Vào năm 2011, câu chuyện cô bé Phụng (14 tuổi) với dáng người nhỏ thó vượt khó học tập đã từng được nhà báo Nicholas D. Kristof của tờ báo The New York Times đưa tin. Sau khi bài viết có tên "Những cô bé chỉ muốn đến trường" của ông được đăng tải, các độc giả quốc tế đã thực sự xúc động trước nghị lực vượt khó của cô gái nhỏ đến từ vùng quê nghèo của Việt Nam. Bởi vậy, các tổ chức, các nhà hảo tâm đã cùng chung tay quyên góp tiền của vào tổ chức Room to Read để giúp cô bé có tiền học tập và trang trải cho cuộc sống khó khăn.
3 năm trôi qua và giờ đây Phụng đã học lớp 11. Trong chuyến trở lại Việt Nam, ông Nicholas đã đến thăm lại Phụng và gia đình em để chứng kiến sự thay đổi của cô gái nhỏ ngày nào.
Đào Ngọc Phụng.
Nicholas cho biết trong chuyến đi lần này, ông gặp lại Phụng tại ngôi trường mà em đang theo học. Với sự nỗ lực của bản thân, Phụng có kết quả học tập đứng gần thứ nhất trong số 191 học sinh của khối 11. Mỗi buổi sáng, Phụng vẫn dậy từ 3h30' để nấu cơm, học bài và chuẩn bị đi học.
Cô Le Thi Thanh Giang, hiệu trưởng trường nơi Phụng theo học, cho biết "Phụng rất nghèo. Nhưng cô bé rất cứng rắn và mạnh mẽ. Em luôn cố gắng hết sức để đạt được thành công. Em chắc chắn sẽ thành công trong tương lai."
Phụng dự định sẽ theo học Đại học, chuyên ngành kinh tế. Cũng với mong muốn giúp đỡ các học sinh nghèo có điều kiện được học tập, tổ chức Room to Read hy vọng sẽ tìm được học bổng cho cô gái nhỏ.
Mặc dù không phải đối mặt với chiến tranh, bạo loạn như những người bạn đồng trang lứa tại Nigeria nhưng em lại phải chống chọi với biết bao khó khăn của cái đói, cái nghèo. Tại những quốc gia đang phát triển, sự nghèo khó khiến biết bao trẻ em phải bỏ học để mưu sinh, giúp đỡ gia đình.
Phụng, tên đầy đủ là Đào Ngọc Phụng, đến từ một gia đình nghèo khó. 5 năm trước, mẹ Phụng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Bà qua đời để lại cho gia đình món nợ lớn tương đương 1.500 đô la Mỹ. Cha của Phụng, ông Đào Văn Hiệp, buộc phải lên TP. Hồ Chí Minh để kiếm tiền nuôi con ăn học. Chỉ vào ngày cuối tuần, ông mới về quê thăm con.
Bởi vậy, vào những ngày trong tuần, Phụng trở thành "bà mẹ độc thân" hay "trụ cột gia đình". Ngoài thời gian học, Phụng đảm đương mọi công việc trong nhà, chăm sóc và nuôi dạy 2 em trai. Nhà nghèo, chỉ có 1 chiếc áo trắng đồng phục, vì thế, Phụng thường giặt áo vào mỗi buổi tối để sáng hôm sau có áo sạch mặc đi học.
Sau khi được nhận tiền ủng hộ từ quỹ Room to Read, cuộc sống của em cũng đã bớt được phần nào vất vả. Đặc biệt, kể từ khi bài báo về Phụng được đăng năm 2011, độc giả của New York Times đã quyên góp được số tiền đủ cho Room to Read hỗ trợ 3.000 trẻ em đi học và được tập huấn kỹ năng sống. Phụng và gia đình em không chỉ là tấm gương vượt khó, mà còn là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người đang làm công tác cộng đồng.
Tổ chức phi chính phủ Room to Read được ông John Wood (nguyên là giám đốc marketing khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tập đoàn Microsoft) thành lập vào năm 2000. Tổ chức này chuyên hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục cho trẻ em nghèo hay có hoàn cảnh khó khăn với phương châm hành động "Thế giới thay đổi khi trẻ em được đến trường".
Là một tổ chức năng động, Room to Read đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ khi thành lập, Room to Read đã lập được rất nhiều thư viện cũng như xây dựng thêm nhiều trường học cho khoảng 8 triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên 10 quốc gia khác nhau.
Với niềm biết ơn sâu sắc, thông qua nhà báo Nicholas, Phụng đã gửi lời cảm ơn tới độc giả hảo tâm trên toàn thế giới. Phụng chia sẻ "Giáo dục luôn là sự ưu tiên số 1 trong cuộc sống của cháu, bởi vậy việc thức dậy vào buổi sáng để tới trường chỉ là 1 chướng ngại vật rất nhỏ trên con đường theo đuổi ước mơ của mình".
Với tấm gương vượt khó của Phụng, nhà báo Nicholas đã phải thốt lên rằng "Cô bé còn hiểu biết hơn cả chúng ta, rằng đầu tư vào giáo dục là đầu tư có lợi nhất, bởi nó đem lại lợi ích không chỉ cho 1 gia đình mà còn cho cả 1 cộng đồng."