Thế nhưng, dẫu đã nghe nói nhiều nhưng chưa bao giờ tôi có thể cảm nhận sâu sắc về sự hi sinh và tình thương vô bờ bến mà mẹ dành cho con như khi nghe được câu chuyện của cô Bình - người không ngại cả tính mạng bản thân để con mình được bước vào trường thi đại học.
Cái nghèo, cái đói cứ đeo đẳng quanh năm suốt tháng, đã vậy, căn bệnh ung thư cuống phổi quái ác lại hành hạ cô Bình bao năm nay và bất cứ lúc nào… cũng có thể mang cô đi xa. Cứ mỗi tháng, cô lại khăn gói một mình vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM để xạ trị một lần. Cô nói “Mỗi lần xạ trị đau mà mệt mỏi lắm, nhưng tui ráng chịu đựng một mình, vì nếu đi thêm một người lại tốn thêm một mớ tiền. Nhưng tui vượt qua được hết, tui phải ráng khỏe mạnh để còn lo cho thằng nhỏ ở nhà nữa. được cái nó ngoan ngoãn và học giỏi nên cũng mừng”. Rồi mắt cô rươm rướm, dường như nhắc đến con trai bỗng làm cô day dứt, một nỗi buồn vô hình hiện ra bao vây lấy cô.
Vùng đất Bình Thuận quanh năm khô cằn, năm nay khí hậu lại khắc nghiệt hơn khi hạn hán kéo dài, vườn rẫy khô héo làm cho nỗi lo cơm áo gạo tiền và bệnh tật càng ám ảnh gia đình. Thế nhưng với cô Bình, cái nghèo chưa bao giờ trở thành nỗi day dứt như năm nay khi đứa con trai của cô bước vào kì thi Đại học. Những đêm trằn trọc suy tính, tiền đâu mà cho con đi thi, tiền đâu có thể đi theo con, chăm sóc con làm cô thêm xanh xao, gầy guộc. Thế rồi, cô đã lặng lẽ “nhín” đi một đợt xạ trị để đỡ đi một khoản tiền, và tranh thủ lúc chồng đi phụ hồ, cô “lén” đi quanh làng xóm, hỏi ai có gì thì làm nấy để kiếm thêm một chút chuẩn bị cho con lên thành phố đi thi.
Cuối cùng, cô cũng gom được số tiền ít ỏi để con trai khăn gói bắt xe lên Sài Gòn. Khi chiếc xe vừa đi khuất , cô ngồi sụp xuống ngay bến xe và khóc nức nở. Rồi sau đó, cô không tự mình đứng dậy được, biến chứng của những đợt xạ trị quá dài gieo cho cô thêm căn bệnh thoái hóa xương, khiến mỗi bước đi của cô là một bước đau. Cô nói: “Lúc đó tui chỉ ước được cùng nó lên thành phố thi, tui được ở cạnh nó một ngày thôi cũng được, để tự tay nấu cho nó bữa cơm có món thịt gà kho mà nó thích, để nó vui vẻ đi thi, nhưng sao khó quá!”. Tôi tự hỏi cuộc đời, ngoài cái nghèo và bệnh tật, còn vất vả khổ đau nào để gieo thêm cho cô nữa không - một người mẹ hi sinh tất cả những gì mình có để dành cho con điều tốt đẹp nhất.
Rất may cuối cùng cô đã được hỗ trợ để vượt hàng trăm cây số để đến nơi con thi và nấu cho con bữa cơm ngon lành trước kỳ thi quan trọng – nhờ vào một hoạt động xã hội ý nghĩa nhãn hàng nước mắm Nam Ngư hỗ trợ các trường hợp giống như cô chi phí ăn ở & đi lại để có thể có mặt bên con chăm sóc những ngày thi. Thấy cô đang cười thật hiền và mãn nguyện, tôi hiểu, cô hạnh phúc một, “thằng Hai” hạnh phúc lên đến mười. Chắc chắn với “thằng Hai”, những bữa cơm mẹ nấu ở những ngày vừa qua chính là những bữa cơm ngon nhất trên đời, là động lực giúp em thi thật tốt.
Với người trẻ, cuộc sống luôn là chuỗi ngày dài với nhiều dự định cần được thực hiện nhưng với mẹ thì không. Hãy quay về bên mẹ khi có thể, để được sống trong tình yêu thương của mẹ, cùng mẹ dọn lên mâm cơm chiều nghi ngút khói và đầy ắp tiếng cười vui, để thấy cuộc đời mình dịu dàng và bình yên đến lạ. Tôi chợt nhớ 1 câu thơ “ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ…” Tôi biết rằng, thằng Hai của cô Bình mới là người thấm thía nhất.