Hôm trước đứng ở cổng trường tận mắt chứng kiến cảnh một cậu sinh viên vừa dắt xe đạp vừa đưa tay quẹt mồ hôi nhễ nhại suýt bị ngã xe chỉ vì chiếc ô tô từ phía sau phóng vụt lên mà không để ý đến xung quanh. Điều đáng nói người cầm lái là một cậu thanh niên mặt búng ra sữa, dáng vẻ sành điệu, ngồi sau là ba cô cậu cũng trạc tuổi đó đang cười đùa vô cùng hả hê trước cảnh đấy và không hề có ý định xin lỗi. Để ý mới nhận ra, mùa nhập học và cũng là mùa hạch sách của những cậu ấm cô chiêu đã bắt đầu…
Không chỉ đề xuất những “yêu sách” khó đỡ khi đi thi đại học, hay đi thi chỉ là cơ hội để đốt tiền của bố mẹ, là dịp để đòi hỏi đủ thứ trên trời dưới biển thì đến lúc đỗ rồi, phụ huynh của những công chúa, quý tử này vẫn chưa được yên thân vì chính con mình. Đặc biệt là với những cô cậu học xa nhà, bình thường đã quen với cảnh “được voi đòi tiên”, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” thì cuộc sống của những ngày tháng từ sau khi nhập học mới đúng là bi hài.
Đậu đại học nguyện vọng 1 với điểm số 18, một con số chưa hẳn đã xuất sắc với nhiều người nhưng Huy - con trai một ông chủ có tiếng trên đất mỏ đã trở thành niềm tự hào vô cùng lớn của cả dòng họ. Ngay sau khi biết tin quý tử đỗ đại học, bố mẹ Huy đã ngay lập tức “lên đời” cho con bằng Iphone 5, Ipad mini và một chiếc SH mới cứng để động viên tinh thần. Trước ngày nhập học, bố mẹ đã sắp xếp cho Huy một căn hộ chung cư hiện đại, đầy đủ tiện nghi ngay gần trường để con tiện đi lại. Hơn thế nữa, vì sợ con trai không ăn uống đầy đủ, đảm bảo sức khỏe, mẹ Huy đã cất công tìm kiếm một người giúp việc để trông nom, chăm sóc con vì bố mẹ ở xa.
Không đỗ được nguyện vọng 1 như Huy, Ly - con gái rượu của một chủ trang trại ở Lào Cai chật vật ôn tập mãi cuối cùng cũng đã nhập học nguyện vọng 2 ở một trường dân lập. Thương con gái xa nhà, bố mẹ Ly đã nghỉ hẳn 1 tuần để đưa con xuống Hà Nội nhập học, và ở lại đợi con thích nghi với môi trường mới, không lạ nhà rồi mới về. Ý định ban đầu là để Ly ở nhà họ hàng, như thế bố mẹ sẽ yên tâm hơn vì có người quản lý. Thế nhưng chưa được hai tuần, sau khi nghe cô con gái nhõng nhẽo kêu không hợp với nhà chú nên bố mẹ đã mua luôn một căn hộ hai tầng ngay trung tâm thành phố với ý nghĩ “sau này để con lập nghiệp luôn ở Hà Nội, trước sau gì cũng phải mua nên quyết luôn”.
Hàng tuần, mẹ Ly đóng thùng gửi thức ăn xuống cho con vì muốn con được ăn đồ sạch, rõ xuất xứ. Những thứ đồ lặt vặt, nhỏ nhặt nhất mẹ Ly cũng gửi cho con vì không muốn con phải đi lại nhiều. Kèm theo đó là khoản tiền tiêu vặt mà tiền lương của những người đi làm bình dân có khi cũng chẳng bằng để Ly thoải mái tiêu xài vì nghĩ con gái có nhiều khoản phải dùng đến. Cứ thế, đến gần hết năm hai nhưng Ly cũng chẳng mấy khi phải vào bếp và bước chân ra chợ.
Còn với Hoàng, tuy gia đình không đủ điều kiện để tậu nhà giữa đất thủ đô nhưng bố mẹ cũng thuê cho Hoàng một mình một căn phòng rộng rãi, đầy đủ mọi thứ để con ở. Những lần Hoàng gọi điện về xin tiền bố mẹ đều gửi ngay mà cũng chẳng bận tâm nhiều đến lý do hay vì sao con cứ xin tiền suốt như thế. Lần nào gọi điện cũng thấy con nói đang ở nhà hoặc đang đi học thêm nên bố mẹ rất yên tâm, lại còn thương con vất vả nên tiền bạc không phải là vấn đề. Khi được hỏi thăm, bố mẹ luôn tự hào khoe thằng cháu đích tôn luôn chăm chỉ học hành lại biết chịu khó…
Thế nhưng…
Cho đến khi nhận được giấy báo của nhà trường về việc Hoàng nghỉ học quá nhiều, không đủ số buổi tới lớp và nợ nhiều môn nên bị đình chỉ một kì học, bố mẹ cậu sốc không biết để đâu cho hết. Đến lúc đó, họ mới vỡ lẽ ra phần lớn thời gian cậu đều đốt trong quán điện tử, số tiền xin đi học thêm Tiếng Anh, học phụ đạo đều phục vụ cho những lần ăn chơi chứ không vì mục đích nào khác.
Còn Huy, tuy bố mẹ vẫn kiểm tra tình trạng của con hàng ngày qua cô giúp việc và nhận những báo cáo tốt nhưng họ đâu biết rằng, chính người giúp việc hàng tháng cũng nhận thêm một khoản tiền không nhỏ từ Huy. Tất cả cũng chỉ để “bịt miệng” cho những hôm thâu đêm suốt sáng ở bar, hay những lần đưa bạn gái về nhà, ăn chơi trác táng của cậu. Có khi cả tuần liền Huy không về nhà, căn hộ chung cư chỉ mỗi cô giúp việc đi ra đi vào. Đến khi quá áy náy, người giúp việc đành gọi điện về thành thật với bố mẹ Huy.
Về phía Ly, cô bạn tuy không thuộc dạng bỏ bê việc học, nhưng vì được chăm sóc đến tận răng và không phải lo nghĩ gì, lại ít khi ra đường nên sinh ra khép kín và ngại giao tiếp với mọi người. Dù cuộc sống đầy đủ và an nhàn, nhưng Ly hầu như không có bạn, hằng ngày cô chỉ đến trường rồi về nhà. Ở lớp, dù xinh xắn, và luôn xài hàng hiệu, nhưng cô bạn chỉ như một cái bóng lặng lẽ và hầu như không tiếp xúc với ai. Có lẽ việc kéo Ly tiếp xúc với môi trường hầu hết là nhờ online, và cũng không có nhiều va chạm với xung quanh nên việc Ly suýt bị lừa đảo qua mạng là chuyện chẳng có gì khó hiểu.
Đỗ đại học là niềm vui và cũng là niềm tự hào của rất nhiều người dù là bất cứ ai. Và học xa nhà là trải nghiệm thú vị của sinh viên nhưng cũng vừa là nỗi lo lớn của nhiều bậc phụ huynh. Bên cạnh những người chật vật với hoàn cảnh để vươn lên thì cũng có không ít bạn vì quá dư thừa về của cải nên đâm ra tâm lý ỷ lại và buông thả mình. Đã quá quen với việc được gia đình sắp đặt, quan tâm, lo lắng, cái gì cũng đã có bố mẹ thế nên ở những bạn này thường nảy sinh những thói quen xấu và để lại hậu quả không như mong muốn.
Là một sinh viên, sinh hoạt và làm việc trong một môi trường cần giao tiếp, bản lĩnh và kinh nghiệm cuộc sống, nếu bạn không biết được điểm dừng của chuyện đó thì nó sẽ lại là một rào cản khiến bạn khó hòa nhập với mọi người. Đó là chưa kể đến những tệ nạn luôn rình rập ở khắp mọi nơi, chỉ cần bạn buông lỏng mình, luôn dựa dẫm, phụ thuộc và ỷ lại vào bố mẹ thì nó sẽ ngay lập tức vồ vập và không buông tha bạn!
Vẫn biết, có điều kiện thì có quyền được hưởng thụ, và chẳng có ai lại mong mình cũng như con cái mình phải khổ sở. Nhưng một vài bậc phụ huynh cũng cần xem xét lại cách quản lý thời gian và tiền bạc của con cái mình. Tiền rốt cuộc cũng chỉ là phương tiện, nó không thể là tất cả biểu hiện của việc quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho con cái; lại càng không thể là thước đo cho tình yêu thương con. Vậy nên, thay vì “vung tiền quá trán” để yêu chiều con, nhiều phụ huynh cần thắt chặt hơn việc quan sát cuộc sống của con mình để kịp thời can thiệp nếu có chuyện không hay xảy ra.
Không ai phủ nhận nhà giàu thì không thể học giỏi, hay nhà giàu thì không được sống một cách thoải mái. Thế nhưng, nếu muốn có một khoảng thời gian học xa nhà đầy ý nghĩa và khiến bản thân trưởng thành hơn, thì hãy cố gắng độc lập về cả thể chất lẫn tình thần, từ suy nghĩ đến hành động. Điều đó tốt hơn việc “ăn sẵn” của khá nhiều bạn bây giờ rất nhiều!