầu như ai cũng có thể đọc vanh vách nếu được hỏi "cư dân mạng" Việt Nam nói gì về câu chuyện này. Chẳng phải vì không có những người bênh vực, cảm thông và phẫn nộ. Mà vì lực lượng này đông đảo quá, khiến những cảm xúc tốt đẹp kia cứ như những giọt nước nhỏ rơi lõm bõm xuống biển sâu.
Ai mà học nổi chữ ngờ này cơ chứ, ai mà học nổi chữ ngờ rằng, dù ta không sai, dù ta đang bị thiệt thòi mà chẳng ai lên tiếng bênh vực ta. Ngược lại, họ lên án và chê bai ta.
Một chữ ngờ khác nữa lúc này lại đến, và chúng ta cũng chẳng thể... ngờ tới. Đó là khi những người bạn Singapore cùng nhau nắm tay, giúp đỡ và cảm thông với người đàn ông ấy, lùng sục và tìm cách trừng phạt kẻ gây ra tội lỗi kia. Chẳng ai hỏi, chẳng ai cười cợt, cũng chẳng ai chê bai anh kia ít tiền, anh kia khóc lóc. Tất cả những gì họ làm là chia sẻ, là xót thương. Họ chẳng những không chê bai anh là tiền ít mà đòi chơi sang, họ ngưỡng mộ anh đã cố gắng, đã galant để làm vui lòng bạn gái. Họ tìm cách giúp đỡ, họ giang tay với người đàn ông kia, thậm chí họ còn cùng nhau quyên góp tiền và này, họ còn đưa ra vài lời mời công việc cho người đàn ông ấy. Họ dở hơi quá, phải không? Chẳng phải chuyện của mình, chẳng phải người nước mình mà cũng cuống lên tìm cách giúp đỡ.
Họ làm điều đấy cho người anh em, người bằng hữu của chúng ta đấy. Nhưng hơn hết là họ làm để giữ hình ảnh đẹp của chính mình. Họ bảo nhau, phải làm thế nào để hình ảnh người Singapore không bị xấu đi trong mắt khách du lịch, phải giữ thể diện cho đất nước họ. Và trong khi họ cùng nhau chung tay làm những điều tốt đẹp đó, chúng ta đã làm được gì cho người anh em, người bằng hữu của mình ngoài những lời chỉ trích và sự hả hê lạnh lùng?
Cùng một sự việc, ấy thế mà hai cách cư xử khác nhau quá đỗi. Đến lúc này, có thật rằng người đàn ông kia đáng xấu hổ đến thế vì đã khóc lóc, vì đã "sĩ diện" với bạn gái, hay chính chúng ta - lực lượng "cư dân mạng" mới phải tự xấu hổ về cách cư xử nhỏ nhen và lạnh lùng của bản thân với chính người Việt mình?
Người Sing đang tìm cách chuộc lại lỗi lầm của một cá biệt trong số họ, họ đang giúp đỡ và cảm thông với người đàn ông kia.
Và chuyện của những "cư dân mạng" giả tạo như chúng ta
Chẳng lẽ, ai đó sẽ không thể đường hoàng mang tiền mình kiếm được ra bằng mồ hôi nước mắt để mua một món quà đắt tiền cho bạn gái, chỉ vì "cư dân mạng" chúng ta lớn tiếng bảo rằng đừng có mà đua đòi? Chẳng lẽ, chúng ta là những kẻ chỉ cần thấy ai đó thua thiệt hơn mình là tìm đủ mọi cách để dìm họ sâu xuống đại dương của nỗi tủi hổ? Chẳng lẽ, chúng ta quyền lực đến mức, tự cho mình cái quyền phán xét người khác và bắt họ sống theo chuẩn mực đạo đức của riêng mình?
Không đâu bạn ạ, không một chút nào. Bạn không có quyền lên án, bởi thực ra, bạn cũng đâu quan tâm đến việc câu chuyện đó đúng hay sai đâu phải không? Bạn cũng chẳng quan tâm đến xã hội này đang xấu lên hay tốt đi. Tất cả những gì bạn đang nói, chỉ là để thỏa mãn sự tự ti và nhỏ nhen bên trong trái tim của mình mà thôi.
Bởi nếu bạn quan tâm, hẳn bạn đã thấy câu chuyện tươi sáng hơn rất nhiều. Rằng đã có những người đàn ông tốt bụng như vậy, đã có những người thực hiện mong muốn của mình bằng đôi bàn tay, dù có khó khăn hay vất vả nhưng họ đã cố gắng hết mình.
Bởi nếu bạn quan tâm, hẳn bạn đã thấy rõ rằng chẳng ai khác ngoài chính người đàn ông ấy, người đàn ông Việt Nam ấy bị thiệt thòi, bị bắt nạt, bị lừa đảo ở nơi đất khách. Và người bị lên án ở đây không phải là người đàn ông đã cố gắng tiết kiệm để mua quà cho bạn gái, mà là người bán hàng ngoại quốc kia.
Và nếu bạn quan tâm, bạn hẳn đã nhìn thấy cách người Singapore quan tâm đến câu chuyện này như thế nào. Họ cho thấy sự quan tâm thật sự, họ cố gắng giải quyết vấn đề để giữ hình ảnh của mình bằng mọi giá. Và họ đã làm được, họ đã để cho cả thế giới thấy, cho tất cả chúng ta thấy, đất nước của họ chỉ có duy nhất cửa hàng kia là cá biệt, và họ đang bài trừ để không còn trường hợp như vậy xảy ra nữa. Họ cho ta thấy, nếu chúng ta gặp nạn trên đất nước của họ, sẽ có rất nhiều những cánh tay chìa ra giúp đỡ.
Bởi nếu bạn quan tâm, bạn sẽ chẳng nỡ buột miệng chê bai chính người Việt mình đang phải chịu thiệt thòi nơi đất khách. Bởi nếu bạn quan tâm, khi đó bạn sẽ có tình yêu và lòng tôn trọng.
“Chúng ta đổ lỗi cho cộng đồng, trong khi chính chúng ta là cộng đồng. Vậy nên để tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải thay đổi chính mình trước”. Đó là một câu nói hay, và chắc chắn là nó đúng. Đừng mơ tưởng đến một thế giới tốt đẹp khi chính chúng ta không đang tự dọn dẹp lại cuộc sống của mình. Đừng nghĩ đến những con người hoàn hảo, những đạo đức chuẩn mực trong khi chính chúng ta cũng không theo đuổi được những chuẩn mực đó.
Hơn ai hết, hãy bao dung với đồng loại. Đừng lấy những gì xấu xí, những gì kì thị để gán vào họ chỉ bởi vì họ không sống theo chuẩn mực của riêng mình. Nhìn người khác với con mắt tôn trọng, yêu thương và bảo vệ. Đó thực mới là cách để chúng ta tiến đến gần hơn cái cuộc sống lý tưởng và đưa cái chuẩn mực mà ta hằng ao ước đến với tất cả mọi người.
Sao nào, chỉ vậy thôi, liệu chúng ta có làm được không?