Những công trình biểu tượng sống mãi với Sài Gòn qua ống kính Instagram

K.T; Ảnh: Vivian, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 23/04/2015

Những công trình kiến trúc đi cùng năm tháng với Sài Gòn được ghi lại dưới ống kính Instagram theo một góc nào đó thật lạ và mang đến nhiều cảm xúc gần gũi hơn.

Bất cứ lúc nào đứng trước Nhà Thờ Đức Bà, cái cảm giác của sự kỳ diệu về một nhà thờ rộng lớn, trang nghiêm vẫn cứ hiện hữu trong tôi. Mỗi lúc cần tìm một nơi để lắng đọng, tôi sẽ đến đây để ngắm nhìn sự thanh tịnh của nó với những viên gạch đỏ chói lọi quen thuộc.


Đến nay Nhà thờ Đức Bà đã tròn 135 tuổi, nhưng với những bức ảnh cũ xưa mà tôi tìm lại, cùng với những ký ức của một cô bé nhỏ ngày nào thì nó vẫn như thế - vẫn là một trong nhà thờ đẹp nhất và gây cho tôi nhiều ấn tượng nhất về Sài Gòn.

Cách Nhà thờ không hề xa, chỉ vài phút đi bộ, nhà hát Thành Phố cũng là một trong những cột mốc đáng nhớ đã ở đó với Sài Gòn từ những năm 1900. Khi còn nhỏ, tôi cũng từng được bố chở ra vào mỗi sáng cuối tuần để nghe các cô, các chú biểu diễn nghệ thuật miễn phí tại đây. Nên với tôi, nhà hát lớn này đã mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc về nghệ thuật và cả một cảm giác rất lạ về người bố của mình. Cho đến nay, sau hơn chục năm thì vào mỗi sáng thứ 7 và Chủ nhật nơi này vẫn còn giữ nét đẹp ấy, vẫn còn giữ hình thức biểu diễn nghệ thuật ấy để phục vụ và cải thiện cảm xúc tinh thần cho người Sài Gòn. Đó cũng là một nét thú vị dành cho khách du lịch nước ngoài mỗi khi họ ghé thăm thành phố xinh đẹp này.

Với nhiều người Sài Gòn, tòa nhà này có vẻ không mang đến quá nhiều sự ấn tượng. Nhưng với tôi, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cũng là một nơi khiến tôi từng rất đam mê và say đắm với các tác phẩm nghệ thuật đẹp "hút hồn" tại đây. Dù ra đời muộn hơn các kiến trúc khác, nhưng đối với Sài Gòn, nơi đây lại là một nơi vô cùng quan trọng. Vì nó hiện đang cất giữ rất nhiều những hiện vật quý giá về Thủ công mỹ nghệ truyền thống, mỹ thuật đương đại với những sưu tập quý như: Ký họa kháng chiến, tác phẩm của các họa sĩ trường Đông Dương, Gia Định,... phản ánh những nét đặc trưng cơ bản của mỹ thuật Sài Gòn và vùng Nam Bộ. 


Đặc biệt khi nhắc tới Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, sẽ không một người Sài Gòn nào kể cả tôi là không biết đến nguồn gốc ngôi nhà. Từ thế kỷ 17, tòa nhà này từng là nhà riêng của vị đại phú người Hoa lừng lẫy nhất nhì xứ Đông Dương tên Hui Bon Hoa, hay còn được gọi là chú Hỏa. Từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai, chú Hỏa đã tạo dựng nên cơ nghiệp đồ sộ. Câu chuyện về vị thương gia và ngôi nhà này đến nay vẫn chưa hề có một cái kết cụ thể.

Nằm bên cạnh một biểu tượng rất hiện đại của TP.HCM đó chính là hầm vượt sông Sài Gòn. Vậy mà tòa nhà này vẫn cứ thu hút ánh nhìn của tôi mỗi khi tình cờ đi ngang qua. Không rõ lý do là gì, có thể nó mang một vẻ ngoài quá cũ kỹ với màu xám u buồn. Hay vì chính cái màu xám cũ như từ những ngày đầu tôi nhìn thấy nó cho đến nay đã gần chục năm vẫn không thay đổi, nên mới tạo cho tôi cái cảm giác như được quay về một nơi rất thân quen.

Nằm ở số 180 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM, tòa Tổng giám mục này dường như là "tiêu điểm" của các dãy nhà xung quanh. Có "tuổi thọ" đã hơn 100 năm, nhưng theo các hình ảnh cũ và những gì các cụ già kể lại, thì nơi đây gần như vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc vốn có của nó từ thuở thành lập. Vẫn là một tòa biệt thự 3 tầng với những ô cửa sổ mái vòm và lợp ngói đỏ, vẫn là một nơi toát được sự thanh bình, tĩnh lặng và nghiêm nghị giữa 4 con đường ồn ào, náo nhiệt của Sài Gòn.

Là một người trẻ của đất Sài Gòn, có lẽ tôi ấn tượng và có nhiều kỷ niệm gắn với nơi này nhất. Cứ mỗi chiều và tối, không tuần nào mà tôi không đến đây để nghỉ chân, hóng gió và thưởng thức những món ăn vặt nổi tiếng. Nhưng về câu chuyện của cái hồ này đôi lúc vẫn khiến tôi mơ hồ với nhiều câu hỏi thuở tuổi sinh viên tôi thường hay tám với chúng bạn rằng: "Rõ ràng chỉ là một cái bùng binh đặt ngay góc ngã 4 với ít nước đổ vào mà cũng gọi là hồ? Rõ ràng nơi đây cũng đâu có rùa, vậy tại sao lại gọi là hồ con rùa? Cái trụ cột cao được đặt tại đây để làm gì?..." Những câu hỏi này tôi biết chắc cũng có rất nhiều người thắc mắc giống tôi. Nhưng cuối cùng cũng chỉ có 1 cái tích kể về nơi này rằng, tiền thân trước đây Hồ Con Rùa đã có từ thời nhà Nguyễn. Khi đó chúa Nguyễn đã chọn vị trí Hồ Con Rùa ngày nay làm cổng Khảm Khuyết của thành Bát Quái (tên gọi dân gian là thành Quy), được xây theo hình phát quái đồ có 8 cổng: Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Vào năm 1837, Minh Mạng cho phá bỏ thành Bát Quái để xây một thành nhỏ hơn mang tên thành Phụng và được người dân gọi là trạm Vọng Khuyết. Còn bí ẩn về hồ nước (trụ cột) mãi đến năm 1865, Thống đốc Nam Kỳ Grandière đã cho xây tháp trữ nước tại đây. Về sau Hồ Con Rùa vẫn còn xảy ra nhiều biến cố để được như ngày hôm nay. Nhưng cũng như các công trình kiến trúc cổ khác ở Sài Gòn, Hồ Con Rùa cũng mang trên mình nhiều điều bí ẩn. Phổ biến nhất là câu chuyện đây được xem là long mạch linh thiêng của đất Sài Gòn không thể phá vỡ.

Khi hình ảnh này được chụp, đó cũng là lúc tòa Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố đã được khoác trên mình "bộ áo" mới với màu sơn sáng hơn, trang nhãhơn mà vẫn giữ được vẻ cổ kính, độc đáo của một trong những kiến trúc cổ quý giá còn tồn đọng của Sài Gòn. Là một phần trong ký ức của tôi, nơi này và công viên Nguyễn Huệ, cùng tượng đài Bác Hồ lúc nào cũng gắn cùng nhau. Nhưng nay chỉ còn mỗi tòa nhà cô độc đứng đó để nhường chỗ và một mình chứng kiến sự thay đổi của Sài Gòn hiện đại. Chẳng bao lâu nữa, Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố sẽ được thay thế bởi những "người bạn" mới với phố đi bộ và cả một khu đại lộ rộng lớn bậc nhất Việt Nam.


Trên hình ảnh, truyền hình, báo chí, quần áo, internet, thông tin quốc tế,... hay ở bất cứ nơi đâu thì Chợ Bến Thành cũng đã trở thành một trong những biểu tượng của thành phố - một Hòn Ngọc Viễn Đông một thời. Vào ngày 26/04/2014, Chợ Bến Thành đã được đón "sinh nhật" lần thứ 100 của mình. Với ngần ấy năm trải qua nhiều biến cố lịch sử, đổi qua nhiều cái tên, cuối cùng Chợ Bến Thành vẫn là nơi ghi đậm dấu ấn của văn hóa một thời "trên bến dưới thuyền" của người dân Nam bộ xưa kia.

Là người theo đạo Phật Giáo thì chắc sẽ chẳng lạ lẫm gì về ngôi chùa nổi tiếng nhất Sài Gòn hiện nay, đó chính là chùa Vĩnh Nghiêm, nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Mặc dù được xem là một biểu tượng của nền Phật Giáo tại Sài Gòn, nhưng về cơ bản, chùa Vĩnh Nghiêm lại được xây dựng và mang dáng dấp của nền kiến trúc cổ miền Bắc, Việt Nam với ngói đỏ và mái vòm uốn cong. Vào những ngày lễ, Tết, rằm hoặc ngày đạo,... thì ngôi chùa này luôn là điểm đến để mọi người thành kính cúng bái và tìm được một nơi thanh tịnh để rũ bỏ tục đời bên ngoài. Thành lập đến nay đã được 45 năm, nhưng khi nói đến chùa và đạo Phật Sài Gòn, thì mọi người liền nghĩ ngay đến ngôi chùa này.

Suốt hơn 130 năm qua, nơi này đã có hàng triệu, hàng tỷ lá thư từ đất Sài Gòn được gửi đi khắp năm châu. Trong đó tôi còn nhớ cách đây gần 28 năm, tòa bưu điện này là nơi mà mẹ tôi đã gửi bức thư đầu tiên cho bố. Vì thế với tôi, nơi này thật sự rất đặc biệt, nó chan chứa vô vàn cung bậc cảm xúc của những bức thư chia ly, sum họp,... hay tình cảm đôi lứa thưở còn mộc mạc bằng những cánh thư tay. Còn hiện nay với tôi, dù không mấy khi viết thư tay như mẹ từng làm cho bố, nhưng mỗi khi đi ngang nơi này, tôi vẫn không thể nào thoát được chiếc đồng hồ "ma thuật". Như một thói quen thôi, hễ đi ngang là tôi lại quay sang nhìn nó. Không lần nào quên.


Không chỉ đơn giản là một địa điểm quen thuộc, mà mỗi khi đi ngang, bất kể là ai cũng sẽ cảm thấy một sự ấm áp, tự hào về thời khắc lịch sử 11h30 phút ngày 30/4/1975. Đặc biệt vào năm 2009, Dinh Độc Lập còn được xếp hạng trong 10 di tích Quốc gia đặc biệt đầu tiên của cả nước.