Là vì anh yêu em!

Hạc Xanh, Theo Pháp luật xã hội 13:45 01/01/2014
Chia sẻ

Yên đưa tờ giấy lên trước mặt, vòng tay qua cổ tôi, rướn người lên chạm vào môi tôi. Nụ hôn của em rụt rè bẽn lẽn, thêm cả ngại ngùng con gái, cả những run rẩy đầu tiên.

1. Yên ngồi trầm ngâm bên ghế gỗ phía ngoài hiên, trên người em có những tia nắng mảnh phủ lên sắc vàng vô cùng ấm áp. Hôm nay là cuối tuần, tôi đến thăm em như đã hẹn. Từ khi quen em, những cuối tuần của tôi không còn buồn chán, tẻ nhạt, thay vào đó là sự khấp khởi vui mừng. Việc gặp Yên giống như việc hát một đoạn trong một bài hát mình không nhớ tên, rõ ràng là có thể hát rất mạch lạc, rất say sưa, nhưng vô tình quên đi mất, song khi ngân nga lại cảm thấy vui vẻ và yêu đời. Đó chính là bởi vì những lúc ấy, cảm xúc của con người ta không tài nào kiểm soát được.

“Chuẩn bị xong chưa Yên? Anh đưa em đi chơi nhé!”

Tôi ghi nhanh dòng chữ lên cuốn sổ nhỏ. Yên nghiêng đầu sang một bên, vén mái tóc mây dài đen óng, nhoẻn cười.

“Xong rồi. Mình đi chơi vui thôi!”

Tôi dắt tay Yên, cùng em đi trên con đường dẫn ra biển. Ở thị trấn biển xinh đẹp và bình lặng này chúng tôi luôn có nhiều hơn một câu chuyện để nói với nhau. Những ngày trước khi quen Yên, tôi không biết rằng nơi mà tôi đang sống lại đáng yêu nhường ấy. Tôi luôn đi làm rất đúng giờ, trở về nhà cũng đúng lúc mà mọi người tề tựu ăn bữa cơm chiều. Mọi thứ giống như một quy luật, quen thuộc đến nhàm chán. Có một ngày, khi tôi dậy sớm để chạy quanh con đường dẫn ra biển, qua một khúc quanh nhỏ, tôi không kịp để ý nên đâm vào một xe đạp đang đi chiều ngược lại. Yên lúc bấy giờ nhỏ bé và đáng thương, đôi mắt em long lanh nước, em co ro đứng một chỗ chờ cho đến khi cái xe được tôi dựng lên bên cạnh em. Tôi hoảng hốt.

- Tôi xin lỗi! Tôi không cố ý, tại tôi không nhìn thấy.

Một lúc rất lâu vẫn không nghe thấy người đối diện nói gì, tôi cố gắng trấn an tinh thần cô gái trẻ.

- Em có sao không? Có bị đau chỗ nào không?

Yên lúc ấy vẫn nhìn tôi lạ lẫm, em lắc đầu, một thoáng nước mắt theo gió tạt ngang qua gò má, để lại vệt dài lấp lánh sáng khi bị nắng sớm chiếu rọi vào. Khuôn mặt em lúc bấy giờ vẫn còn đủ sức dai dẳng in sâu trong tâm trí tôi, một vẻ non nớt sợ sệt, vẻ đáng yêu và cần được che chở. Có lẽ vì thế, tôi đã chọn cách đi bên cạnh em.

“Anh có bị thương không?”

Yên lấy ra một cuốn sổ nhỏ và một cái bút bi, ghi nhanh lên đó, chìa ra trước mặt tôi. Ngớ người một ít phút, tôi nhận ra rằng em là một cô gái khiếm thính.

“Xin lỗi, lúc nãy tôi hơi sợ hãi”

“Không sao, anh không sao cả”

Tôi trả lời bằng cách ghi lại trên cuốn sổ của em, Yên đưa lên đọc, nhíu mày, nhìn xuống mắt cá chân có vết đỏ của tôi, có thể cảm nhận rất rõ rằng em đang mếu, mắt long lanh hơn trước, những giọt nước mấp mé mi mắt nặng trĩu, sắp rớt xuống má rồi. Thấy vậy, tôi không đành lòng:

“Để anh đưa em về nhé!”

Tôi quen Yên như vậy, vào một buổi sáng trời trong và xanh ngắt, một buổi bình yên đến mát lành. Những lần đầu tiên tôi hơi bối rối vì cách dùng từ ngữ của em, lúc tiếp xúc với mẹ em mới được biết, thật ra em không được học nhiều, hầu như không giao tiếp với người lạ, cách mà em dùng từ có hơi ngô nghê nhưng nếu để ý một chút có thể sẽ hiểu. Tôi xin phép mẹ Yên được đến thăm em thường xuyên hơn, cứ mỗi tuần vào thứ bảy và chủ nhật, tôi sẽ đến dẫn em đi dạo phố, đi qua những con đường mòn ra biển, qua bến cảng nhìn ngắm tàu hàng, và cả những ngày ngồi trong một góc quán nhỏ để kể chuyện cho em nghe.
 
Là vì anh yêu em! 1
2. Những ngày bình yên giữa chúng tôi không tồn tại quá lâu. Đó là khi bố Yên trở về. Ông là một người đàn ông thành đạt, thay vì sống ở đảo với mẹ con Yên lại chọn sống ở trung tâm thành phố, chỉ thỉnh thoảng mới trở về. Tôi có nghe trong tiếng thở dài tâm sự của mẹ Yên, rằng ông đã có một gia đình nhỏ khác, cũng đã có một đứa con trai. Mẹ Yên kể, không giống như những ông bố khác, bố Yên không muốn nhận con gái mình, khước từ quyền làm bố từ khi Yên sinh ra chỉ vì em là một đứa trẻ khiếm thính. Tôi có thể hình dung được quãng thời gian cơ cực của người phụ nữ ấy, cả người con gái nhỏ bé đang nép bên cạnh mình. Nhưng thời gian gần đây, khi bố Yên đổ bệnh, ông ấy thường lui về nhà, thăm vợ chăm con, nói rằng không thể từ bỏ Yên, nói rằng muốn bù đắp cho hai mẹ con.

Chuyện gia đình Yên không quá phức tạp, chỉ hơi éo le hơn hoàn cảnh của người bình thường khác một chút. Có những lúc đi bên cạnh tôi, Yên vẫn hỏi bằng sự rụt rè vốn có của mình, đôi gò má em ửng hồng vì ngại ngùng.

“Anh có thấy em là người xấu xa không?” (Ý của Yên là hỏi tôi có thấy em bất hạnh không? Hoàn cảnh của em không tốt chứ không phải hỏi về nhân phẩm của em.)

“Không phải là từ xấu xa, mà là từ bất hạnh. Nhưng em không bất hạnh, vì mẹ em rất yêu em.”

“Vậy bố em có phải rất mạnh mẽ trâu bò không?” (Ý của em là hung dữ)

Tôi mỉm cười, những câu hỏi của Yên đều rất khó lý giải. Chúng tôi không thể nói về những thứ quá khó hiểu, em non nớt giống như một đứa trẻ. Vì mẹ em coi em như một viên ngọc quý, gần như không có ý định đem ra em ngoài ánh sáng để trưng bày, chỉ ôm khư khư bên cạnh mình mà thôi. Có lúc mẹ em cũng thật thà nói rằng, tôi là người đầu tiên quan tâm đến Yên nhiều như thế. Trên đời này, ngoài mẹ là người luôn bên cạnh chăm sóc em, bố là người thỉnh thoảng trở về nhà và cố gắng trò chuyện cùng em thì tôi là người xa lạ đầu tiên mà em tiếp xúc.

Lần đó, khi mà tôi cùng Yên đi dạo như thường ngày, tôi giúp em loại bỏ những từ ngữ mà em hay nhầm lẫn. Em đã có thể tự tin giao tiếp với những người bán hàng xung quanh nhà mình thay vì lúc nào cũng đưa tờ giấy ra trước mặt họ và ghi một dòng chữ duy nhất: “Bán cho cháu một ít loại đồ!”

- Làm phiền cậu nhiều rồi. Từ ngày mai, không phiền cậu qua sang nhà tôi cùngYên đi chơi nữa.

- …

- Con bé sẽ ra phố học thêm kiến thức. Tôi không muốn con gái tôi bị coi thường, không muốn nó mãi u tối như người mẹ của nó.

Nói rồi ông ấy cho người đưa Yên đi, lúc bấy giờ em còn ngơ ngác, tờ giấy trong tay em bị vò nát, đôi mắt long lanh. Tôi có thể cảm nhận được sự sợ hãi trong dáng vẻ của em. Họ ngồi trên oto, men theo đường ra biển để đi ra tàu rồi mất hút về thành phố. Tôi đuổi theo phía sau bằng tất cả sức lực của mình nhưng vẫn không kịp chuyến tàu cuối cùng trong ngày từ đảo vào đất liền. Tôi ngồi gục xuống trước mỏm đá, nhìn theo bóng dáng mỏng manh tựa hồ như hư ảo trên chiếc tàu xa dần.

3. Tôi thu xếp công việc xin luân chuyển vào chi nhánh trong thành phố. Mẹ Yên có cho tôi địa chỉ của bố cô ấy nên tôi có thể ghé thăm em.

Thành phố biển vốn khác xa hòn đảo nơi tôi và Yên đang ở. Bao trùm lên hòn đảo xinh đẹp là dáng vẻ bình yên, cư dân thân thiện, người sống với người bằng tình thương trìu mến. Chúng tôi nhớ những cánh chim trời chao lượn mỗi sớm bình minh, nhớ vầng mặt trời đỏ ối lấp ló trên nền trời ửng hồng như sự bẽn lẽn ngại ngùng của cô gái tuổi đang yêu, nhớ cả những chiều hai đứa nắm tay nhau dạo quanh đường mòn rợp bóng cây xanh. Tôi chắc rằng Yên sẽ sợ hãi ồn ào nơi thành thị, tiếng còi xe, tiếng bon chen hối há của dòng đời đông đúc. Cuộc sống xô bồ vốn không phù hợp với em.
 
Là vì anh yêu em! 2
Tôi dành những ngày đầu tiên đến địa chỉ được ghi trong tờ giấy nhỏ, quan sát thời gian biểu mà gia đình mới dành cho Yên. Em được đưa đi học mỗi buổi sáng, trở về nhà ăn cơm trưa, tiếp sau lại đi học vào buổi chiều. Khi hoàng hôn buông xuống, em được đón trở về nhà và cánh cửa sắt của căn biệt thự đóng kín, không một lần mở ra nữa cho tới ngày hôm sau.

“Yên, khỏe không em? Anh nhớ em!”

Hiếm hoi lắm mới có dịp người đi cùng Yên lánh mặt đi một lúc, đó là khi cô ta đi ra mua cho Yên một cốc café mang đi. Tôi đứng bên ngoài góc quán, lặng lẽ đi vào trong, dúi tờ giấy vào tay Yên khi em đang ngơ ngác. Khuôn mặt em ửng hồng vì nắng, trên trán lấm tấm mồ hôi, khuôn miệng nhỏ xinh không hay cười như trước, nếu có, nụ cười cũng trở nên rất gượng gạo.

“Em bị tống giam rồi. Nhưng em không phải là tù nhân.”

Tôi cười khổ, Yên đã kịp nhìn theo bóng tôi đi, ném một mẩu giấy về phía tôi đang đứng, khuất sau một cột gỗ màu nâu trầm. Lần đầu tiên thấy em dùng từ ngữ chính xác đến thế, xót xa đắng lòng đến thế.

“Đừng theo, có nhiều người tai hại lắm! Sẽ làm anh bị thương”

Một mẩu giấy tiếp theo được ném đến chỗ tôi. Khi tôi vừa ngẩng mặt lên thì người đi cùng đã đưa Yên đi mất. Em ngoái đầu lại nhìn, đôi mắt ướt nước, buồn thăm thẳm.

4. Một lần khác, khi Yên trong lớp học, tôi đứng bên ngoài cửa sổ, có thể thấy rất rõ dáng em cầm cọ vẽ. Yên không thể nghe được, cũng không thể nói được, nhưng em lại vẽ rất đẹp. Tất cả những gì em nghĩ, tất cả những gì em nhìn thấy và mong muốn được chạm vào đều thể hiện sống động qua cọ vẽ của em. Trong lúc tôi lơ là, bất giác có một bàn tay chạm vào vai.

“Đứng đợi em lâu chưa? Ngồi xuống đây, em trốn học hành được đấy!”

“Ừ, là trốn học, không phải là trốn học hành”

Tôi mỉm cười, vuốt khẽ tóc em. Yên ngồi bên cạnh, đưa cuốn sổ nhỏ lại trước mặt tôi.

“Hãy dạy em viết thư từ đi!”

“Chỉ cần nói là viết thư thôi, không cần nói là thư từ.”

“Đúng rồi, dạy em viết thư đi!”

Chúng tôi ngồi rất lâu bên nhau cho đến khi lớp của Yên tan học. Em vẫy tay chào tôi, chạy ra phía cổng có người chờ đón. Ánh nắng chiều hắt lên khuôn mặt em vui tươi như đang mong chờ một điều gì đó tốt đẹp sẽ đến. Tôi cũng mong rằng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với em, chỉ có điều, hiện tại, tôi vẫn còn đang bế tắc. Làm sao để em không còn cảm giác là tù nhân nữa? Em còn mẹ, còn cuộc sống tươi trẻ của mình, còn biển đảo nhỏ xinh đang chờ em trở về. Nếu cứ chờ đợi như thế này, Yên của tôi có đủ sức chịu đựng không?

Bẵng đi một thời gian không còn thấy Yên xuất hiện ở lớp học vẽ. Tôi đến trước nhà em theo đúng thời gian biểu mà em được đưa ra ngoài vẫn không thấy bóng dáng em đâu. Lần dạy em viết thư đã là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, sau đó không còn cách nào để liên lạc nữa. Tôi mơ hồ rơi vào sợ hãi. Tôi sợ điều gì đó bất trắc sẽ đến với em. Nếu có ai đó bắt nạt em thì phải làm thế nào? Yên mong manh yếu đuối là thế, cuộc sống của em cũng rất giản đơn, sẽ không đủ sức phân biệt đâu là người tốt kẻ xấu.

Tôi thu hết can đảm đến gặp bố Yên. Ông ấy dành cho tôi một chút thời gian để thưa chuyện. Trước mặt người này tôi thấy mình cần phải can đảm và tỏ rõ quyết tâm. Tôi trình bày từ ngày chúng tôi quen nhau, về sự đặc biệt của Yên và mong muốn được che chở bảo vệ cho cô ấy. Tôi cũng kể về chuỗi ngày đeo bám ngôi biệt thự này chỉ để đi theo Yên và bảo vệ em. Im lặng bao trùm lên tất cả, đôi mắt người đàn ông hơi nheo lại, rồi ông gật đầu.

- Yên đã được về đảo thăm mẹ rồi. Con bé còn viết một bức thư cho tôi. Là cậu dạy nó có đúng không? Giỏi lắm! Tôi tin cậu.

Đôi môi người đàn ông nở một nụ cười nhẹ như thinh không, đôi mắt vẫn trầm tư tĩnh lặng. Như thể biết trước rằng tôi không tin vào những điều đó, ông ấy đưa ra trước mặt tôi một lá thư vẻn vẹn vài dòng.

“Bố! Yên yêu bố. Nhưng Yên cũng yêu mẹ. Mẹ Yên khổ sở lắm. Yên cũng không phải tù nhân. Bố cho Yên về với đảo, sống ở đây không quen, sợ hãi lắm.

Yên nghĩ bố mạnh mẽ trâu bò, nhưng Yên sai rồi, là cứng rắn. Anh ấy bảo thế. Yên thích học vẽ, nhưng cũng thích học chữ nữa. Yên có thể viết thư cho bố, bố yên tâm hơn chưa? Hãy cho Yên về với đảo đi bố!”

Đúng là do Yên viết, câu chữ còn ngờ nghệch đến thế, lại cứng cỏi đến thế. Yên có thói quen nghĩ gì viết nấy bởi vốn từ của em không nhiều, lại hay nhầm lẫn dùng các từ ghép. Tôi thẫn thờ.

- Có cậu bên cạnh con bé, tôi yên tâm hơn rồi. Cậu về đảo đi, sáng sớm nay tôi đã cho người đưa Yên về với mẹ. Nó sẽ học vẽ ở bên cạnh mẹ nó. Dù sao, tôi cũng chỉ muốn những điều tốt nhất đến với con gái mình. Yên, là con gái của tôi.

Nói rồi ông đi mất, như cố ý tránh một cơn ho kéo dài. Tôi thấy lòng mình chùng xuống. Có lẽ, bất cứ bậc sinh thành nào cũng không thể chối bỏ tình yêu thương với con cái, chỉ là cách thể hiện của mỗi người mỗi khác. Tôi lo lắng chạy lên xem bố Yên có sao không thì ông chỉ khoát tay ra hiệu tôi hãy về đi, kẻo muộn chuyến tàu ra đảo.

Là vì anh yêu em! 3

***

Tôi tìm gặp lại Yên ngay sau khi tàu cập bến. Em ngồi dưới hiên nhìn ngắm những vạt nắng mỏng manh đậu trên vườn hoa đang nở rộ, trên tay vẫn cầm một quyển sổ nhỏ và một cây bút bi. Vừa nhìn thấy tôi, Yên mừng rỡ, nụ cười tươi hơn nắng, mát lành và dịu ngọt như hơi biển từ xa xăm gợi về.

“Về rồi?”

“Ừ, về rồi!”

Tôi xoa đầu Yên, đặt một nụ hôn lên trán em. Cảm giác tim đập mạnh, em nghiêng đầu làm tóc mây bay nghiêng, nhìn em trong màu nắng vẫn là cảm giác trong trẻo và thanh khiết, khiến tim đập rộn ràng, cảm giác ấm áp len lỏi sâu tận trong tim.

“Không cho em xa anh nữa!”

“Sao thế?”

“Là vì Anh Yêu Em!”

“Yêu?”

Tôi cười khổ. Yên còn chưa biết từ yêu có nghĩa là gì. Tôi ngồi cần mẫn giải thích cho em nghe. Yêu nghĩa là nhiều hơn thích một chút, nhiều hơn thương một chút. Yêu có nghĩa là bao gồm cả thích và thương. Tôi từng thích em, thương em, rồi yêu em. Yên lại ngô nghê hỏi có phải giống như mẹ yêu em hay như bố yêu em. Nhưng không phải, tình yêu của tôi dành cho em khác hai người ấy. Đó là tình thân, còn tôi và Yên là tình yêu. Yêu là chuỗi ngày chúng tôi gặp nhau, làm quen với nhau, đi bên cạnh nhau. Cả những ngày chúng tôi xa nhau, nhớ nhung, chờ đợi. Cuối cùng, yêu là trách nhiệm với nhau, là hứa hẹn cùng nhau. Chúng tôi có nhiều hơn một lời yêu để nói với nhau. Chúng tôi còn một tương lai ở phía trước.

“Yêu là thế này đúng không?”

Yên đưa tờ giấy lên trước mặt, vòng tay qua cổ tôi, rướn người lên chạm vào môi tôi. Nụ hôn của em rụt rè bẽn lẽn, thêm cả ngại ngùng con gái, cả những run rẩy đầu tiên. Tôi đón nhận em vào lòng, say mê và chìm sâu vào đó. Định nghĩa về yêu của Yên giản đơn hơn tôi, chỉ là như lúc này thôi, gắn kết và đồng điệu. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày