Mỗi đất nước, thậm chí mỗi vùng miền của cùng một nước vẫn có những phong tục, tập quán khác biệt nhau. Một hành vi được coi là lịch sự chỗ này cũng có thể coi là bất lịch sự chỗ khác. Tuy vậy với một số người chuyển đến sống tại một vùng đất mới hẳn sẽ không tránh khỏi hiện tượng “sốc văn hóa”, tức là những điều mắt thấy tai nghe sẽ khiến họ ngạc nhiên, bất ngờ vì quá khác biệt và thậm chí là không thể hiểu được.
Trường hợp thầy giáo Daniel Hauer trong clip dưới đây là một ví dụ. Thầy giáo Tây giới thiệu mình đã đến sinh sống ở Việt Nam được hai năm rưỡi và hiện đang là thầy giáo dạy tiếng Anh ở một trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội. Daniel đã thích nghi với những vấn đề ở Việt Nam như học tiếng Việt, chơi đá cầu, lái xe giữa đường xá tấp nập… nhưng vẫn có 5 điều trong cách hành xử của người Việt mà anh không thể hiểu được.
Trong clip tự quay vui nhộn của mình, Daniel đã chia sẻ về "5 cái mình không hiểu nổi mặc dù mình đã rất cố gắng", bao gồm các luật lệ như "Mời cả nhà ăn cơm", "Lo an toàn không đúng lúc, đúng chỗ. ", "Nhai vô duyên, dùng tăm tế nhị", "Album ảnh kiểu Tây" và "Tội phạm thời trang" với phần diễn giải vô cùng hài hước.
Clip được đầu tư phần minh họa rất sống động.
Đoạn clip của Daniel nhận được sự quan tâm, chú ý của cư dân mạng với gần 150.000 lượt xem trên Youtube cùng hàng trăm bình luận khác nhau. Một điều khá dễ thương là đa số ý kiến đều mang tính góp ý, xây dựng và cố gắng giải thích những thắc mắc của Daniel bằng việc nhấn mạnh sự khác biệt văn hóa Đông Tây, sự đa dạng và phong phú của tiếng Việt.
Bạn Nguyễn Tiến Hùng góp ý về điều thứ nhất Mời cả nhà ăn cơm như sau: “Ý nghĩa của việc mời người lớn ăn cơm tức là muốn mời người lớn ăn trước khi mình được ăn anh ạ. Ở Việt Nam mà để bố mẹ phải mời ăn thì sẽ bị coi là vô lễ vì đã không làm gì rồi mà còn không biết tự giác mời ăn. Lưu ý trước khi ăn nhớ sắp mâm bát đũa và mời”.
Cũng còn nhiều ý kiến cho rằng, vài điều thầy giáo Tây này đưa ra thuộc về thói quen của cá nhân chứ không phải văn hóa. Như việc nhai phát ra tiếng ở bất cứ đâu cũng bị coi là bất lịch sự chứ không phải văn hóa. Việc đi tất thuộc về sở thích của mỗi người, không phải cả đám đông đều theo như thế. Việc chụp ảnh cưới chỉ tồn tại ở một số trường hợp, những người chụp ảnh lựa chọn đại frame ảnh từ internet mà không hề để ý đến ý nghĩa.
Bạn Trần Thị Thu Hiền thì ý kiến: “Mình nghĩ bạn vẫn là một người ngoại quốc, Văn hóa khác là một rào cản, chưa kể không phải bạn cố gắng học mọi thứ thì bạn có thể hiểu được mọi thứ. Thực sự mình muốn gặp bạn ngoài đời để giải thích cho bạn hiểu những điều trên. Nhưng mà nói chung mình thấy video này cũng thú vị, nhưng nó hơi ngây thơ với một người Việt Nam hiểu người Việt Nam như mình. Vì nó rất ngây ngô nên nó rất dễ thương. Cám ơn bạn”.
Hiện đoạn clip của thầy giáo Tây vẫn đang thu hút sự chú ý của của dư luận. Vậy còn bạn, bạn có muốn góp ý với thầy giáo Tây này không?