Đằng sau "thứ nhạc ma túy" Idosing đang gây... nghiện cộng đồng mạng

Cao Minh, Theo 00:00 22/08/2010
Chia sẻ

Hàng loạt bạn trẻ Việt Nam đã thử nghe một “liều” Idosing bởi cách giật tít topic tóe lửa trên các diễn đàn: “Idosing – bạn đã nghe chưa?”, “Ma túy Hitech mới – vào đây nghe thử”, … Có topic đã kéo dài đến 12 trang.

Năm 1997, chàng trai 21 tuổi tên Shaahin Cheyene, người lãnh đạo 1 tập đoàn xuyên quốc gia với tổng tài sản trị giá hơn 350 triệu đô la đã sản xuất CD nhạc đầu tiên với mục đích “Chúng tôi có thể làm bạn kích thích bởi một loại nhạc nhất định.” Nhưng sau 3 tháng kể từ khi tung loại nhạc đó ra, phản hồi của thị trường quá thảm hại, dự án thất bại.

13 năm sau, 2010, loại nhạc đó lại trở thành làn sóng điên cuồng mới nhất cộng đồng mạng, kéo theo vô vàn bạn trẻ. Chỉ cần cắm tai nghe, che mắt lại, và họ nhanh chóng thả trôi mình vào thế giới của một loại nhạc được mệnh danh “ma túy ảo - Idosing”.

Ngay ở cả Việt Nam, thời gian gần đây, Idosing cũng đã bắt đầu "được" không ít bạn trẻ nghe thử và bàn tán xôn xao trên mạng. Có nhiều phản hồi, có hưởng ứng cuồng nhiệt, tránh xa vì coi như một loại ma túy thực sự hay thậm chí là tẩy chay.

Thực hư điều đó ra sao?

Nếu Idosing là ma túy, hẳn nó là loại ma túy dễ tìm thấy nhất!

Theo blog của Shaahin Cheyene, loại nhạc đó được phát minh từ ý tưởng lợi dụng ảnh hưởng của sóng não. Bản chất của nó gồm những nhịp nhạc được lặp đi lặp lại, phát ra từ máy đánh nhịp. Theo nhiều nhà nghiên cứu, máy đánh nhịp có thể vượt ra ngoài giới hạn của một công cụ chơi nhạc, có tác dụng gây hại với thần kinh và đã gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, khoa học nghiên cứu về sóng não đã tiếp cận loại máy này, sử dụng những âm thanh phát ra, để từ đó chế tạo những loại sóng não mong muốn.

Những bản nhạc Idosing đang tràn lan trên cộng đồng mạng qua Youtube có những cái tên rất gây chú ý: “Cổng Địa ngục”, hay “Bàn tay của Chúa”. Có những âm thanh như tiếng la hét của bầy cừu, được lặp đi lặp lại, có những âm thanh điện tử khác được tổng hợp một cách tinh vi ở tiết tấu nhanh. Theo các nhà nghiên cứu nước ngoài, âm thanh trong Idosing có tên “nhịp cho cả 2 tai”. Có nghĩa là, khi 2 loại tông nhạc khác nhau cùng được phát ra, ở tần số âm lệch nhau một chút, thì sẽ làm người nghe cảm giác họ đang nghe một loại nhịp nhanh, bởi 2 tai nhận 2 sóng âm thanh khác nhau. Quan trọng nhất, một trong 2 sóng âm đó làm người nghe cảm giác như phát ra từ trong não.

Chính điều này làm một bộ phận người nghe có cảm giác như đang – sử – dụng – chất – gây – nghiện – khi – nghe – nhạc. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt chuyên gia sức khỏe được phỏng vấn về vấn đề này, đằng sau là sự lo lắng, sợ hãi của các bậc phụ huynh và sự phấn kích lẫn hoang mang của các bạn trẻ. Chỉ cần gõ từ Idosing trên Youtube là tiếp cận được với trào lưu mới này. Quá dễ. Liệu Idosing có phải là cửa vào dẫn dắt đến thế giới ma túy thật?

Thực hư chuyện thật – giả của “ma túy ảo” Idosing?

Hàng loạt bạn trẻ đã thử nghe một “liều” bởi cách giật tít topic tóe lửa trên các diễn đàn: “Idosing – bạn đã nghe chưa?”, “Ma túy Hitech mới – vào đây nghe thử”, … Có topic đã kéo dài đến 12 trang. Và sau đây là nhận xét của họ.

Nick Money _ NT93: “Mở nhỏ nghe bình thường à... mở headphone hết cỡ nghe cái tiếng “ong ong” phê thiệt đó... nghe tới phút thứ 8 bắt đầu tự nhiên nó hoa mắt chóng mặt dã man ...
Ashtonvn: “Em thấy hơi "phê phê" các bác ạ, định thử cuốn chăn, đeo phone để nghe nhưng thôi, nghiện thì... toi”.
Blackfield: “Chà....1 cảm giác... Sợ hãi ko phải...xen lẫn chút bồn chồn lo lắng, thi thoảng mạch máu 2 bên thái dương giật giật. Có cái gì đó tiến đến thật gần, rồi lại chạy ra thật xa...cứ thế lặp đi lặp lại... Thi thoảng lại cảm như tụt xuống hố, rồi lại đc từ từ nâng lên... OMG... May quá đang lim dim thì có đưa buzz, ko thì ko biết trôi về miền cực lạc nào nữa rồi “.
Thanh4177: “Cũng muốn thử nhưng sợ nghiện giống ma túy quá
Minh Phú Trần: “Nghe gì mà nhức đầu quá
Tuanminhn: “Cố nghe cho nó phê thử xem sao mà mãi chả thấy gì
MrBot.info: “Vừa test xong. Trùm chăn + tai nghe trùm đầu + max volume + Hand of God + hơn 30p = chả thấy cái vẹo gì
Kopan: “cơ mà sao nghe đi nghe lại cái ma túy gì kia vẫn thấy chả phê là sao ta, nghe như nhạc ma”.

Bằng Forum, youtube, myspace, facebook... Idosing được teen chúng mình “truyền tai” nhau. Có người gật gù thưởng thức. Có người hoài nghi sợ hãi. Có người phủ nhận hoàn toàn. Hàng trăm comment phản hồi bao gồm cả việc chỉ chiêu thức nghe nhạc. Việc bị kích thích hay không tùy thuộc vào tâm lý, sự hiểu biết, và cả thời điểm nghe nhạc. Khoa học tâm lý cho thấy việc nghe loại âm thanh này vào buổi sáng sẽ an toàn hơn 17,8% so với các thời điểm khác trong ngày (Theo diễn đàn thanh niên Scotland).

Hiện nay, trên thế giới chưa có thông báo nào về tác dụng nguy hiểm của Idosing. Chưa có người chết, cũng như chưa có ai bị thương và tổn hại tâm lý gây nguy hiểm đến tính mạng và người khác sau khi nghe Idosing. Tiến sĩ Helane Wahbeh, Đại học Khoa học Oregon (UK) phủ nhận việc Idose có tác dụng gây nghiện hoặc ngây ngất và cho biết: “Chúng tôi đã có một thử nghiệm nhỏ lên não bộ của một nhóm người nghe Idosing. Chưa thấy có một dấu hiệu kích thích nào lên não bộ.” Nhiều chuyên gia khác cho rằng việc bị kích thích có thể là một cảm giác tự phát, tự muốn của người nghe, chứ không đến từ loại âm thanh ấy. 


Thay lời kết

Tuy đến bây giờ, dù chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra, nhưng Idosing đã trở thành một thứ văn hóa mạng mới và bành trướng trên diện rộng. Idosing khiến một bộ phận bạn trẻ tò mò, hoang mang, sợ hãi. Nói gì thì nói, thực hư việc Idosing có thật là một loại kích thích, có là đường dẫn đến ma túy thật cho tuổi teen chúng mình hay không, điều đó cần những động thái nghiên cứu, phân tích thực tế của các nhà khoa học và tâm lý. Việc nghiên cứu kĩ càng tác hại của Idosing là cần thiết và cấp bách.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày