Ngày hôm qua, ĐH Y Hà Nội đã chính thức công bố điểm chuẩn vào trường năm nay. Theo đó, ngành bác sĩ Đa khoa sẽ lấy 28 điểm. Thông tin này khiến cho nhiều thí sinh, phụ huynh cũng như cộng đồng mạng vô cùng bất ngờ, tiếc nuối, bên cạnh đó cũng nổ ra nhiều cuộc tranh cãi, các ý kiến trái chiều.
Theo giải thích của lãnh đạo ĐH Y Hà Nội, năm nay trường lấy 550 chỉ tiêu cho ngành bác sĩ Đa Khoa, tuy nhiên số lượng thí sinh được tuyển thẳng đã là 96 em, vì vậy chỉ còn 456 chỉ tiêu cho ngành này. Do điểm thi năm nay của các thí sinh cao đột biến, có 407 em đạt 28 điểm trở lên, 112 em đạt 27,5 điểm, do đó chiếu theo lượng chỉ tiêu còn lại, trường sẽ phải lấy điểm chuẩn là 28.
ĐH Y Hà Nội - ngôi trường hàng năm lấy điểm chuẩn khối B cao nhất cả nước
"Tiếc cho nhiều nhân tài khi điểm cao mà không đỗ ĐH"Đó là ý kiến của rất nhiều học sinh, thí sinh, phụ huynh cũng như nhiều sinh viên và cộng đồng mạng. Quả thật, để làm được bài thi với tổng điểm là 27 trở lên thì cũng không phải nghi ngờ gì về năng lực của các em nữa, vì vậy, nhiều người cho rằng
"Nếu để các em trượt Đại Học thì quả là đáng tiếc khi không công bằng đối với các em, khi mà có trường 13 điểm đã đỗ, có trường 27 điểm vẫn trượt".Độc giả Nguyễn Hải nhận xét: "
27 điểm, 9 điểm một môn rồi mà vẫn trượt thì đúng là quá đáng tiếc, quá khắc nghiệt. Công sức học 12 năm của các em đã không được đền đáp xứng đáng. Tôi nghĩ nên tạo điều kiện cho các em, lấy thêm thí sinh, cho các em một cơ hội. Tin rằng những thí sinh này khi vào trường cũng sẽ học tập thật tốt"."27, 27,5 điểm vẫn trượt ĐH là một điều đáng tiếc cho nỗ lực của nhiều thí sinh" (Ảnh minh họa)
Bạn Chí Cường comment: "
Qua nhiều kênh thông tin, mình nhận thấy đề thi năm nay quả thật dễ hơn năm ngoái, nhưng để đạt 27 điểm/3môn thì những em học sinh này phải thật sự xuất sắc, đồng thời phải có thái độ ôn tập cực kì nghiêm túc, làm bài cẩn thận trong suốt quá trình làm bài. Vì vậy nên chăng nhà trường tìm ra giải pháp tình thế nào đó để "cứu" các em? Hoặc cũng có thể yêu cầu các em này phải đảm bảo đầu ra với điểm số bao nhiêu đó chẳng hạn,... Mong là mỗi bên sẽ tìm cho mình những biện pháp thích hợp để giữ được những thí sinh tài năng".Đôc giả Lan Hương nói: "
Tôi là một giáo viên cấp 3. Nói thật, khi biết điểm chuẩn ĐH Y Hà Nội năm nay, tôi cũng khóc cho các em ấy khi thi 8, 9 điểm một môn mà trựơt đại học. Thiết nghĩ không nên bỏ phí nhân tài, có thể mở thêm chỉ tiêu trong và ngoài ngân sách cho các em học trong khi bác sĩ còn thiếu nhiều so với phát triển dân số".Chính vì có quá nhiều ý kiến như trên, ngày hôm qua, Trường ĐH Y Hà Nội đã có giải pháp đề xuất xin Bộ GD-ĐT cho trường thêm 150 chỉ tiêu đào tạo hệ ngoài ngân sách dành cho thí sinh từ 26 đến 27,5 điểm. Về giải pháp này, nhà trường đã gửi công văn tới Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế. Lãnh đạo Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: "
Hiện, Bộ Y tế rất đồng thuận với phương án mà Trường ĐH Y Hà Nội đưa ra vì hiện nay nguồn nhân lực ngành Y còn đang rất thiếu và không nên bỏ lỡ cơ hội cho những thí sinh giỏi này vào ngành Y. Trường đang chờ ý kiến từ phía Bộ GD-ĐT về phương án này".
"27 điểm chỉ là cái vỏ bên ngoài?"Bên cạnh những ý kiến trên, cũng có khá nhiều cư dân mạng cho rằng không nên nhìn vào cái vỏ 27 điểm để phán xét mà cần nhìn sự việc bao quát, đa chiều hơn. Độc giả Anh Khang thẳng thắn: "
Thành thật mà nói, các thí sinh, phụ huynh hay bất cứ ai đi chăng nữa cũng không nên chỉ nhìn vào điểm số mà ngộ nhận là giỏi hay nuối tiếc này nọ. 27 điểm đúng là một số điểm cao, tuy nhiên nếu đặt vào đề thi năm nay, liệu như vậy đã là quá xuất chúng? Có chắc 27 điểm năm nay giỏi hơn 25 điểm năm ngoái không? Nếu lấy thêm chỉ tiêu vào thì học thế nào? Liệu có bất công với những em suýt soát điểm đỗ năm ngoái?"
Bạn P.Anh thì khẳng định: "
Đây không chỉ là kỳ thi mà còn là một cuộc chơi, cuộc đối đầu cân não. Một khi đã chấp nhận bước vào cuộc chơi thì phải tôn trọng luật chơi thôi. Các em chọn ĐH Y Hà Nội tức là các em đã chấp nhận mạo hiểm, nếu như các em không có phương án thay thế hay phòng ngừa nào đó thì trước hết, các em đã không còn là nhân tài nữa bởi các em không biết tạo cho mình đường lùi".Trở thành sinh viên Y Khoa là ước muốn của nhiều bạn
Một bạn là sinh viên Y khoa cũng cho biết: "
Học y đâu phải chỉ học lí thuyết, bản thân mình cũng là sinh viên Y, nói thật đi học quá đông không có hiệu quả. Chẳng lẽ 1 tổ sinh viên 35 bạn, đi học lâm sàng 2 tổ, lúc giảng lâm sàng lại 70 em quây quanh 1 giường bệnh? Hơn nữa, chỉ tiêu đã công bố từ đầu, mình tham gia nghĩa là đã chấp nhận nó.
27,5 điểm của mình đã giỏi, nhưng hãy nhìn lên những bạn khác 28 điểm,
nghĩa là họ giỏi hơn mình, đấy là một thực tế.""Nếu lấy ngoài ngân sách, thử hỏi với 6 năm học, gia đình các em liệu có theo được? Nếu được trở thành sinh viên Y khoa mà để lại gánh nặng tài chính cho gia đình, bố mẹ như vậy, liệu các em có đành lòng không? Chưa kể còn hàng trăm khoản phát sinh khác. Thiết nghĩ nếu các em đã có ý chí như vậy, hoặc là học trường khác, hoặc năm sau thi lại, khẳng định lại mình một lần nữa cũng không phải là quá muộn. - Facebooker Chi Mi comment.
Tạm kếtĐến hiện tại, vẫn chưa có một quyết định cụ thể nào được ban ra. Tất cả vẫn đang nóng lòng chờ xem liệu Bộ GD-ĐT có chấp nhận với giải pháp của ĐH Y Hà Nội với việc tuyển thêm sinh viên hệ ngoài ngân sách hay không. Tuy nhiên, nếu giải pháp được thông qua, liệu có ai dám chắc đây đã là kết thúc có hậu đối với nhiều sinh viên 27, 27,5 điểm? Còn nếu điểm chuẩn vẫn là 28, với những thí sinh nghị lực đã đạt 27, 27,5 điểm, các bạn vẫn có thể theo đuổi đam mê của mình bằng cách ôn thi lại hay nộp NV2 vào một trường đào tạo Y khoa nào đó. Xin trích lời một độc giả để thay cho lời kết: "
Thành công đến muộn cũng vẫn là thành công. Tin rằng các bạn ấy sẽ đủ tỉnh táo để tự tìm cho mình một con đường khác. Đôi khi không cần ai "cứu", mà đơn giản, chỉ có các bạn ấy mới tự "cứu" được chính mình."