Nhiều khi tự hỏi đích đến của một đời người là gì, có phải là tiền tài danh vọng hay một gia đình yên ấm ổn định, con đàn cháu đống hay không? Nhưng những thứ đó để làm gì? Chẳng phải là để con người được sống sung sướng hạnh phúc đó sao. Vậy thực chất, đích đến của một đời người, rốt cục vẫn chỉ là sự hạnh phúc mà thôi.
Là mục tiêu tối thượng của một đời người, vậy nhưng làm sao để hạnh phúc, yếu tố gì dẫn đến một gia đình hạnh phúc vẫn luôn là một câu hỏi mà nhân loại đang miệt mài tìm kiếm câu trả lời.
Nhà tâm lý học Robert Waldinger.
Nhà tâm lý học Robert Waldinger, giám đốc chương trình Phát triển người trưởng thành của Đại học Harvard, một trong những chương trình lâu đời, dài hơi nhất về nghiên cứu cuộc sống con người từng được ngôi trường danh giá này thực hiện. Trong suốt thời gian thực hiện nghiên cứu, cuối cùng Waldinger cũng tìm ra yếu tố mạnh nhất để đạt được hạnh phúc, và anh quyết định chia sẻ thông tin này với tất cả mọi người qua buổi trò chuyện TEDx.
Waldinger đã tìm được câu trả lời. Yếu tố quan trọng nhất để có được hạnh phúc, không gì khác chính là những mối quan hệ tốt đẹp. Và đây, những bí quyết về các mối quan hệ để được sống hạnh phúc:
1. Hãy có những mối quan hệ gần gũi thân thiết
Gia đình là chốn bình yên nhất cho tâm hồn, là nơi mà người ta khao khát được trở về mỗi khi trong đời có biến cố gì đó. Có một mối quan hệ thật thân thiết với người thân có phải tốt hay không. Để mỗi khi trở về là một lần cõi lòng được trút bớt gánh nặng, để được cảm thấy tình yêu vô điều kiện dành cho mình. Cũng từ mối quan hệ gia đình khăng khít ấy, người ta sẽ cảm thấy yêu đời hơn.
Nếu giả như có một mối quan hệ không được tốt đẹp với người thân, có lẽ đó sẽ là một sự bất hạnh. Sau cùng, chẳng ai có thể sẵn sàng bên ta trong lúc khốn cùng nhất, chẳng đòi hỏi tư lợi cá nhân ngoài gia đình mình.
2. Trọng chất, đừng trọng lượng
Đừng vội suy từ ý trên, rằng bạn phải có một bộ sưu tập những mối quan hệ mà cái nào cái nấy lỏng lẻo chẳng có điểm kết nối vững vàng. Thà có ít mối quan hệ thôi, nhưng đủ thân thiết tin cậy, còn hơn là nhiều bè mà chẳng tìm được một mống bạn thân.
Các cặp đôi đã kết hôn, nếu thường xuyên cãi cọ, không tìm được điểm chung trong tư tưởng cũng như tầm ảnh hưởng đến một nửa của mình thật sự cũng không có một cuộc sống hạnh phúc nổi. Lâu dần, chán chường, mệt mỏi xảy đến như là một kết quả đã được báo trước. Cuộc sống theo đó cũng tệ đi nhiều.
Ở tuổi đôi mươi, cái tuổi thanh niên nông nổi, chúng ta cần nhiều thật nhiều những mối quan hệ, để ta cảm thấy thoả mãn cái tôi của bản thân, để được là người quan trọng, hay để được nhờ vả. Một mạng lưới quan hệ rộng lớn sẽ giúp ích rất nhiều trong bước đầu sự nghiệp nữa mà.
Điều này ngược lại khi bắt đầu tới ngưỡng cửa 30 tuổi, tuổi này con người trưởng thành hơn nhiều rồi. Tạm biệt những mối quan hệ dừng lại ở mức xã giao cả năm nói chuyện được vài ba chữ, tận lực đầu tư tình cảm cho những mối quan hệ thật sự thân thiết. Ít mà tốt, thế cũng được.
3. Hôn nhân ổn định, bền vững
Để có một trí nhớ tốt hơn, tốt nhất đừng vướng bận chuyện buồn. Mọi chuyện đã qua, cho qua đi. Xung đột trong hôn nhân là không thể tránh khỏi, tuy nhiên nếu một bên cương, bên kia cũng cương thì đúng là mọi chuyện chẳng đi đến đâu. Vì vậy, thay vì cứng đầu, nhường nhịn nhau một chút, cả hai sẽ cùng được vui. Thay vì để đầu óc rối bời vì những chuyện không đâu, sao không quên bớt đi và nghĩ thoáng về nhau hơn?
Truyền thuyết kể là, vợ chồng nhà nào tới năm 50 tuổi không xảy ra tranh cãi hay xảy ra những vấn đề nghiêm trọng trong hôn nhân, cặp đó sẽ được hưởng hạnh phúc cả về tinh thần và thể chất.
Vậy có nghĩa là, yêu lâu, yêu chất lượng, yêu hết mình và chọn đúng người để yêu, để đồng hành suốt cuộc đời sẽ giúp bạn không chỉ có một cuộc sống hạnh phúc viên mãn, mà còn có sức khoẻ tốt, trí tuệ minh mẫn thông tuệ.
Đấy, sống tốt với người ta, rồi sẽ được hạnh phúc thôi.
Nghiên cứu của Robert Waldinger có sự tham gia của hai nhóm đàn ông trưởng thành, kéo dài trong 75 năm từ năm 1938 đến nay.
Nhóm đầu tiên bao gồm 238 sinh viên năm thứ 2 Đại học. Nhóm này do Tiến sỹ tâm lý George Vailant phụ trách.
Nhóm thứ hai gồm 452 thanh thiếu niên trẻ, tuổi từ 12-16 sinh sống và lớn lên tại thành phố Boston tham gia. Nhóm này được Giáo sư ngành Luật Sheldon Glueck đảm nhiệm nghiên cứu.
Các nghiên cứu xoay xung quanh các yếu tố cuộc sống của nam giới như sự thoả mãn trong cuộc sống hôn nhân, vấn đề việc làm cùng các hoạt động xã hội. Những ứng viên tham gia cứ mỗi 2 năm lại được lấy ý kiến về sự thay đổi các khía cạnh cuộc sống ấy, đồng thời kiểm tra tình trạng sức khoẻ như chụp X-Quang ngực, thử máu, thử nước tiểu và điện tâm đồ. Tất cả nhằm tìm ra các nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hạnh phúc trong cuộc sống của các ứng viên.