Đâu rồi những bữa cơm nhà?
Trong thời hiện đại, teen bị cuốn đi theo chuyện học hành, sáng học, chiều học, tối chỉ ăn qua loa rồi học tiếp. Hầu như các bạn đều chọn cách ăn uống tiện lợi như: ăn ở cửa hàng, các tiệm hay thức ăn nhanh… mà không còn chú tâm đến các bữa cơm gia đình nữa. Thanh Mai (18t) tâm sự với chúng tớ: "Năm nay là năm cuối cấp, mình phải đi học thêm thường xuyên, nhà xa nên giữa các giờ học cứ phải ra quán ăn cạnh trường ngồi ăn cơm một mình. Buồn lắm. Muốn được về nhà ăn cơm, rồi nghe đứa em kể chuyện ở lớp, ngồi nói chuyện với bà mà không được, đành phải chấp nhận thôi.”
Nhưng cũng có một đại bộ phận teen lơ là cơm
nhà vì nhịp sống hối hả ngày một thú vị và náo nhiệt đã cuốn các bạn theo
những thú vui, hiếm khi có được một bữa cơm gia
đình đúng nghĩa như tâm sự của cô Lan, phụ huynh của một bạn:
“Con gái cô chẳng mấy khi ăn cơm nhà, nó bảo ăn ở ngoài cho tiện mà… vui.
Chẳng biết là béo bổ gì, toàn đồ ăn nhanh, quà vặt. Lâu rồi thì cũng quen,
không muốn nhắc thêm nữa.”
Bữa cơm ngồi chung với ba, mẹ, ông bà rất quan
trọng, vì nó giúp không khí gia
đình đầm ấm, hạnh phúc hơn. Bữa cơm nhà còn là nơi để các thành viên trong gia
đình chia sẻ những câu chuyện thú vị trong một ngày, gắn kết tình cảm của bố mẹ
với con cái. Một bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ bảo đảm một sức khỏe tốt cho
teen học tập và lao động. Hãy nhớ, khi bỏ một buổi cơm nhà là có người đang chờ
bạn về ăn cơm nhé, có thể bố mẹ đang rất buồn vì phải ăn cơm mà không có bạn đấy!
Giá
trị của những ngày giỗ chạp
Văn hóa gia đình, dòng họ thường được kế thừa và nối tiếp bởi những thế hệ con cháu. Thế nhưng nhiều bạn trong độ tuổi chúng mình vẫn có những suy nghĩ rất trẻ con: “Việc giỗ chạp là của bố mẹ chứ không phải của chúng mình, tuổi bọn mình chỉ đến nhà ông bà, các bác tụ tập, ăn cho vui thôi”. Nếu bạn cũng nghĩ như vậy thì nên thay đổi quan điểm chưa thật đúng đắn này nhé. Những ngày lễ tết, giỗ chạp chính là ngày mà các thành viên trong gia đình đoàn tụ và gặp mặt, để nhớ về gốc gác, nguồn cội của bản thân. Nó thực sự rất quan trọng và có ý nghĩa đấy.
Xã hội phát triển, cuộc sống ngày càng bận rộn, những ngày gặp mặt đoàn tụ đại gia đình cũng khan hiếm hơn khiến teen dần lơ là hơn việc đến tham dự giỗ chạp. Mình Thanh (18t) tâm sự với chúng tớ rằng: “Từ nhỏ đến giờ mình rất ít khi về quê, đặc biệt trong những dịp giỗ chạp, thường là chỉ bố mẹ mình về nếu bận rộn quá, bố mẹ cũng chỉ gửi tiền cho ông bà, mình hầu như biết rất ít mặt họ hàng, hàng xóm."
Thậm chí, những ngày giỗ chạp hay thượng thọ ông bà, teen cũng không “lưu vào bộ nhớ” và càng thờ ơ trước những ngày kỉ niệm của gia đình. Những sự kiện đó là một phần của truyền thống gia đình, hiểu về giá trị của cội nguồn, hiểu về tổ tiên gốc gác của mình thì teen mới biết trân trọng gia đình mình hơn. Đơn giản là việc về quê ăn cỗ cùng với ông bà, quây quầy bên người thân cũng khiến bạn trở nên gần gũi hơn với mọi người trong nhà đấy.
Biết trên biết dưới
Bạn đã bao giờ tự hỏi xem mình đã
biết hết họ hàng hai bên nội ngoại chưa? Hẳn sẽ là một câu hỏi khó với teen
sống lâu ở thành phố khi những lần về quê chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có rất nhiều trường hợp teen về quê đã chào nhầm “bác” thành “chú” hay “ông trẻ” thành “anh" như trường hợp của Nhung (19t): “Một năm chỉ về quê một hai lần, bây giờ mình chẳng còn nhớ mặt họ hàng có những ai. Dịp tết vừa rồi bố mẹ cho mình về quê ăn tết đi chào họ hàng mà mình cứ loạn
hết cả lên, chẳng dám lơ là vì chỉ sợ chào nhầm, cẩn thận vậy gặp ông trẻ mình
lại chào... anh, bố mẹ thì chỉ biết cười
trừ…”
Những tình huống oái oăm như Nhung bây giờ không hề hiếm, nhưng bạn chỉ cần chú ý một chút, để ý hơn mỗi lần đến thăm họ hàng hoặc khi đi chúc Tết là sẽ nhớ được thứ bậc trong họ hàng. Hi vọng sẽ không còn teen nào “chào nhầm” họ hàng như ví dụ trên nữa.
Xã hội phát triển nhưng không có nghĩa là teen quên đi những nét văn hóa truyền thống của gia đình Việt, mà ngày càng phải biết giữ gìn và phát huy. Hãy là một teen Việt hiểu biết và tôn trọng những truyền thống gia đình rất đáng quý đó, teen nhé!