Để có được một tách cafe hoàn hảo có lẽ cần rất nhiều yếu tố. Mùi vị đậm đà, mùi thơm hấp dẫn, đặc trưng, màu cafe nâu cánh gián và hình thức đẹp. Có một sự thật là vẻ ngoài càng đẹp, càng bắt mắt bao nhiêu thì sẽ khiến cho tách cà phê ấy trở nên đặc biệt và kích thích được vị giác, lẫn cảm hứng của người uống bấy nhiêu. Đó là cách mà những người sành về cà phê lấy làm "tiêu chuẩn" để đánh giá, mỗi khi họ thưởng thức bất kỳ một tách cà phê nào đó. Tuy nhiên, do nhu cầu và thói quen của người Việt chúng ta chỉ chú trọng vào vị và hương, nên đã vô tình bỏ qua mất một trong những điều cực kỳ thú vị - đó là cách tạo hình và nghệ thuật vẽ trên những tách cà phê.
Một tách Cappuccino với hình trái tim quen thuộc.
Chỉ đến vài năm trở lại đây, do các bạn trẻ bắt đầu cập nhật, có cơ hội tiếp xúc nhiều với cà phê của nước ngoài, cùng tính cách năng động, thích sự sáng tạo, nên dần dần bắt đầu để ý đến hình thức bên ngoài của ly cà phê hơn. Nên mới có thể khiến nghệ thuật tạo hình và vẽ trên tách cà phê có cơ hội phát triển mạnh, đặc biệt là ở TP.HCM.
Cận cảnh quá trình tạo một hình ảnh nghệ thuật cho tách Cappuccino và Latte do anh Barista (tên gọi chung của người chuyên pha chế cà phê) - Trương Thanh Trung tự làm.
Nói về cách tạo hình và nghệ thuật vẽ trên cà phê thì chắc chắn phải nghĩ ngay đến loại cà phê Cappuccino hoặc Latte nóng mà các bạn vẫn thường thấy và hay uống. Hai loại cà phê này có xuất xứ từ nước Ý ở khoảng thế kỷ 17 và bắt đầu du nhập vào Việt Nam độ 8 - 10 năm trở lại đây. Bạn nào từng xem phim, hoặc sách ảnh về loại cà phê này thì chắc chắn đã từng thấy rất nhiều hình vẽ đặc biệt phía trên mặt, phổ biến nhất là hình: trái tim, bông hoa và cành lá. Tuy nhiên ở nước ngoài như Ý, Anh, Đức hay Nhật,... ngoài 3 hình đó ra, những Barista còn có thể vẽ và sáng tạo ra hàng nghìn hình dạng khác nhau trên ly cà phê chỉ bằng vài đường di chuyển của bọt sữa.
Một tách cà phê hoàn hảo là phải thỏa mãn cả về hình dáng lẫn hương vị.
Ở Việt Nam, bộ môn nghệ thuật này chỉ mới bắt đầu phổ biến và được nhiều người yêu thích khoảng 1-2 năm gần đây. Trong đó, anh Trương Thanh Trung (Sn 1983), đang là giảng viên môn Pha chế (Bartender và Barista) tại trường Quản Lý Khách Sạn Việt Úc, TP.HCM - một trong số rất ít người hiểu và có thể tạo được nhiều hình trên tách cà phê ở Sài Gòn. Anh từng đạt được rất nhiều giải thưởng về Barista, vẽ hình cho Cappuccino Việt Nam lẫn quốc tế như: giải Đệ Nhị pha chế cà phê tại Việt Nam 2011, giải Ba Lavazza 2010 invitational, giải Nhì Runner-up dành cho các Barista được một công ty của Singapore tổ chức 2013.
Anh Trung tại một cuộc thi dành cho các Barista. Cũng tại cuộc thi này anh Trung đoạt giải Nhì, chiến thắng hàng chục Barista khác.
Anh Trung chia sẻ: "Khi uống một ly cà phê, người ta phải thưởng thức bằng tất cả các giác quan. Các bạn cứ tưởng tượng, đầu tiên nếu họ đưa cho mình một ly cà phê đẹp, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy tiếc mà không dám uống. Sau đó đợi cho mùi thơm của nó bốc lên lan tỏa, cộng với cảm giác chần chờ, lưỡng lự không dám uống hết một lần, mà phải nhấm nháp từ từ sẽ càng làm cho vị giác của mình bị kích thích và cảm giác uống ngon hơn.
Nhưng hiện nay ở Việt Nam có rất ít những nơi dạy và môi trường để các Barista được tự do sáng tạo. Vì Barista phụ thuộc vào máy móc rất nhiều, trong khi một dàn máy pha cà phê hiện nay có giá từ 80 đến hơn 100 triệu. Thay vào đó, các bạn phải đi xin làm việc ở các quán cà phê, nhà hàng lớn,... thì mới có cơ hội học hỏi, luyện tập".
Quá trình để tạo hình nhánh lá cho một ly Cappuccino bằng bọt sữa
Để tạo một hình trên mặt cà phê đòi hỏi bạn phải có óc sáng tạo. Ở lớp học, các giảng viên cũng chỉ hướng dẫn cho bạn cách di chuyển dòng sữa, cách cầm tách, độ cao thấp, nông, sâu thế nào để tạo được nhiều nét to hoặc nhỏ, dài hay mỏng khác nhau,... Quan trọng là cách canh chuẩn để có thể vừa tạo xong một hình, cũng là lúc vừa đầy tách cà phê, không để chúng bị trào và kị nhất là bị thiếu hụt. "Khi nắm vững được những điều này, bạn hoàn toàn có thể tự lên mạng học hỏi, nghiên cứu, rồi tự sáng tạo cho mình nhiều hình khác nhau" - anh Trung bật mí. Đây cũng là cách mà trước đây anh Trung áp dụng luyện tập. Sau 10 năm học tập và theo nghề để giờ đây, anh Trung có thể đạt được đến trình độ vẽ được bất cứ hình nào miễn là thấy được hình mẫu trước.
Anh Trung còn là người sáng tạo ra cách viết thư pháp tiếng Việt bằng cách đổ sữa bằng tay trên Latte hoặc Cappuccino (thay vì bình thường có thể dùng que, ống hút hỗ trợ tạo chữ) và còn vẽ được chân dung người,...
Bình thường Barista có thể dùng que hoặc ống để vẽ chữ.
Trước đây anh từng gặp không ít lần sai phạm trong quá trình tập dợt. Ví dụ như tay rung làm đường nét bức ảnh không được đẹp, canh sữa chưa chuẩn khiến lúc tạo hình xong thì ly cà phê khi đầy khi thiếu,... Lúc chưa có tiệm cà phê của riêng mình, anh Trung cũng phải đi làm thêm ở các quán, nhà hàng để tự vẽ. "Những lúc này mình chỉ cầu mong sao khách gọi thật nhiều Cappuccino hay Latte để mình có cơ hội trổ tài. Có hôm mình muốn vẽ lắm nhưng chỉ có vài khách gọi cà phê nóng nên cũng chẳng thực hành gì nhiều."
Anh Trung mất rất nhiều thời gian để tập luyện thành thạo cách vẽ thư pháp trên tách Cappuccino.
Giờ đây cà phê không đơn giản chỉ là để uống mà giờ còn là để thưởng thức, thỏa mãn cả về mắt lẫn vị.
Những hình ảnh trên ly Cappuccino và Latte do anh Trung tự làm
Anh Trung chia sẻ: "Cappuccino hay Latte đang được rất nhiều các bạn trẻ yêu thích. Nhưng hiện nay các Barista, hoặc những người có thể tạo hình cho hai loại cà phê này là rất ít, cộng thêm vì nhu cầu kinh doanh số lượng đông, không có nhiều thời gian nên các tiệm cà phê không thể hoặc không muốn vẽ.
Chính vì vậy mà các bạn trẻ mặc dù biết đến hai loại cà phê này, nhưng lại không biết nhiều về nghệ thuật vẽ trên ly cà phê, cũng như cái thú vị của nghề Barista tưởng chừng rất nhàm chán".