Ông vua xe hơi Henry Ford

ST, Theo 12:51 05/05/2013
Chia sẻ

Ngày mùng 5 tháng 5 năm 1876 cậu bé Henry Ford mới 13 tuổi, đã nhìn thấy chiếc đầu máy hơi nước. Chính cuộc “gặp gỡ” này trở thành một cột mốc thay đổi nền công nghiệp thế giới.

Chiếc đầu máy đã rất cũ kỹ, thậm chí theo tiêu chuẩn của thế kỷ trước, những chiếc bánh xe to màu đỏ, quả chuông mà người lái tàu dùng để đuổi những con bò đi qua đường ray, một đống than và những vết bẩn bên sườn. Chiếc đầu máy kéo theo hai toa chất đầy những khúc gỗ tròn, thở phì phì và phun khói khủng khiếp, còn Henry nhìn nó thán phục. 
 
Sau này, Henry trở thành thần tượng của dân tộc, ông đã chế tạo ra xe hơi của thế kỷ, nhờ ông những người dân Mỹ mãi mãi yêu xe hơi. Nhưng vào năm 1876 thì chuyện này rất xa vời.
 
Tuổi thơ của cậu bé Henry Ford
 
Gia đình Ford là một điển hình hiếm có của sự răn dạy, sống một cuộc sống lao động, thưởng thức một cách khiêm tốn sự đầy đủ, dư dật mà khó khăn mới đạt được. Chuyển đến Mỹ, Wiliam Ford làm công nhân, thợ mộc, sau đó ông tiết kiệm đủ tiền để mua được một mảnh đất. Nhờ sự cần cù và tiết kiệm, không lâu sau ông trở thành một điền chủ khá giả, một quan tòa tuyệt vời và là trưởng nhà thờ. Henry Ford có sáu anh chị em. Tất cả đều bận rộn, chẻ củi, chăn lợn, cuốc đất, làm cỏ, vắt sữa nhưng Henry lúc nào cũng tháo hoặc lắp một cái gì đó.
 
Khi một đứa trẻ nào đó được tặng một món đồ chơi, những đứa trẻ nhà Ford lại đồng loạt kêu lên: Đừng đưa cho Henry. Chúng biết rằng cậu sẽ tháo tung ra đến tận con ốc cuối cùng. Huyền thoại về việc chữa tất cả các loại máy xay cà phê, máy tuốt lúa, đồng hồ ở xung quanh thuộc về Henry Ford. Say mê kỹ thuật, chẳng ai hiểu cậu cả, những đêm tối trời cậu một mình bí mật đào bới, tìm tòi khắp khu xưởng của gia đình. Margarret Ford, chị của nhà triệu phú tương lai đã có lần bắt gặp Henry trong nhà kho của gia đình. Một tay của Henry là chiếc đồng hồ báo thức đang tháo dở, còn tay kia là chiếc tuốc-nơ-vít, chiếc đèn nhỏ dùng để chiếu sáng được kẹp giữa hai đầu gối. Sự say mê ngành cơ khí bắt nguồn từ người cha. Ông Wiliam Ford, cả thế giới cám ơn ông!
 
Henry Ford chưa bao giờ học qua đại học, mãi đến tận cuối đời ông vẫn còn viết sai chính tả. Từ lớp một đến lớp tám ông học ở trường làng, vào ngày mùa thầy giáo đi cày còn vợ thì thay thế chỗ của thầy trên bảng. Ở đó không thể nhận được nhiều kiến thức, năm này qua năm khác bọn trẻ được đọc tất cả các quyển sách trong tủ, cả xấu lẫn tốt. Henry Ford cho rằng ông có một tuổi trẻ bất hạnh, ông xây dựng số phận của mình, theo công thức của những cuốn sách, mà học sinh đã học như vẹt trong những trường phổ thông ở tất cả các bang trong nước Mỹ.
 
Tuổi thơ trong ngôi nhà của cha mẹ được xây dựng bằng những cây gỗ bào thô nhưng đến một ngày không nói với ai một lời, Henry thu xếp hành lý, trốn khỏi nhà đến Derroit. Năm đó ông tròn 16 tuổi (1879). Henry thuê phòng và xin làm thợ ở một xưởng cơ khí. Người ta trả ông 2 mỹ kim một tuần, ông phải trả 3,5 mỹ kim tiền ăn ở, không đủ sống Henry phải đi làm thêm vào buổi đêm. Sau giờ làm, Henry vội vã đến chỗ người thợ đồng hồ và sửa đồng hồ đến sáng. Mỗi đêm Henry được trả 50 cent. Sau bốn năm, chàng trai trẻ Henry Ford quyết định trở về quê hương. Những kinh nghiệm tại xưởng cơ khí giúp ông rất nhiều. Ông đã ở lại quê nhà mười năm liền.
 
 Ông vua xe hơi Henry Ford  1
 
Triết lý lao động của Ford
 
Henry Ford có những ý tưởng rất đặc biệt về các quan hệ với công nhân. Ngày 05/01/1914 Ford tuyên bố chương trình 5 USD một ngày của ông. Chương trình này kêu gọi giảm giờ làm từ 9 giờ xuống còn 8 giờ và nâng lương tối thiểu trên ngày từ 2.34 USD lên 5 USD cho các công nhân lành nghề. Ford coi trọng việc tăng đền bù như một hình thức chia lợi nhuận hơn là lương. Lương được trả cho người lao động trên tuổi 22, đã làm việc cho công ty từ sáu tháng trở lên và một điều rất quan trọng, phải sống theo kiểu mà Ford tán thành. Công ty lập nên một Phòng xã hội học gồm 150 nhà điều tra và nhân viên phụ trợ để kiểm tra điều này. Thậm chí với những yêu cầu như vậy, một phần đông công nhân vẫn đủ tư cách được chia lợi nhuận.
 
Trái ngược hẳn lại, Ford kiên quyết phản đối các liên đoàn lao động bên trong các nhà máy của mình. Để sớm ngăn chặn các hoạt động công đoàn, ông ủng hộ Harry Bennett, cựu đấm bốc hải quân, làm chủ tịch Phòng dịch vụ. Bennett đã sử dụng nhiều mưu kế dọa dẫm để nghiền nát tổ chức công đoàn. Rắc rối nổi tiếng nhất, năm 1937, là một cuộc cãi lộn dẫn tới đổ máu giữa những nhân viên an ninh công ty và những người tổ chức, sau này được gọi là vụ Trận đánh nhau giữa các Overpass.
 
Ford là nhà sản xuất ô tô cuối cùng ở Detroit công nhận công đoàn Liên hiệp công nhân ô tô UAW). Một cuộc biểu tình ngồi của công đoàn UAW tháng 4 năm 1914 đã đóng cửa River Rouge Plant. Dưới sức ép của Edsel và vợ và Clara, Henry Ford cuối cùng đã phải đồng ý thu nhận những kiến nghị bên trong các nhà máy của Ford, và hợp đồng đầu tiên với UAW được ký tháng 6 năm 1941.
 
Những câu nói hay của Henry Ford
 
Bất kỳ ai dừng học tập đều già, dù anh ta ở tuổi hai mươi hay tám mươi. Bất kỳ ai đang học tập đều trẻ. Điều vĩ đại nhất trong cuộc sống là giữ tâm hồn bạn trẻ trung.
 
Bất kỳ khách hàng nào cũng có thể có được một chiếc xe sơn bất kỳ màu nào anh ta muốn khi nó còn đang là màu đen.
 
Đa số mọi người tiêu phí thời gian và sức lực vào việc đi đường vòng để tránh các vấn đề hơn là tìm cách giải quyết chúng.
 
Không có gì là quá khó, nếu bạn chia nó thành từng công việc nhỏ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày