Bịa chuyện ly kỳ để khỏi bị mắng
Cách đây 1 tháng, chuyện Huỳnh Thị Ngọc Phương (17 tuổi, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) bị bắt cóc, hành hạ như nô lệ đã gây xôn xao dư luận và khiến người khác phải phẫn nộ. Một phần vì những vết thương trên người Phương, phần khác là vì vụ bạo hành dã man bạn Hào Anh ở Cà Mau vẫn chưa kịp lắng xuống. Người ta phẫn nộ khi xã hội đang liên tục xuất hiện những vụ đánh đập hành hạ trẻ em, nên câu chuyện của Ngọc Phương, với tình tiết bị đánh đập đến mức bị điếc không nghe được càng gây xôn xao dư luận.
Hơn nữa, khi có điều kiện tiếp xúc với máy tính, Phương nhanh chóng login vào nick Yahoo chat, chơi game thuộc dạng cao thủ. Vài ngày sau, cô bạn khai ra mình không hề bị giam giữ ở ngôi nhà “ghê rợn” nào (như trước đó đã khai với công an), mà chỉ đi bán cafe, bịa đặt bố mẹ đã mất và lang thang vất vưởng suốt 2 năm ở Sài Gòn. Không chỉ gia đình, hàng xóm, bạn bè mà cả dư luận trong vùng lẫn cả nước đều phải ngã ngửa với lời khai cuối cùng này.
Vì không muốn bị bố mẹ tra hỏi về quá khứ chẳng mấy tốt đẹp và tấm thân tàn tạ, mà Ngọc Phương đã bịa ra một câu chuyện bị bạo hành với rất nhiều tình tiết ly kỳ. Thực ra, cô bạn này mải chơi “quá liều”, ăn trộm tiền của bố mẹ rồi “dạt” nhà lang thang đi khắp nơi, đã quan hệ tình dục và mắc bệnh phụ khoa nặng, kết quả tất yếu của lối sống quá buông thả.
Vụ ầm ĩ gây xôn xao suốt một thời gian, đã dần khép lại trong sự lắc đầu của người lớn về cách sống buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân và chai lỳ với những cạm bẫy ngoài xã hội của một cô gái 17 tuổi. Thực ra, vẫn có những cô bạn tuổi teen “dạt” nhà ra đường, nhưng lại không dám đối mặt với sự thật và dũng cảm nhận lỗi, lại đi bịa ra những chi tiết hoang tưởng để không bị bố mẹ mắng mỏ. Suy nghĩ đơn giản nhưng cũng thật sai lầm.
Bịa chuyện khiến người khác... vào tù
Một câu chuyện khác cũng gây xôn xao, nhưng lại ở nước ngoài và gây hậu quả nặng nề hơn. Leyla Ibrahim, cô gái 22 tuổi từ Libya đến Anh Quốc cùng gia đình đã tố cáo 4 sinh viên nam cưỡng hiếp và đánh đập cô ta trên đường đi bộ về nhà. Cáo buộc này, cùng những vết thương trên cơ thể đã khiến 4 sinh viên bị bắt oan và bị giam giữ 4 ngày, thậm chí có một sinh viên uất ức đến mức đòi tự tử.
Hậu quả cho thói bịa đặt trắng trợn, là Ibrahim sẽ phải ngồi tù vì tội vu khống. Câu chuyện của Ibrahim sẽ là bài học cho rất nhiều cô gái “giận cá chém thớt”, chỉ vì những lý do trời ơi đất hỡi mà dựng lên chuyện đổ tội cho người khác.
Khi những vụ bịa đặt bị bạo hành, xâm phạm bị đưa ra ánh sáng, thì người gánh chịu sức ép của dư luận, sự thất vọng của gia đình và người thân không ai khác chỉ có “thần bịa” tuổi teen. Đó là chưa kể, chi tiết bốc phét để bào chữa cho cách sống buông thả của mình, nếu ảnh hưởng đến người khác còn khiến bạn phải hầu tòa. Sự hoang tưởng, nếu xuất phát từ một trí não và sức khỏe không bình thường còn có thể thông cảm. Nhưng nếu chỉ là cách để đổ lỗi, tránh tội, đỡ bị cha mẹ, người thân mắng mỏ thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề đấy!