"Bố mẹ đã yêu con như thế" - Bài thơ xúc động của Đỗ Nhật Nam sau khi đọc thư bố

Jamie, Theo Trí Thức Trẻ 15:51 18/12/2014
Chia sẻ

Cậu bé đa tài Đỗ Nhật Nam không chỉ giỏi tiếng Anh, hùng biện, giỏi viết sách, mà còn làm thơ rất hay. Tình cảm của gia đình Đỗ Nhật Nam đã khiến nhiều người rất xúc động.

Mới đây, bố của Đỗ Nhật Nam đã đăng tải một status dài và xúc động về quá trình nuôi dạy, tình cảm dành cho con từ khi còn chưa ra đời cho đến hiện tại. Những dòng tâm sự như rút hết ruột gan của người bố, kể về tháng ngày Nhật Nam đang trong bụng mẹ, mẹ đã nghén thế nào, bố đã mua những cuốn sách dạy làm cha, chuẩn bị cho sự chào đời của con. Đó là những tháng ngày con lững chững tập đi, ngày con đi học tiểu học, ngày con chuẩn bị xa nhà đi du học, nỗi nhớ của bố mẹ, tình yêu thương vô bờ bến dành cho Nhật Nam,... Tất cả dần hiện ra trước mắt người đọc như một cuốn phim quay chậm, trong đó chứa biết bao tình yêu, tình thân, tình ruột thịt đầy thương yêu và xúc động.

"Bố mẹ đã yêu con như thế" - Bài thơ xúc động của Đỗ Nhật Nam sau khi đọc thư bố 1

"Khi con chia tay bố mẹ để đi học xa nhà, mẹ đã yêu con bằng cách mua sắm cho con tất cả những thứ mà mẹ thấy con cần. Thậm chí nếu có thể gói ghém được cả Hà Nội vào trong hành lý của con, mẹ cũng làm. Mẹ thức đêm ghi chép những lời dặn dò vào một quyển sổ và để vào va ly cho con. Mẹ hỏi kinh nghiệm những bà mẹ cũng có con đi học xa. Và ngày con đi, nước mắt mẹ không lúc nào ngừng rơi. Mẹ cứ lẩn mẩn, đi ra đi vào, nước mắt dài như nỗi buồn. Mẹ ôm con, thơm lên từng mi li mét da thịt con, không dời, không dứt...

Còn bố! Bố yêu con theo cách, bố soạn đồ cho con từng thứ một. Bố hình dung xem con sẽ cần những gì. Bố để đồ thế nào cho con dễ lấy, dễ dùng. Bố gói ghém từng viên thuốc, ghi lời hướng dẫn cách dùng phòng khi con trái gió trở trời. Xong bố ngồi trầm ngâm, lặng phắc. Lúc đưa con ra sân bay, bố nắm chặt tay con. Bố lắc vai con. Bố tựa mình vào con. Bố ghì xiết con vào lòng tin tưởng và thì thầm: Cố lên, chàng trai của bố! Bố chợt nghẹn ngào nhớ đến mấy câu thơ: Không tiễn con ra phi trường/ Ba chỉ ngồi lặng yên quay mặt/ Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng… Bố đã yêu con như thế!" - Trích một đoạn ngắn trong bài viết tâm sự của bố Đỗ Nhật Nam.

Ngay sau khi đọc được những dòng tâm sự xúc động của bố, Nhật Nam đã làm một bài thơ có tên "Bố mẹ đã yêu con như thế" để nói về cảm xúc của mình. Đó là những dòng thơ tuy giản đơn nhưng lại rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo và chứa đựng nhiều tình cảm yêu thương. Cậu bé đa tài Đỗ Nhật Nam không chỉ giỏi tiếng Anh, hùng biện, giỏi viết sách, mà còn làm thơ rất hay. Tình cảm của gia đình Đỗ Nhật Nam đã khiến nhiều người rất xúc động.

Nguyên văn bài thơ của Nhật Nam:

Bố mẹ đã yêu con như thế! 

Hồi con nhỏ xíu xiu
Bố thường ôm rồi hỏi
Nam ơi, Nam cứng cỏi
Nói xem yêu ai nào

Rồi bố mẹ “mời chào” 
Bố đây này, yêu bố
Chẳng cần con phải cố
Nói yêu mẹ làm gì

Mẹ lập tức so bì
Yêu mẹ đương nhiên nhé
Nam của mẹ tuy bé
Mà hiểu hết mọi điều

Con không biết phải chiều
Bên mẹ hay bên bố
Thành ra không dám cố
Nói yêu ai, hì hì

Con sẽ ôm tức thì
Cả mẹ luôn với bố
Nhà mình đi chơi phố
Quên hết chuyện “tranh giành”

Con dần lớn trưởng thành
Vẫn chuyện vui xưa cũ
Không có hồi ngã ngũ
Yêu ai nào? Ai hơn?

Bố ơi, nào con thơm 
Con thì thầm, thỏ thẻ
Con đỡ đần chia sẻ
Dọc con đường tương lai

Mẹ ơi suốt dặm dài
Con không dời bên mẹ
Nghe lời ru se sẽ
Mẹ vỗ về chở che

Nắng mới lọt qua khe
Mở ngàn tia mắt lá
Nhìn trời xanh yêu quá
Lòng bỗng vui nhiệm màu

Con thành như cây cầu
Bắc nhịp thương nhịp nhớ
Của tình yêu “bên nớ”
Lại gửi về “bên ni”

Nhịp thời gian trôi đi
Con đếm đo từng khắc
Thấm tình yêu vững chắc
“Hai đầu cầu” cho con

Bố mẹ lòng tựa son
Yêu, lo nhiều “như thế”
Còn con thì “không thế”
Mà …“hơn thế”… vạn lần!

Tâm sự của bố Đỗ Nhật Nam - PGS.TS Đỗ Xuân Thảo

Khi con còn nằm trong bụng mẹ, mẹ yêu con bằng cách cố ăn thật nhiều, thật nhiều. Từ một người khảnh ăn, mỗi bữa chỉ vài thìa cơm, mẹ đã “liều mình” ăn tất cả những thứ gì mẹ cho là sẽ tốt cho con. Mẹ tìm ăn cá chép vì nghe nói cá chép sẽ làm cho con khỏe mạnh, thông minh. Mẹ ăn trứng gà, trứng ngỗng và cả những loại trứng gì to hệt như trứng khủng long. Mẹ ăn gà tần, gà luộc, gà hấp… tất cả những loại gà mà khi chế biến có thể kèm thêm thuốc bắc. Mở nồi ra, không thấy gà đâu, chỉ thấy nồng nặc mùi thuốc. Bố mua cho mẹ cơ man nào là sữa. Mẹ uống ào ào, các loại sữa bà bầu từ dễ uống đến khó uống. Rồi mẹ nghiên cứu công thức sữa. Mẹ quay cuồng cả ngày trong vũ điệu của “loại nhạc” khó nhằn có tên là Ăn uống mà mẹ chưa từng thích. Tất cả với hy vọng con ra đời sẽ khỏe mạnh, sẽ dễ nuôi. Thời gian đầu, mẹ bị nghén, vừa ăn xong đã chạy vào nhà vệ sinh nôn ong óc. Xong xuôi, khi nước mắt vẫn còn đầm đìa do những cơn đau quặn ruột đến tím người, mẹ lại ngồi xuống ăn lại từ đầu... Tất cả những nỗ lực đến mức phi thường ấy, đều chỉ là hướng về con.

Còn bố! Khi ấy, bố yêu con bằng cách tìm đọc các loại sách có liên quan đến thai giáo. Lặng lẽ, bố ở bên để vỗ về mẹ con trong mỗi cơn nôn thốc tháo ruột gan. Bố đi cùng mẹ trong các đợt khám thai nhi tại bệnh viện. Tìm một góc khuất ngồi lặng lẽ, bố ứa nước mắt mỗi khi nghe bác sỹ nói mẹ luôn ở tình trạng thiếu máu. Nhưng khi gặp mẹ, bố lại hồ hởi, lại vỗ tay, lại náo nức: Con lớn thêm rồi! Sắp được gặp con rồi. Sau đó, bố sẽ đưa mẹ đi ăn, đi công viên, đi dạo cho đến khi thấy mẹ vui trở lại. Mỗi lần đưa hai mẹ con đến bệnh viện là một lần bố căng thẳng: Không biết, hôm nay phải làm thế nào để mẹ thấy vui. Mẹ vui cũng có nghĩa là con vui. 

Rồi bố tìm mua những sách dạy cách làm cha, cách chăm sóc con từ khi con còn trong bụng mẹ. Rồi bố âm thầm sắm thêm những thứ đồ bé xinh cho căn nhà của mình: chiếc nôi, xe đẩy, cái địu con… Bố cứ làm trong lặng lẽ với niềm vui dâng lên ngập lòng. Bố đặt tất cả ước vọng của mình, khao khát của mình, yêu thương của mình vào con, khi ấy còn đang nằm như một mầm cây trong bụng mẹ. Mỗi chiều đi dạy về, bố đi tàu điện thêm hơn hai trăm cây số đến chợ Triều Tiên mua ít thức ăn Việt Nam cho mẹ dứt cơn thèm đồ ăn Việt. Lúc ấy bố cũng mong muốn, con sẽ được làm quen với vị Việt Nam từ khi còn nằm trong lòng mẹ. Bố về đến nhà thì thành phố đã lên đèn. Tàu băng qua vùn vụt những hàng cây tối thẫm, những ngôi nhà thưa vắng, những công viên mênh mông cỏ hoa ngờm ngợp góc trời. Bố nhìn ra ngoài như vô định nhưng thực ra, bố đang thầm thì trò chuyện với con. Này nhé, con bé bỏng, hôm nay bố mua được giò đấy. Ai chà, món này ngon lắm đó. Ngày bé, nó là nỗi khát thèm vô biên của bố. Ông nội con mà gói giò là siêu luôn bởi ông làm gì cũng khéo. Vậy mà có năm, khi ông mua được thịt về để làm giò thì đã gần đến giao thừa. Ông cuống cuồng cho vào cối giã. Oái oăm thay, một mảng đất bên rìa cối lở ra và rơi đúng ngay xuống cối. Đất lẫn trong thịt nháo nhào. Không thể nhặt được và cũng không tìm đâu ra thịt để làm cái giò khác, ông đành gói mẻ thịt lẫn đất. Sáng mùng một năm ấy, ăn miếng giò lẫn đất chàn chạt nhưng cả nhà vẫn nắc nỏm: Ngon quá bố ơi! Ông nội con biết, ông quay đi lén lau những giọt nước mắt đang trào ra mặn đắng. Giờ! Mỗi lần nhìn thấy miếng giò, tim bố như thắt lại… Đấy! Bố cứ lan man trò chuyện với con như thế cho hết quãng đường dài dằng dặc khi bóng tối lan buông chầm chậm. Bố đã yêu con như thế…

Khi con đến tuổi tập đi, mẹ yêu con bằng cách dõi theo mỗi bước con chập chững. Mẹ để mắt đến con trong từng khắc, từng khắc thời gian của mẹ. Mẹ làm bếp nhưng không nhìn vào bếp mà luôn ngóng chừng xem con đang lẫm chẫm chỗ nào. Mẹ mơ ngủ vẫn còn gọi: Nam ơi, cẩn thận nào!

Còn bố! Bố yêu con bằng cách luôn nao nức động viên mỗi lần con bước đi. Bố ngồi ở một đầu, thả tay cho con đi về phía trước rồi lại gọi để con chạy lại lăn ùa vào lòng bố. Bố còn hát nữa chứ. Tất cả những hành khúc rộn rã đều được bố đem ra sử dụng để khích lệ con. Con có ngã nhào bố vẫn cứ “mặc kệ” để con tự đứng lên, vẫn tiếp tục: Giải phóng Miền Nam, chúng ta cùng bước bước bước…. Chẳng ai biết lời hát của bố vừa bị chênh một nhịp khi con ngã. Chắc cũng không ai biết, mỗi lần con ngã, tim bố lại chao nghiêng, chòng chành tưởng như mình vừa ngã theo con. Ấy vậy mà bố vẫn cười vang nhà: Nào, giỏi quá, chàng trai, đứng dậy đi tiếp nào! Con cười toe toét, đứng dậy, như một “người anh hùng” thứ thiệt. Mỗi chiều đi dạy về, bố đưa con ra công viên trước nhà. Bố dạy con vịn vào hàng lan can bên cạnh đống cát để tập đi. Bố dạy con phân biệt các loài hoa có trong công viên bằng cách chạm vào, bằng cách ngửi. Bố dạy con chơi lộn nhào trên cát cho đến khi trở về thì cả hai bố con lấm lem đầy cát. Bố đã yêu con như thế.

Khi con chuẩn bị đi học tiểu học, mẹ đã yêu con theo cách, mỗi buổi trưa dù trời nắng gắt chói chang, mẹ vẫn băm bổ vào các trường tiểu học mà mẹ nghe nói là tốt để xem xét. Mẹ vào khu nhà vệ sinh, mẹ vào nhà bếp, mẹ xem phòng ngủ. Tất cả những gì liên quan đến những hoạt động của con ở trường học. Đến lúc con đi học, mỗi buổi sáng, mẹ dậy cùng con ăn sáng, mẹ đưa con ra xe và ngóng chờ con khi trở về nhà vào buổi chiều. Mẹ đặt trong cặp của con cái bánh ngọt phòng khi con chạy chơi nhiều bị đói. Mẹ để chiếc khăn vải màn để con thấm mồ hôi. Mẹ để lọ dầu gió, mẹ dặn con mang theo khăn quàng… tỉ mỉ, chu đáo. Mẹ nhắc con làm đủ bài tập. Mẹ xem vở tập viết. Mẹ mua thêm bút mỗi khi con mải chơi để quên bút ở lớp. Mẹ hỏi về bạn bè, mẹ nhớ tên tất cả bạn bè trong lớp của con. Biết cả về các bà mẹ thậm chí là cả các ông bố của bạn bè con. Mẹ có cả “hiệp hội” các bà mẹ chuyên gặp nhau chỉ để nói về cách dạy con.

Còn bố! Bố yêu con bằng cách lặng lẽ cùng con mỗi khi con mỏi mệt. Bố cùng con vẽ nhăng cuội “xuyên tạc” những hình vẽ trong sách. Bố cười xòa mỗi khi con mắc lỗi. Bố thường nhìn những vết xước do chạy ngã của con bằng một vẻ “bàng quan” nhất có thể, như kiểu, “người anh hùng” kể gì đến chuyện bé con. Nhưng đêm về bố lén dậy, thơm vào chỗ đau của con, lấy dầu ra xoa bóp. Sáng ra tỉnh dậy con hít hít vào chỗ đó và hỏi bố: Sao qua một đêm, chỗ đau của con có mùi gì lạ quá bố à! Bố gạ con chơi mỗi khi đi học về, bỏ bài vở qua một bên, con cùng bố đá bóng chạy ầm ầm quanh nhà. Chỉ là những quả bóng bằng giấy vo viên lại mà hai bố con cũng tạo ra những trận cầu “máu lửa” vô cùng. Bố nhăn mặt khi con học quá 9 giờ. Bố đi ra đi vào sốt ruột khi thấy con cứ phải cặm cụi với việc viết hết dòng này dòng khác một từ nào đó. Bố không hỏi điểm số, bố chỉ hỏi: Hôm nay, con học có vui không, con học được điều gì mới, con có thích thay đổi điều gì trong những bài con học… Bố cùng con ê a ngồi đọc những đoạn văn trong sách đến thuộc lòng. Học xong, cao hứng, bố còn dạy con học thêm cả những bài trong sách giáo khoa thời bố. Thành ra con thuộc tất cả những đoạn thơ, đoạn văn gắn liền với tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ của bố. Những: Học đi em/ Học đi mà nhớ mãi/ Quê hương ta một dải/ Từ mũi Cà Mau/ Đến địa đầu Móng Cái… đến : Em yêu mùa hè/ Có hoa sim tím/ Mọc trên đồi cao.. Những bài thơ nhẹ nhàng, giản đơn mà ngọt ngào quá đỗi, để bố cùng con mỗi lần đọc là có trong tay một “tấm vé” trở về với tuổi thơ êm đềm tưởng đã lùi xa lăng lắc. Không chỉ có thế, bố còn dạy con những đoạn thơ ngày xưa bố phải học thuộc lòng trong những bài Khoa học thường thức: Con ruồi đậu ở chuồng phân – Ruồi bay đến đậu thức ăn vật dùng – Mang theo hàng đống vi trùng - Ăn vào ỉa chảy vô cùng nguy nan – Thức ăn phải đậy lồng bàn”. Dưới bài “học thuộc lòng” này là một dòng : “Ghi nhớ: Cần phải diệt ruồi”. Con thường cười như nắc nẻ: Khiếp thơ gì mà nghe “trần tục” vậy bố. Nhưng xong rồi lại thấy mọi thứ xung quanh trong trẻo, giản đơn và đáng yêu quá đỗi. Và hai bố con mình cùng “sáng tác” những đoạn thơ “trần tục” như thế: Bạn Nam nhớ nhé đừng quên/ Chơi xong nhớ rửa bàn tay sạch liền/ Không nên vào bếp ăn luôn/ Bụng bạn thành tổ trứng giun to tường ( mở ngoặc là “to tướng”). Cười ha hả, cười ầm ầm, cười lăn lộn… đủ các kiểu cười mà hai bố con có thể trình diễn sau khi ứng tác những “bài thơ” như thế. Quên hết những bài văn mẫu khô cứng, áp đặt, những luyện chép, luyện viết dài dằng dặc, bố đã yêu con như thế.

Khi con chia tay bố mẹ để đi học xa nhà, mẹ đã yêu con bằng cách mua sắm cho con tất cả những thứ mà mẹ thấy con cần. Thậm chí nếu có thể gói ghém được cả Hà Nội vào trong hành lý của con, mẹ cũng làm. Mẹ thức đêm ghi chép những lời dặn dò vào một quyển sổ và để vào va ly cho con. Mẹ hỏi kinh nghiệm những bà mẹ cũng có con đi học xa. Và ngày con đi, nước mắt mẹ không lúc nào ngừng rơi. Mẹ cứ lẩn mẩn, đi ra đi vào, nước mắt dài như nỗi buồn. Mẹ ôm con, thơm lên từng mi li mét da thịt con, không dời, không dứt...

Còn bố! Bố yêu con theo cách, bố soạn đồ cho con từng thứ một. Bố hình dung xem con sẽ cần những gì. Bố để đồ thế nào cho con dễ lấy, dễ dùng. Bố gói ghém từng viên thuốc, ghi lời hướng dẫn cách dùng phòng khi con trái gió trở trời. Xong bố ngồi trầm ngâm, lặng phắc. Lúc đưa con ra sân bay, bố nắm chặt tay con. Bố lắc vai con. Bố tựa mình vào con. Bố ghì xiết con vào lòng tin tưởng và thì thầm: Cố lên, chàng trai của bố! Bố chợt nghẹn ngào nhớ đến mấy câu thơ: Không tiễn con ra phi trường/ Ba chỉ ngồi lặng yên quay mặt/ Nghẹn lời thương đỏ mắt chuyện tương phùng… Bố đã yêu con như thế!

Ngày cả nhà mình gặp nhau bên Ấn Độ, mẹ yêu con theo cách ôm lấy con từng đêm rủ rỉ hết chuyện này sang chuyện khác. Mẹ hỏi con về quãng thời gian cách xa con thế nào, con buồn vui ra sao. Mẹ chong mắt hàng đêm, chỉ sợ khi tỉnh dậy con đã lại xa xôi ngàn dặm…

Còn bố! Khi ấy, bố đã yêu con theo cách nhìn con như một chàng trai trưởng thành. Sợ khoảnh khắc con xa bố mẹ lại khó khăn, bố cố gắng giữ cho con tim mình khỏi xốn xang, loạn nhịp. Bố “mặc kệ” hai mẹ con chơi đùa. Bố ngồi xa xa nhìn ngắm con, thấy phập phồng trong yêu tin, thấy chập chùng nhớ thương giăng mắc. Bố cũng muốn ùa vào tíu tít với hai mẹ con nhưng bố lại lo con sẽ hụt hẫng vô cùng khi xa bố mẹ. Vậy nên bố đành giữ khoảng cách vừa đủ để cho con thấy tin cậy, vừa đủ để cho con thấy yêu thương nhưng cũng vừa đủ để chuẩn bị cho con tâm thế khi chia tay bố mẹ trở lại nơi con đang học. Hôm từ thành phố Agra ra sân bay, mẹ khóc suốt quãng đường mấy trăm cây số, con thì ngủ vùi trong lòng mẹ. Con vừa tỉnh dậy, bố bắt đầu trêu chọc con, trêu chọc mẹ để cả hai mẹ con cùng cười dù trong lòng bố như có hàng trăm ngàn nhát cắt. Con đáp lại bố bằng nụ cười hồn nhiên, bằng những cái “đá lông nheo” trêu mẹ. Lại cười. Lại vui. Lại quay đi lau nước mắt… Chia tay bố mẹ, con mạnh mẽ, dứt khoát lao vào dòng người đông đúc giữa phi trường New Dehli rộng mênh mông. Mắt không ngừng dõi tìm bố mẹ, tay con giơ hình chữ V thay cho lời con muốn gửi gắm. Bố đứng chôn chân, tim thắt nghẹn cồn cào. Tất cả những gì bố cố gắng “diễn” trong những ngày qua chỉ là để cho con yên tâm khi con một mình phải “làm cả cuộc chia ly”. Bố đã yêu con như thế!

Con à! Người con nào khi nghĩ về mẹ cũng là một loạt hình ảnh êm ái hiện ra: Mẹ vạch ti cho bú, mẹ tắm rửa, mẹ dỗ dành con ngủ, mẹ dạy tập đứng, tập đi, mẹ cưng nựng, mẹ yêu chiều. Nhưng với cha thì khác. Những gì thẳm sâu của tình cha thường phải nghĩ sâu, nghĩ lâu hơn mới nhận ra. Bố hạnh phúc vô chừng vì con ở tuổi này đã nhìn nhận và thấu hiểu lòng bố. Con “đọc” được những gì bố gửi gắm nơi con bằng cách này hay cách khác. Con nghĩ về bố, lo cho bố, từ cái u bé con trên trán bố, từ giấc ngủ hàng đêm của bố. Và trong lòng con:

Chiều mùa đông trông ngóng
Con tựa cửa nhìn xa
Phía ấy là quê nhà
Là bố, là tất cả….
Với bố! Con cũng là tất cả, con trai yêu thương của bố!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày