Thủ đoạn gây án của các băng cướp đêm
Liên quan đến vụ băng cướp chặt tay, cướp xe mà Công an Q.2, TP.HCM vừa khám phá, thiếu tá Trần Văn Hiếu – Phó trưởng Công an quận, cho biết: bước đầu cơ quan công an đã làm rõ về cách thức gây án trong 15 vụ mà băng nhóm chuyên cướp đêm do Nguyễn Văn Luông (tự Đực (SN 1988, ngụ tỉnh Bến Tre) cầm đầu.
Thiếu tá Hiếu xác nhận, thủ đoạn của chúng là đi theo nhóm, tầm nửa đêm về sáng. Địa điểm gây án thường là những đoạn đường vùng ven vắng vẻ, tại các cây cầu tiếp giáp giữa các địa bàn. Khi nạn nhân đi xe gắn máy đến, chúng xông ra và gây án tàn độc, kiểu: “chém trước, cướp sau”.
Những đoạn đường vắng thường xuyên xảy ra nạn cướp. Trong ảnh đoạn cầu Phú Mỹ, tiếp giáp Q.2 và Q.7 nơi xảy ra vụ chặt tay người cướp xe.
Còn “băng cướp dao phay” mà Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM vừa xóa sổ mới đây cũng có thủ đoạn cũng tương tự.
Con mồi chúng nhắm tới là nạn nhân đi xe gắn máy một mình giữa đêm khuya, ở những con đường vắng như: đường dẫn cao tốc TP.HCM – Trung Lương (xã Tân Kiên), các con đường vắng ở xã Phạm Văn Hai, đường nội bộ heo hút người trong CKN Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc A)…
Điều may mắn là cả 12 vụ do băng cướp này gây ra, chúng chỉ kề dao phay ở cổ nạn nhân, khiến họ hoảng sợ, bỏ “của chạy lấy người”…chứ không “xuống tay” gây án mạng.
Tội phạm đường phố nổi lên thời gian gần đây ở Sài Gòn khiến dân chúng bất an, phẫn nộ.
Thủ đoạn khác cũng không kém nguy hiểm của các băng cướp Sài Gòn chính là kiểu… xin đểu. Nạn nhân của các băng nhóm này là các cặp nam nữ hay ngồi tâm sự nơi vắng vẻ.
Có khi xuất phát ban đầu chỉ là những phi vụ xin đểu lúc túng thiếu, số tiền vài chục, vài trăm ngàn…nhưng lâu ngày, chúng biến thành nhóm cướp cực kỳ nguy hiểm, sẵn sàng hạ gục nạn nhân để đạt mục đích.
Gây án với thủ đoạn cũ, nhưng khá phổ biến thời gian gần đây là dàn cảnh đánh ghen, giải quyết mâu thuẫn hay đơn thuần là va chạm giao thông để cướp, trộm xe, ĐTDĐ, ví tiền… Nhiều người đi đường thấy rõ, nhưng không ai can thiệp bởi cho rằng, đây là việc giải quyết mâu thuẫn cá nhân.
Điển hình cho chiêu thức này là băng nhóm gần chục đối tượng do nữ quái 9X Nguyễn Phương Ngọc (SN 1992, ngụ Q.8 – từng 1 tiền án về tội “trộm cắp tài sản”) vừa bị trinh sát hình sự đặc nhiệm công an TP.HCM bắt giữ.
Chỉ trong buổi trưa 29/11, chúng gây ra 3 vụ dàn cảnh đụng xe để trộm ĐTDĐ của người đi đường, nhưng đến vụ thứ 3 thì bị bắt ngay tại trung tâm Q.1.
Chiêu mới của tội phạm đường phố, nam giả nữ chéo kéo bán dâm để cướp, cướp giật.
Hay như trường hợp nữ quái mang biệt danh Hương “mắt lồi” chuyên rảo xe quanh khu vực quận 3, 10, 11… để bắt chuyện với các phụ nữ đi 1 mình trên đường, giả vờ quen biết, lâu ngày gặp lại.
Khi dụ nạn nhân đến nơi vắng vẻ, Hương “mắt lồi” lột xác thành kẻ cướp, truy hô nạn nhân là “kẻ giật chồng”, “đồ giật dọc”…để đồng bọn từ đâu xông ra hành hung, cướp tài sản của nạn nhân.
Hình ảnh, chiêu trò của nữ quái này đã được phát tán trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn để nhiều người biết, cảnh giác chung…
Làm gì để chống lại cướp đường phố?
Tiếp xúc với PV, Trung tá Vũ Như Hà – Phó chánh Văn phòng Công an TP.HCM cho rằng, tại một số địa bàn thường xuyên xảy ra cướp, cướp giật, người dân nên cảnh giác; đó là những đoạn đường vắng vẻ, đường trong KCN, những tuyến đường đang có công trình đang xây dựng nhưng chưa có dân trú ngụ, nơi đông người người nước ngoài lưu trú…
Công an TP.HCM và chính quyền các cấp cũng đã tuyên truyền về các thủ đoạn của các nhóm cướp tài sản để người dân biết và cảnh giác.
Bên cạnh đó, các biện pháp giúp dân phòng tránh nạn cướp giật cũng được Công an TP.HCM, công an cấp cơ sở tuyên truyền đến từng hộ gia đình như: hạn chế mang vòng vàng, nữ trang khi ra đường; hạn chế trò chuyện ĐTDĐ khi lưu thông trên đường; nếu có việc ra đường vào ban đêm thì nên đi theo nhóm hoặc đi theo những người cùng tuyến đường…
Hình ảnh Hương “mắt lồi” – kẻ chuyên gây án bằng chiêu dàn cảnh trên phố, bị cư dân mạng khuyến cáo để mọi người cùng cảnh giác.
Ngoài ra, người dân TP.HCM cũng có ý thức phòng tránh, nạn cướp giật đang hoành hành hiện nay.
Anh Vũ Minh Đức (SN 1979, ngụ P.10, Q.6, TP.HCM) cho biết, hàng ngày rời cơ quan (Q.3) về nhà, anh thường chạy thẳng đại lộ Võ Văn Kiệt.
Tuy nhiên, có hôm đi làm về khuya, lo ngại bị cướp, anh phải đi vòng đường phía trong như: đường 3/2, Hậu Giang…vì các con đường này đông người hơn; dù vòng vèo, bất tiện nhưng an toàn.
Ngoài ra anh còn cho biết, nếu đã đi đêm thì không nên mang theo nhiều tiền mặt, đôi khi để trong túi chỉ vài trăm ngàn…
“Nếu xui gặp phải cướp thì đành bó tay. Theo tôi, người nào khôn khéo, bình tĩnh thì cách ứng phó tốt nhất là rút chìa khóa xe rồi bỏ chạy cho an toàn…”– anh Đức tiết lộ.
Tiếp xúc với PV, ông Hồ Trung Tú (SN 1970, ngụ P. Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, một lần ông từ Bình Dương chạy về Q.Thủ Đức theo tuyến Quốc lộ 13. Lúc đó khoảng 2h sáng đường vắng vẻ, nhưng có 4 thanh niên đi trên 2 xe gắn máy cứ đeo bám theo ông.
Ông Tú đi chậm lại thì 4 đối tượng cũng giảm tốc độ, khi ông tăng tốc thì nhóm đối tượng lại rồ ga đuổi theo. Nghĩ chắc chắn là cướp, ông Tú liền rẽ xe vào trụ sở công an P. Hiệp Bình Phước, ven Quốc lộ 13, ngồi đợi khoảng 30 phút mới dám ra về.
Còn chị Trần Thị Như Nguyệt (SN 1983, ngụ P.26, Q.Bình Thạnh) kể, trước đây chị đã bị nhóm 2 nam, 2 nữ dàn cảnh đánh ghen móc lấy ĐTDĐ Iphone và ví tiền có chứa 3 triệu đồng tại Xa lộ Hà Nội, đoạn thuộc Q.2.
Lúc đó chị quá bất ngờ, không biết xử lý như thế nào. Đến giờ chị rút ra bài học, nếu gặp tình huống như vậy, nạn nhân phải “to mồm” hơn những kẻ gây án, đặc biệt là phải xử lý nhanh, truy hô “cướp! cướp!” thì người đi đường mới dám can thiệp, hỗ trợ.
Hiện tại đi đâu cũng nghe người Sài Gòn bàn tán chuyện cướp bóc, giật dọc. Mỗi người có mỗi cách ứng phó khác nhau, nhưng việc truyền kinh nghiệm bản thân cho nhiều người biết để phòng, chống với những tên tội phạm đường phố (nếu chẳng may gặp phải) cũng cần khuyến khích nhân rộng.