Tên : Đào Ngọc Linh |
(*) : Brown University đứng thứ 11 trong top 100 trường ĐH hàng đầu thế giới, là thành viên của Ivy League-nhóm 8 trường ĐH hàng đầu Đông Bắc nước Mỹ bao gồm: Brown University, Columbia University, Cornell University, Darthmouth College, Harvard University, Princeton University, University of Pennsylvania và Yale University.
Gặp lại Linh sau 2 năm, cô bạn nhìn đen đi đến không ngờ. Linh cười: "Do gió Ấn Độ đấy”. Nhìn cô bạn nhỏ nhắn bên tách café, không ai nghĩ cô bé ấy đã 19 tuổi. Nhí nhảnh và quá vô tư, có lẽ chính điều ấy khiến Linh trẻ con lâu đến thế.
Giờ thì Linh đã ở Mỹ được 2 tháng rồi, chat với Linh, chính cô bạn cũng bất ngờ khi nhìn lại những gì mà mình đã trải qua. Con bé “lúc nào cũng hồng từ đầu đến chân” cùng đi học đội tuyển Văn ngày xưa giờ đã là sinh viên của một trong những trường ĐH danh tiếng nhất thế giới.
Chọn văn hóa nhưng không từ bỏ nghệ thuật
Linh sinh ra trong gia đình bố mẹ đều theo ngành nghệ thuật, chú của Linh là diễn viên Đào Văn Bích, nên từ nhỏ Linh đã tham gia rất nhiều các phong trào văn nghệ. Gương mặt này hồi nhỏ đã xuất hiên trên TV rất nhiều lần trong các chương trình cho thiếu nhi. Có gen nghệ thuật, chưa vào lớp 1 cô bạn đã được giải nhì đơn ca mầm non toàn thành phố. Lên đến cấp 2, Linh đã mang về cho mình kha khá những giải văn nghệ. Linh học violin được 7 năm nhưng ngoài violin, cô bạn có thể chơi được rất nhiều các loại nhạc cụ khác.
Hay tham gia nghệ thuật là thế nhưng ở lớp, điểm số của cô bạn này vẫn luôn cao chót vót. Vừa thấy cô bạn hát trên sân khấu của trường nhân ngày thành lập, một lát sau đã thấy lụi cụi trong lớp học đội tuyển. Từ khi vào Chuyên ngữ , Linh đã tập trung hoàn toàn vào việc học. Các bạn chỉ còn được nghe cô bạn với chất giọng cao và ấm hát trong những lần lớp đi chơi, các bạn nài ép quá mà thôi. Năm nào nhìn bảng điểm, điểm TB môn của Linh cũng trên 9.0, một điều đáng mơ ước khi học ở một trường chuyên như Chuyên ngữ. Khi được hỏi có tiếc không khi được tạo mọi điều kiện để theo đuổi nghệ thuật nhưng lại quyết định một hướng đi khác, Linh chỉ cười: "Đúng là nhiều khi nghĩ lại, tớ cảm thấy hơi tiếc và nhớ violin lắm. Tớ đã chọn văn hóa nhưng không có nghĩa là từ bỏ nghệ thuật. Tớ vẫn hát và chơi đàn khi tớ muốn, thi thoảng hát cho bạn bè nghe, thế cũng đã vui lắm rồi.”
Ấn Độ và “tấm vé” vào Ivy
Năm 2007, giống như rất nhiều những học sinh giỏi lớp 11 khác, Linh đăng kí thi học bổng của hệ thống các trường United World Colleges (UWC). Năm đó UWC chỉ trao 4 học bổng cho các học sinh lớp 11 Việt Nam đến theo học 2 năm tại các trường UWCs tại Canada, Nauy, Italia và Ấn Độ. Tự tin đăng kí, Linh đã lọt được vòng phỏng vấn. “Lúc ấy nhận được mail thông báo mà tớ sướng rơn. Rồi đến lúc phỏng vấn, khi được hỏi nếu được chọn em muốn học ở đâu, tự nhiên trong đầu tớ xuất hiện 2 chữ Ấn Độ.” Ngày nhận được điện thoại thông báo đã được chọn để theo học tại Mahindra UWC tại Ấn Độ , Linh đã khóc trong những lời chúc mừng từ bạn bè.
“Đến bây giờ thì tớ cảm thấy may mắn vô cùng khi ngày ấy mình đã chọn Ấn Độ.”- Linh cười - “thực sự 2 năm ở Mahindra UWC đã thay đổi cuộc đời tớ.” Cô bạn nhỏ bé đã thấy một thế giới lớn hơn những gì mình đã biết rất nhiều, được học một cách khác, nghĩ một cách khác, và quan trọng nhất là làm theo một cách khác. Học trong một ngôi trường chỉ có 200 học sinh nhưng lại đến từ…70 quốc gia khác nhau, mỗi người một tính cách, một sở thích, một ngôn ngữ, tất cả đều thật mới mẻ và lạ lùng. "Ban đầu rất khó khăn cho tớ để có thể nghe hết được mọi người nói những gì. Cùng là tiếng Anh nhưng bạn đến từ Ấn Độ, Mỹ Latin hay châu Âu nói đều rất khác nhau.”-Linh chia sẻ.
“Tự nhiên tớ cảm thấy từ trước đến giờ mình chưa được thực sự học, thực sự hiểu thế nào là tiếp thu kiến thức. Kiến thức không chỉ là những gì mình được tiếp nhận, được bảo cho; kiến thức là những gì chính mình cũng góp phần xây dựng. Và mình phải không ngừng thách thức và đặt câu hỏi lớn về những gì mình đã tiếp thu: Nó đã đúng chưa? Có điểm gì đáng phê bình. Cần phải bổ sung những gì?”.
Trong 2 năm sống ở Ấn Độ, Linh tự nhận mình đã tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn tất cả những hoạt động mà Linh đã làm trước và sau đó cộng lại. “Không chỉ là vì đó là một phần của chương trình học, mà vì tự mình thấy bị thúc đẩy phải làm cái gì có ích cho xã hội.” Trong campus trường đẹp và thanh bình là thế, nhưng chỉ cần xuống tới phố là khác hẳn. Những người nghèo đói rất nhiều và cuộc sống không phải lúc nào cũng đẹp như bạn tưởng. Tình nguyện làm giáo viên dạy cho các trẻ em nghèo, Linh đã có những ngày tháng sống trong những khu vực là vùng sâu vùng xa của Ấn Độ. Mùa hè về Việt Nam, Linh cũng không cho phép mình nghỉ ngơi.
‘Thật sự là tớ đã thay đổi rất nhiều, và tớ đã khám phá được nhiều điều về bản thân mà chính mình cũng không ngờ đến.” Linh kể lại, nhiều lúc thấy có bạn học sinh khác lãng phí nước,điện và giấy quá, “mình tức điên cả lên. Tớ tham gia câu lạc bộ tái chế giấy và tớ có thể tự làm giấy từ bột giấy tái chế.” Thậm chí Linh đã từng viết 1 tờ note dính vào nhà tắm ở Brown yêu cầu các bạn dùng nước tiết kiệm và vặn kĩ các vòi hoa sen, khi về nước thì thay hết các loại túi nilon trong nhà khiến bố mẹ”phát sốt”. Sự thật thì phải thay đổi từ chính nhận thức của mình, sau đó lan truyền nó ra với mọi người, thì mới có thể bảo vệ môi trường được.
Ngọc Linh cùng cậu em trai nhỏ hơn mình 8 tuổi
Là học sinh xuất sắc ở UWC, không bất ngờ khi Linh apply vào Brown University và đã được nhận. Rời Ấn Độ, đặt chân đến Mỹ - đất nước xinh đẹp của tự do, một trải nghiệm mới lại đang chờ đợi. Brown là một trường nổi tiếng, lại rất lớn chứ không nhỏ như UWC nên chắc chắn nó sẽ đem tới những kinh nghiệm mới đầy thú vị.
Ngày nhận phòng trong dorm (kí túc xá), Linh rất bất ngờ khi nhìn thấy Emma Watson và biết được cô bạn ngôi sao này ở cùng dorm với mình. “ Tớ chỉ biết nói :’Oh’ ”- Linh cười. “ Emma ở ngoài nhìn nhỏ nhắn và rất dễ thương. Đâu phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội được học cùng với những ngôi sao như thế nhỉ. Tớ ở tầng 4, còn Emma ở tầng 2, thẳng phòng tớ xuống luôn. Bạn ấy dù ở cùng dorm nhưng ít khi thấy mặt lắm. Tớ chỉ gặp bạn ấy khi cùng tham gia International Orientation (buổi định hướng đầu năm cho sinh viên quốc tế), vì xét theo quốc tịch bạn ấy vẫn là sinh viên Anh mà. Emma mê Arts and Craft lắm thì phải, bạn ấy thích thiết kế những đồ nhỏ nhỏ dễ thương. Emma ở tầng 2, phòng ở trong, nhưng ở tầng 1 cũng có 1 bạn khác là Emma, phòng ngay ngoài để đánh lạc hướng. Bình thường thì tên các bạn trong phòng sẽ được ghi trên cửa mỗi phòng, nhưng phòng của Emma thì không có cái tên nào cả. Các sinh viên đối xử với bạn ấy hết sức bình thường, không có FC, không người hỏi xin chữ kí , không nhìn trộm xì xào hay bất cứ điều gì khác. Đã ở Brown thì ai cũng giống ai thôi, mọi người rất tôn trọng đời sống riêng của nhau.”
Một ngày mới lại đến với những chuyến phiêu lưu mới. Linh chưa biết liệu cô bạn có yêu quí nước Mỹ như mình đã từng yêu Ấn Độ hay không, nhưng chắc chắn bạn ấy sẽ sẵn sàng chào đón tất cả với sự tự tin và hào hứng. “Chắc chắn một điều là tớ vấn sẽ luôn là chính mình, tiếp tục khám phá những điều về bản thân mà mình chưa từng biết ở ngôi trường mới này.”
"Tớ vẫn chỉ là một teen bình thường như bao bạn khác"
“Mọi người vẫn nhận xét tớ là người quá romantic, nhưng kệ thôi, bản chất con người mà. Tớ chỉ ước mùa đông này được về Việt Nam, lại được tận hưởng mùa đông Hà Nội như ngày trước.” Linh cười, nụ cười hiếm khi nào thấy tắt trên khuôn mặt lạc quan của cô bạn này.