“Thánh quẩy” hàng rong nổi tiếng 36 phố phường
Chắc hẳn những ai theo dõi vòng sơ loại cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt (Vietnam’s Got Talent 2014) tối chủ nhật vừa rồi (ngày 19/10) vẫn còn nhớ cái tên “Thánh quẩy” Nguyễn Mạnh Tuấn với tiết mục nhảy khá vui nhộn. Sau khi chương trình được phát sóng trên VTV3, đoạn clip ngắn đăng tải trên Youtube ghi lại tiết mục “Quẩy” của Tuấn cũng thu hút khá nhiều người xem, đồng thời cũng có nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh tiết mục này.
Một số người cho rằng tiết mục của Mạnh Tuấn khá giống với những tiết mục họ đã từng xem trong các cuộc thi Got Talent khác ở nước ngoài, đó là sự ngây ngô, tự nhiên mặc dù tài năng không đặc biệt. Tuy nhiên, chính sự ngây ngô ấy lại khiến nhiều khán giả thích thú, họ so sánh với nhiều tiết mục từng gây sốt trong các chương trình truyền hình thực tế. Thậm chí nhiều người xem đã tỏ ra khó chịu với giám khảo Thúy Hạnh khi nhận xét và có thái độ được cho là thiếu tích cực đối với tiết mục của Mạnh Tuấn.
Mỗi ngày Tuấn bắt đầu đi làm từ 6 giờ tối
Mặc mọi người nghĩ gì, với Tuấn, quan trọng nhất là mình bỏ mồ hôi công sức để nuôi sống bản thân.
"Từ đường phố lên sân khấu. Đem cuộc sống mưu sinh đến nghệ thuật đó mới là “Tài năng”. Rất may là Mạnh Tuấn bị loại. Nếu không thì năm sau không gặp lại bạn trên chương trình này nữa. Với tôi, Mạnh Tuấn đã thành công ngoài mong đợi. Công việc làm ăn từ nay sẽ phát đạt. Đừng vì có nhiều tiền mà lỡ hẹn năm sau bạn nhé! “Đường dài mới biết Ngựa hay"". Một khán giả nhận xét.
Với sức hút kỳ diệu của chàng trai đường phố này, chúng tôi đã quyết định tìm kiếm và theo chân một ngày làm việc của anh. Được biết, ngày nào Tuấn cũng đi dọc từ Cầu Giấy lên phố cổ làm việc, từ 7 giờ tối chúng tôi đã có mặt trên phố Tạ Hiện để chờ gặp xem Tuấn biểu diễn. Vừa đến đây, chưa kịp hỏi gì đã nghe người ta truyền tai nhau: “Ngồi lại tí nữa mà xem Thánh quẩy”. Vì thế, chúng tôi quyết đi tìm cho ra vị "thánh quẩy" siêu hot này.
Chúng tôi bắt gặp “thánh quẩy” ở Nhà thờ lớn trong chiếc áo sơ mi trắng, quần vải đen, trên vai vác một chiếc loa thùng. Đi cùng anh là một thanh niên khác đeo một chiếc ba lô đen. Tuấn tìm một góc đứng và bắt đầu “quẩy”, thanh niên còn lại cầm hộp kẹo đi mời khách mua. Được một lúc cả hai lại đi ra góc khác, dù biểu diễn rất say, nhưng Tuấn khá chú ý đến thái độ của những người xung quanh, cũng như cố gắng không làm ảnh hưởng đến giao thông trên các tuyến phố đi bộ. Chỉ cần bước đến khu phố cổ đoạn Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Mã Mây, Chợ Gạo là đã nghe thấy nhiều người hô to: “thánh quẩy, thánh quẩy,…”, “Quẩy lên nào, quẩy lên nào…”. Thấy nhiều người hào hứng với sự xuất hiện của Mạnh Tuấn, chúng tôi đoán, có vẻ như đây là “địa bàn” chính của anh.
Tuấn bán kẹo cao su bằng việc vừa hát vừa nhảy "mua vui" cho mọi người.
Tuấn nhảy múa, còn một thanh niên khác tên Huy đi cùng phụ giúp Tuấn bán kẹo.
Quả thực, so với tiết mục biểu diễn trên sân khấu, Mạnh Tuấn diễn “sung” hơn rất nhiều. Anh không hề cảm thấy ngượng ngùng hay xấu hổ, đặc biệt, sự thích thú của mọi người càng khiến cho Tuấn có động lực hơn.
Tìm hiểu rõ thực hư, cái tên “thánh quẩy” đã có từ rất lâu rồi, nhưng theo chia sẻ của Tuấn: “Từ hôm chương trình phát sóng, nhiều người biết đến mình hơn, mình bán hàng cũng chạy hơn, nhưng mình chỉ một được là một người bình thường, “thánh quẩy” trên hè phố hơn là một người “nổi tiếng” trên truyền hình.”.
Nhiều người thích thú với màn diễn đường phố của "Thánh quẩy"
"Quẩy nghĩa là mình làm những gì mình thích" - Tuấn nói.
Nhiều người nước ngoài cũng tò mò ngoái nhìn.
Cuộc sống mưu sinh bên lề đường của “thánh quẩy”
Cứ như vậy, Tuấn biểu diễn hết góc này lại chạy qua góc khác liên tục không thôi khắp phố cổ, mồ hôi nhễ nhại, chân thoăn thoắt nhanh chóng tìm ra một góc phù hợp để diễn suốt 4 tiếng đồng hồ. Mãi 11 giờ đêm, anh chàng này mới dừng chân nghỉ bên một quán nước vỉa hè khi trong túi chỉ còn bốn phong kẹo, lúc đó chúng tôi mới được tiếp xúc trò chuyện với Tuấn và hiểu hơn về cuộc sống mưu sinh nhiều khổ cực của anh.
Nguyễn Mạnh Tuấn năm nay 24 tuổi (sinh năm 1991), quê ở xã Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Gia đình khó khăn, Tuấn phải lên Hà Nội kiếm sống phụ giúp bố mẹ. Cách đây vài năm, Tuấn đi hát thuê cho người ta, mỗi đêm được tầm 200-300 ngàn. Vì yêu ca hát và nhảy đường phố, Tuấn đã quyết định dành dụm số tiền ít ỏi kiếm được để mua chiếc loa thùng đi biểu diễn bán hàng kiếm sống.
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".
Tuấn không bao giờ cảm thấy hổ thẹn với mọi người, trái lại, anh nghĩ nó hoàn toàn cao thượng, tất cả vì miếng cơm manh áo.
Nhanh chóng di chuyển tìm địa điểm khác diễn.
Chỉ được nghỉ ngơi chớp nhoáng bằng việc cầm cả chai nước uống rồi lại diễn tiếp.
Ngày nào cũng đều như vắt chanh, từ khoảng 6 giờ tối Tuấn bắt đầu đi từ phía Cầu Giấy (nơi Tuấn đang ở trọ) về phía phố cổ, vừa đi vừa hát, vừa nhảy, vừa bán kẹo. Tuấn bắt đầu làm công việc này đã được hơn một năm nay, ban đầu là làm một mình kiêm tất cả các việc, sau đó, Tuấn đã rủ một người bạn chơi cùng đi bán cùng kiếm thêm thu nhập. Tháng nào cũng vậy, chỉ trừ những hôm ốm đau hoặc mưa quá to không có người tụ tập uống nước thì Tuấn mới không đi, người dân quanh đây đã quá quen với Tuấn, người ta còn nhớ giờ nào, ở đâu Tuấn xuất hiện nữa.
Khác với nhiều người hát rong khác trên phố, Tuấn không xin tiền ai, anh bỏ mồ hôi, giọng hát và tinh thần của mình để kiếm sống bằng việc bán kẹo cao su. “Người ta mua kẹo cho mình chủ yếu vì trân trọng sức lao động mình bỏ ra và yêu cái tinh thần ca hát của mình, chứ mua vì nhu cầu thì ít lắm.” – Tuấn nói.
Khi chia sẻ về cuộc sống đời tư của mình Tuấn chỉ cười nhẹ nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chỉ có một điều khiến Tuấn cảm thấy vô cùng buồn: “Số phận là của riêng mỗi người, bất hạnh không ai oán trách ai, nhưng mình chỉ buồn vì cảm thấy xung quanh mình không có bạn, bạn gọi là đúng nghĩa thực sự, còn bè thì ai cũng nhiều lắm”.
Gương mặt "Thánh quẩy" đã quen với người dân nơi đây hơn 1 năm nay.
Thân hình mảnh mai gầy gò đã kiếm ăn trong đêm nhiều năm nay.
Vừa nói chuyện, Tuấn vừa xếp xếp tập tiền chủ yếu toàn 10 ngàn đồng ra để đếm. Được biết, tối nay Tuấn kiếm được kha khá, cũng gần được 2 triệu đồng (cả gốc và lãi). Nhiều người xung quanh hỏi, Tuấn trả lời rất thẳng thắn và thành thật, chẳng giấu diếm ai. Có vẻ như với “chiêu quẩy” của Tuấn, nhiều người thích mua của anh hơn những hàng rong khác, nhưng ai cũng mừng, vì đó là mồ hôi, công sức của anh bỏ ra. Chẳng những thế mà vừa thở hổn hển Tuấn vừa cầm chiếc áo sơ mi vắt ra cả đống mồ hôi chảy như cầm cả ca nước dội.
Nói rồi Tuấn lại cũng phải chuẩn bị về nghỉ ngơi cho hồi sức: “Hồi đầu mới làm mệt lắm, nhưng rồi dần cũng quen, nhưng vẫn phải nghỉ ngơi lấy lại sức nhiều. Mình cảm thấy tự hào vì công việc mình đang làm, mình không tài năng, không học giỏi như nhiều người khác, nhưng mình cũng bỏ công sức ra để kiếm sống, không xin tiền ai cả."
“Mình yêu nghệ thuật đường phố… và mình tôn trọng Giám khảo Vietnam’s Got Talent”
“Mình thích hát, mình yêu nghệ thuật đường phố và mình tôn trọng Ban giám khảo cuộc thi Vietnam’s Got Talent. Xem lại clip, mình đã hiểu vì sao nhiều bạn không thích thái độ của giám khảo Thúy Hạnh khi mình diễn trên sân khấu. Một phần, đó là lỗi ở mình, trước khi ra diễn mình chưa giới thiệu cho mọi người mình sắp biểu diễn một tiết mục đường phố mà hằng ngày mình vẫn mưu sinh. Có lẽ chị ấy mong đợi một tiết mục chuyên nghiệp hơn. Mình rất cảm kích khi giám khảo Hoài Linh đồng cảm với mình. Ai cũng có một thế mạnh, ai cũng có một nghề để mưu sinh, những người đồng cảnh ngộ sẽ hiểu nhau hơn.” – Mạnh Tuấn chia sẻ suy nghĩ của mình khi nhắc lại đến cuộc thi.
Nhiều người thích thú quay lại màn trình diễn của "Thánh quẩy"
Tuấn chia sẻ, khi đăng ký tham gia cuộc thi không phải vì muốn nổi tiếng và anh biết khả năng của mình như thế nào. Anh chia sẻ thêm: “Quan trọng là mình được đem niềm vui đến cho mọi người. Mình thích nghệ thuật đường phố, cái mà mình gọi là “quẩy”, chỉ cần mọi người nhìn mình nhảy và thích thú là mình vui rồi, không quan trọng đó là sân khấu lớn hay sân khấu hè phố, tất cả những ai ngồi trên phố kia đang xem mình diễn đều là khán giả, chỉ cần khán giả thích mình sẽ hết lòng”.
Tuấn kể, hồi đầu, nhiều người nghĩ anh bị "bóng" hay "ngáo đá", lúc đó cũng cảm thấy xấu hổ lắm. Nhưng vì miếng cơm manh áo, điều đó có gì đáng để thẹn, khi tiếp xúc nhiều mới Tuấn, mọi người cũng dần hiểu và cảm thông cho anh nhiều.
Theo như lời Tuấn nói, khá nhiều khách Tây thích thú với “trò” này của anh, nhiều khách hàng còn "bo" tiền. “Họ thích bởi nó đơn giản, thoải mái, nó như một môn nghệ thuật đường phố rất gần gũi với họ. “Quẩy” nghĩa là không theo một khuôn khổ điệu nhảy nào như popping, hay khiêu vũ, … chỉ cần mình thích như thế nào thì mình làm như vậy. Chẳng hạn, bạn vui vẻ, bạn uốn éo người, hay bạn nhảy lên hò reo cũng là quẩy. Quan trọng, điều đó làm mình vui, đây chính là nghệ thuật của đường phố” – Tuấn nói.
Ảnh: Doãn Tuấn