Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng!

Jamie, Theo Trí Thức Trẻ 00:23 30/11/2012
Chia sẻ

Vài ngày qua, khi dàn sao Hàn hùng hậu đổ bộ Hà Nội, câu chuyện về "fan cuồng Kpop" lại bị mang ra mổ xẻ, thậm chí là "ném đá". Nhưng lần này, làn sóng anti dường như đi quá giới hạn...

Những ngày này, fan Kpop tại Việt Nam chìm ngập niềm vui khi được đón hơn 70 nghệ sĩ Hàn Quốc đến Việt Nam biểu diễn trong chương trình đại nhạc hội Kpop Festival kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Hàn. Thế nhưng bên cạnh sự hân hoan và hạnh phúc đó, không ít fan Kpop vẫn đang bị một bộ phận xã hội lên án hết sức nặng nề về việc hâm mộ thần tượng.

Đây không phải là một câu chuyện mới, nhưng mỗi lần nó xuất hiện lại có một sức nóng, sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến xã hội. Những hành động được bàn tán, những bức ảnh được mổ xẻ, những đoạn video được bình luận trong nhiều ngày, tất cả đều nhắm đến việc phê phán, lên án thế hệ trẻ ngày nay quá “ngông cuồng”, “rảnh rỗi”, “dư thừa nước mắt”… Nhưng sự thật, giới trẻ có đáng phải chịu những lời lên án như vậy?

Fan Việt và niềm đam mê Kpop

Cách đây khoảng 4 năm, làn sóng Kpop du nhập vào Việt Nam như một làn gió lạ. Giới trẻ mê tít khi được xem những mĩ nam, mĩ nữ xinh đẹp, cá tính, quyến rũ trên sân khấu, điều mà trước đây rất ít khi được thấy. Dần dần, họ quen với hình ảnh ca sĩ, nhóm nhạc Hàn Quốc, họ đam mê, yêu mến SNSD, T-Ara, SuJu, DBSK,… cũng giống như nhiều thế hệ trước đó ngưỡng mộ The Beatles, Westlife, Backstreet Boys, Micheal Jackson, Britney Spears,… Họ tập hợp những người cùng sở thích để lập fanclub, nơi chia sẻ, trò chuyện nhiều hơn về thần tượng của mình. Đó là niềm vui, cũng là một phần trong cuộc sống của họ, như bao việc ăn, ngủ, học hành, vui chơi khác trên đời.

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 1

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 2

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 3

Cùng thuộc châu Á và nhìn thấy sự hâm mộ của fan nên các nghệ sĩ Hàn tới Việt Nam biểu diễn nhiều hơn những ca sĩ, nghệ sĩ châu Âu, châu Mỹ khác. Những tưởng đó là điều may mắn cho các fanclub, nhưng không ngờ rằng đây cũng chính là sự bắt đầu cho khái niệm “thảm họa fan cuồng”, do một số bộ phận trong xã hội đặt ra cho họ. Bao nhiêu lần thần tượng tới Việt Nam, bao nhiêu lần chờ đợi, chào đón ở sân bay cùng băng rôn, banner, poster, nụ cười, nước mắt thì bấy nhiêu lần họ bị xã hội “ném đá”, thậm chí chửi rủa, miệt thị và lên án nặng nề.

Mới đây, khi hình ảnh fan nam của nhóm nhạc T-Ara khóc khi thấy thần tượng được phát tán trên mạng, nhiều người lại có cơ hội khẳng định chắc chắn hơn cho quan điểm của mình, rằng giới trẻ ngày nay là rảnh rỗi, điên rồ, chỉ dành thời gian cho những điều vô bổ, là không yêu nước, không xứng đáng mang quốc tịch Việt Nam,…

Vậy là, từ một cảm xúc nhất thời không thể kìm chế mà những bạn trẻ này bị mang ra làm trò cười trên hàng loạt các trang mạng xã hội trong những ngày qua với vô vàn hình chế, tranh biếm họa, comment thiếu lịch sự, xúc phạm nhân phẩm và gia đình họ. Chưa biết hành động của những fan Kpop này đúng hay sai, nhưng sự thiếu tôn trọng dành cho người khác của một số cư dân mạng ít nhiều cũng sẽ khiến nhiều người khó mà bị thuyết phục bởi những lời lẽ đó.

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 4

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 5

Sự hâm mộ của fan Việt có đáng bị lên án nặng nề?

Quay lại việc fan Việt có đang làm mất hình ảnh và lòng tự tôn dân tộc, là “thế hệ bỏ đi”, “thế hệ điên rồ” như một số người bình luận hay không. Đây có thể là ý kiến mang tính cá nhân và chủ quan của những người đang mất đi niềm tin đối với giới trẻ, và có lẽ fan Việt không đáng phải nhận những lời bình luận như thế. Họ cũng cuồng nhiệt và hết mình như bất cứ như fan của một đất nước nào khác.

Họ sẵn sàng ra sân bay chờ từ 10h đêm đến 10h sáng hôm sau để đc gặp thần tượng, họ chia sẻ cùng các bạn khác trong fanclub miếng bánh mì, cái khăn ấm, chai nước. Họ ngồi yên cho bạn mình dựa vào vai chợp mắt ở ghế chờ sân bay, họ cũng có những cảm xúc rất bình thường, là háo hức vui mừng, là nụ cười, là những giọt nước mắt khi nhìn thấy người họ yêu mến.

Nếu thứ mà giới trẻ đang hâm mộ là những thứ sai trái, không lành mạnh thì điều đó đáng lên án, chỉ trích, nhưng ở đây, thần tượng của họ lại là những chàng trai, cô gái đã chinh phục cả châu Á bằng ngoại hình, vũ đạo, giọng hát, cả sự dễ thương, đáng yêu, thân thiện và đang tiến ra chinh phục thế giới. Họ cũng tài năng, bản lĩnh và chuyên nghiệp không hề kém các nghệ sĩ lớn của US, UK và họ hoàn toàn xứng đáng nhận được sự mến mộ của khán giả.

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 6

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 7

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 8

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 9

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 10

Fan Kpop Việt cũng hâm mộ thần tượng của mình như bất cứ một fan hâm mộ đích thức nào, như những fan nhạc Rock, như những fan cuồng của Apple,… Họ có tổ chức, có cộng đồng, có đam mê, có trách nhiệm. Họ không đáng bị đả kích như vậy. Liệu có phải vì họ rơi lệ trước những cô gái, chàng trai xa lạ không biết mình là ai?

Thiết nghĩ, chắc không có quy chuẩn nào để người ta mang ra cân đo đong đếm được, rằng tôi khóc vì cái này mới là cao cả, là tốt đẹp, bạn rơi lệ vì điều kia chỉ đáng xấu hổ. Mỗi người sẽ có một quy chuẩn cho riêng mình, mỗi cộng đồng sẽ có một ý nghĩ khác nhau. Và có lẽ cũng không nên lấy thế hệ, cảm xúc, quan điểm của mình để áp đặt lên một thế hệ khác.

Fan Việt đang hâm mộ thần tượng một cách có văn hóa!

Con người ta đôi khi chỉ nhìn vào một hành động mà đã vội đánh giá nhân cách và phẩm chất của người khác. Fan khóc vì thần tượng, bị gán ngay tội không yêu đất nước, conn trai rơi lệ, bị quy kết yếu đuối, không xứng đáng làm nam nhi… Chúng tôi xin trích đăng một đoạn thơ của bạn Pighero Huyen Minh Nguyen trước làn sóng đả kích: “…Vì tình yêu mỗi người là vô hạn/ Cháu yêu thần tượng gào thét vì người ta/ Nhưng không có nghĩa cháu không biết yêu đất nước/ Không có nghĩa cháu quên tình mẹ cha cao quý vô thường…”. Fan cũng là một người bình thường, họ yêu thần tượng, không có nghĩa là họ không yêu nước, không yêu bố mẹ như nhiều người vẫn quy chụp bấy lâu nay.

Có người nói, đất nước chúng ta chưa phát triển là vì những thế hệ trẻ đang bận lao đầu vào việc hâm mộ thần tượng như thế này. Nhận định này liệu đã chính xác? Xin trích một đoạn bình luận, một cái nhìn mới mẻ và đi ngược lại số đông đang phản đối việc hâm mộ thần tượng Kpop trong những ngày qua của anh Trần Thăng Long: “Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Mỹ… các cô cậu tuổi teen xếp hàng 48 tiếng chờ thần tượng ngoài sân bay, dành dụm hết tiền ăn sáng vì thần tượng, khóc đến ngất xỉu vì thần tượng, ung thư gần chết cũng chỉ mong có thể gặp thần tượng trước khi nhắm mắt…đầy rẫy.

Nếu tưởng Việt Nam là vô địch fan cuồng, hay cho rằng nó ghê gớm, e là hơi bị lạc quan và thành tích, hoặc quá lười tìm hiểu, hoặc cũng bị bệnh chung của bao người bình thường, rằng đền làng mình là đền to nhất, núi tỉnh mình là núi cao nhất, chỉ đơn giản là chưa thấy chuyện bên ngoài.

Nếu vậy thì nói luôn, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ… cũng vậy đó, và mấy chục năm nay là vậy rồi. Mấy chục năm nay họ cũng phát triển kinh tế, cũng suy thoái, cũng giữ gìn an ninh tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ bình thường. Vì ở đâu cũng có các bạn trẻ fan cuồng (…), fan cuồng ở đâu cũng sẽ dần trưởng thành (…) và xếp lại ký ức hâm mộ như những dòng lưu bút của tuổi trẻ…”.

Nhiều người lên án fan Kpop cuồng vô tội vạ, rỗi hơi, thừa thời gian đi đón thần tượng, rồi khóc lóc vì họ, nhưng liệu có ai dám khẳng định khi thần tượng của mình là ban nhạc Rock nào đó, ca sĩ US, UK, một diễn viên điện ảnh nào đó tới Việt Nam mình sẽ không cuồng nhiệt như thế?

Nhiều người nói rằng những người có mặt ở sân bay đón thần tượng là thừa thời gian, kém hiểu biết, không học hành gì, nhưng liệu có ai dám chắc trong số đó không có người là học sinh giỏi, học sinh quốc gia, quốc tế...?

Trên thực tế, không phải ngẫu nhiên mà fan Kpop hay bị xã hội để ý và soi xét kỹ hơn những fan của các nghệ sĩ khác. Vẫn có ít nhiều những “con sâu làm rầu nồi canh”, những bạn không kiềm chế được cảm xúc mà gây mất trật tự, chen lấn, xô đẩy mỗi lần ở gần thần tượng, rồi mới đây là vi phạm luật giao thông,… Thế nhưng đa phần fan Việt vẫn đang cố gắng xây dựng một hình ảnh đẹp trong mắt mọi người và thần tượng của mình để vẽ lại những hình tượng fan Kpop chân chính, hâm mộ có tổ chức, có văn minh.

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 11

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 12

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 13

Fan Kpop Việt - Không phải xấu hổ khi khóc vì thần tượng! 14

Hai ngày hôm nay, lượng fan của hơn 70 nghệ sĩ Hàn tập trung ở sân bay với số lượng lớn nhưng vẫn trật tự và nghiêm túc, không hề gây ra sự cố gì. Rồi như chiều nay, hình ảnh SONE tại sân bay đón S9 đã khiến cho hình ảnh fan Việt thực sự rất văn minh khi S9 đi ra bằng cổng thường nhưng fan vẫn rất trật tự, không hề có sự xáo trộn tổ chức nào.

Hay quay ngược lại thời gian trước đây, các ELF tổ chức đi làm từ thiện, nấu 1500 suất cơm cho bệnh nhân bệnh viện Chợ Rẫy, tổ chức các hoạt động vì môi trường… Những hình ảnh này đã phần nào nói lên sự cố gắng của fan Việt và có lẽ, nó đáng được ghi nhận hơn là việc chịu sự lên án và đả kích suốt thời gian qua.

“Người lớn chỉ nhìn thấy bọn cháu gào cháu thét

Chẳng nhìn thấy đâu lúc cả lũ khuân đồ mang tới trại mồ côi

Tuổi trẻ có tình yêu cứ nuôi nó có sao

Người ta yêu MU, yêu thời trang yêu du lịch

Bọn cháu yêu, và sẽ chẳng xấu hổ vì tình yêu

Nhiều khi người lớn gọi thế hệ cháu là thế hệ bỏ đi

Vì mất niềm tin vào những hành động bất thường

Nhưng ẩn sâu trong mỗi trái tim người Việt trẻ

Là làn sóng yêu nước âm ỉ chảy êm đềm”

(Trích note đăng tại Facebook Pighero Huyen Minh Nguyen)

Thay lời kết

Nên chăng, xã hội nên có một cái nhìn bao dung, đa chiều và công bằng hơn đối với lớp trẻ? Bởi không phải cứ hâm mộ, khóc lóc vì thần tượng, bỏ ra cả ngày chờ thần tượng thì người khác được quyền phê phán và miệt thị họ là những người bỏ đi, là thế hệ bỏ đi, là thế hệ đáng xấu hổ. Đó cũng chỉ là một vài ngày họ được sống hết mình với đam mê, được cùng những người bạn có chung niềm hâm mộ, có những kỉ niệm đáng nhớ của tuổi trẻ. Rồi sau đó họ lại trở về với công việc thường ngày. Họ sẽ vẫn là người con ngoan, trò tốt, vẫn sẽ góp công, góp sức xây dựng đất nước, xã hội này ngày một tốt đẹp hơn. Và nếu lựa chọn một cuộc sống nhàn nhạt, không có đam mê thì đôi khi một chút ồn áo và xáo động trong cuộc sống sẽ làm cho tuổi trẻ sôi nổi hơn, nhiệt huyết và đáng nhớ hơn chăng?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày