1. Học
Dĩ nhiên việc học vẫn phải đứng đầu danh sách, phần vì nó quan trọng nhất, phần vì việc học có được thu xếp ổn thỏa thì mới yên lòng mà nghĩ đến những việc ở sau. Chữ “học” ở đây cũng năm điều, bảy loại. “Học” vì bố mẹ muốn học, “học” vì bạn bè xung quanh chúng nó ai cũng học. Vì không học thì cũng chẳng biết làm gì. “Học” còn vì là quý tử nên phải vớt vát danh dự cho cả cái nhà này! Rồi “học” vì cái bằng nhưng không cần biết học xong thì cái bằng chứng nhận đó nó sẽ đưa mình vào đâu. Cứ lao đầu vào “học”, dù chẳng biết mình đang học cái gì.
Chữ “học” xin phép được đưa vào ngoặc kép, xem như là tượng trưng cho những bạn trẻ tuổi đôi mươi đang thực sự bị nhốt trong lồng và chưa bao giờ được làm những điều mình muốn, không biết mình thực sự sẽ đi đến đâu.
2. Yêu
Phải yêu chứ! Và yêu bây giờ cũng nhiều thứ khủng hoảng lắm chứ, có dễ như ngày xưa đâu, kinh tế thị trường rồi mà. Yêu để còn bằng bạn bằng bè, để ra đường ngẩng cao đầu ngang hàng với những người cùng… đẳng cấp. Yêu để còn biết ai thoáng ai keo, biết anh này với anh kia trong hai anh, anh nào ví mỏng. Yêu để biết chân dài có đúng thực là chỉ cặp đại gia hay không. Để biết văn thơ nhạc họa người đời vẫn nói về tình yêu liệu chỉ có thế?
Yêu rồi vô tình ai cũng thành nhà kinh tế, để biết đồng tiền đi liền khúc ruột, trái tim cũng vì vậy mà đội giá lên theo. Những tuổi hai mươi yêu một người rồi chụp mũ vạn người khác cũng như kẻ kia, chửi đổng, chửi đời, thành ra chẳng còn ai tốt. Khủng hoảng chứ, vì tìm người để yêu được cũng thật lắm hoang mang!
3. Chơi
Xong chuyện yêu rồi lại đến chuyện chơi. Ngập ngụa trong vô vàn chỗ chơi, kiểu chơi, người chơi nên giờ không biết phải ném tiền qua cửa sổ nào thì đúng? Chỗ nào đủ sang, nơi nào đủ đẳng cấp? Bạn nào thì không mất sĩ diện, chơi kiểu gì thì mới không bị đóng mác “nhà quê”?
Lại đến chuyện làm sao để lên đời điện thoại mà chạy đua cho kịp với công nghệ nay kiểu này mà mai đã thành kiểu nọ. Rồi quần áo hãng nào, nước hoa hãng nào thì mốt, thì tây. Tiền có thể không có nhưng “bộ mặt” mình thì nhất định phải giữ. Giới trẻ quay cuồng, bộn bề với đủ các hình thức để chơi và biến chính mình thành trò chơi.
4. Ảo
Không thể không nhắc đến “ảo” bởi đây có lẽ là cơn khủng hoảng lớn nhất và dai dẳng nhất của những người ngót nghét và trên dưới hai mươi, từ khi cơn bão mang tên “mạng xã hội” chính thức đổ bộ. Biến toilet thành studio không kể là nam hay nữ với đủ các tư thế, kiểu cách chụp hình. Biến facebook thành nhật kí, thậm chí là thành cái gương của cuộc sống thường nhật. Đi ăn: check in. Đến trường: tự sướng. Tụ tập đi chơi: post hình khoe hão. Thậm chí cả vào WC cũng phải bồi thêm dòng status “cảm thấy tuyệt vời” thì mới hả dạ. Để rồi hí hửng vắt kiệt não nghĩ ra một cái status dám chắc sẽ được khối người like, nhưng lại buồn nguyên ngày chỉ vì lượt likes không được như mong muốn.
Thế giới ảo chia thành hai loại, một là mình và hai là những người còn lại. Thế nên, mình luôn là nhất. Những trò lố lăng tiêu khiển thì luôn là người ta. Núp sau bàn phím hống hách ba hoa luận bình thiên hạ, trong khi trên thực tế mình cũng chẳng làm được cái trò trống gì!
Họ khủng hoảng bởi không thể phân biệt đâu là thật, còn đâu chỉ là giả. Đến tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa cũng biến thành công cụ PR bản thân trên mạng xã hội thì lấy căn cứ gì để tin?
Không thể vơ đũa cả nắm, tóm gọn cả một thế hệ trẻ vào đây, vì chính xác rồi không phải tất cả những tuổi hai mươi bây giờ ai cũng thế. Nhưng chỉ vài điểm đó thôi cũng đủ để tất cả chúng ta cùng hiểu, có rất nhiều những “hai mươi” đang khủng hoảng đến lạc loài!