"Trái tim thổn thức"
Trái tim là một bộ phận có hoạt động kỳ lạ nhất trong các bộ phận cơ thể con người. Không như dạ dày, đói thì kêu, cũng không như bộ não, mệt mỏi thì chẳng làm được gì… Trái tim hoạt động rất bình thường mỗi khi đói, khi mệt nhưng lại có nhịp độ hoạt động khác nhau ở từng sự việc. Chẳng hạn như khi yêu, trái tim sẽ đập nhiều nhịp hơn bình thường, lại còn đập nhanh và khiến cho nhiều bộ phận khác phải “a dua” theo. Tay chân sẽ lóng ngóng, máu sẽ dồn nhiều hơn lên mặt, miệng sẽ khó để mở lời… Bởi vì thế, nếu yêu thầm thì dù có giấu giếm tình cảm của bạn với người đó, bạn cũng không thể che giấu một trái tim đang thổn thức, và nó sẽ khiến bạn mệt mỏi lắm đấy.
Ánh mắt luôn hướng về người ấyCó bao giờ bạn thích một thứ gì đó đến chết mê, chết mệt vì nó? Lúc đó mắt bạn sẽ không rời được nó, muốn ngắm nhìn, muốn chạm vào… Khi yêu thầm cũng vậy, bạn không thể cưỡng lại việc nhìn về người ấy, dù người ấy cách xa bạn rất nhiều, nhưng chỉ cần ở trong tầm mắt thì bạn vẫn không ép đôi mắt mình nhìn về nơi khác. Chỉ khi người ấy cũng nhìn thấy bạn thì đôi mắt bạn mới bắt đầu ngại ngùng chuyển hướng, nhưng chắc chắn sau đó lại… Và nước mắt có thể rơi bất cứ lúc nào vì điều bạn hướng về lại không nhìn lại, không trông thấy, không nhận ra. Dù biết như vậy, nhưng yêu thầm thì phải chấp nhận điều ấy mà, phải không?
Những vết thương lòng
Thật ra khi yêu, chúng ta đã biết là sẽ có những vết thương lòng lúc chia tay, kể cả trong lúc yêu xảy ra sự cố cũng sẽ để lại cho chúng ta những vết sẹo khó lành. Nhưng bạn có thể giấu nó thật kín nếu đã sẵn sàng với tình cảm mới hoặc đã tha thứ cho lỗi lầm của người yêu. Còn khi yêu thầm, bạn thật khó để che giấu những vết thương lòng, bởi bạn không thể chia sẻ với ai về tình yêu của bạn. Cứ như thế, tích tụ dần dần, những lần nhìn thấy người ấy đi cùng với người khác một cách thân mật, mỗi lần nghe người ấy nói những câu khiến bạn tổn thương, mỗi lần yêu thương của bạn bị đứt đoạn bởi sự vô tâm của người bạn đang yêu thầm… nó lớn dần trong bạn và bạn có thể bật khóc không lý do.
Nhớ nhung đến nao lòngTình yêu thường đi kèm với nỗi nhớ nếu hai người ở xa nhau. Còn đối với yêu thầm, không cần xa nhau, ngồi cạnh nhau vẫn thấy nhớ nhung đến nao lòng. Lúc đó bạn chỉ muốn nói ra nỗi nhớ của mình với đối phương, nhưng không thể vì bạn đang yêu thầm chứ không phải hai người đang yêu nhau, để rồi sau giờ phút gặp gỡ ấy, bạn lại càng nhớ người ta hơn. Chấp nhận làm một người với vai trò là bạn thân ở bên cạnh người ấy – đó là điều mà đa số các bạn yêu thầm chọn, nhưng không dễ chịu chút nào phải không?
Tạm kếtNếu thấy tình yêu của bạn dành cho người ấy đã đủ lớn, đủ đong đầy những yêu thương về sau, những sóng gió trước mắt thì đừng che giấu tình cảm của mình nữa. Dù nói ra, bạn có thể đánh mất vị trí ở bên người ấy, nhưng ít nhất bạn đã sống thật với cảm xúc của mình. Và biết đâu đấy, người ấy cũng đang yêu thầm bạn nhưng không dám nói ra.