Xấu hổ và bị châm chọc
“Nếu bạn muốn uống bia thì cứ 10 ngàn 1 lon mà uống. Mình đang sống ở Bửu Long, Biên Hòa, mấy bữa nay thấy người ta bêu rếu làm mình khá mệt mỏi. Chỉ vì mấy lon bia mà mất mặt, buồn vì những con sâu làm rầu nồi canh”, Cao Văn Tấn (21 tuổi, ĐH Lạc Hồng, Biên Hòa) bức xúc chia sẻ quan điểm trên trang cá nhân của mình.
Tấn cho biết, từ khi xảy ra vụ việc, ban đầu Tấn chỉ nghĩ vụ việc là một tin tức bình thường, vì trước tới đến nay có nhiều nơi xảy ra tình trạng hôi của. “Nhưng sau đó, dư luận bày tỏ bức xúc với cảnh hàng trăm người xông vào lấy bia, mặc tài xế khóc lóc van xin và có nhiều người còn quy chụp là dân Biên Hòa thế này thế kia khiến mình vừa thấy xấu hổ vừa tức vì bị quy chụp”, Tấn nói.
Câu chuyện “hôi bia” cũng trở thành chủ đề bàn tán trong một số lớp học ở Biên Hòa. Bạn Nguyễn Thị Phương Nguyên (THPT Trấn Biên, Biên Hòa) kể: “Ở lớp em, vào giờ ra chơi cũng có nhiều bạn bàn tán về chủ đề này. Hầu hết các bạn đều không vui khi bỗng nhiên bị mang tiếng. Chỉ là một vài người tham gia lấy bia thôi, không phải tất cả mọi người nên em hy vọng toàn bộ người dân Biên Hòa không bị nghĩ xấu".
“Mỗi lần lên mạng đọc báo và nhìn những bức ảnh người dân hớn hở nhặt bia vương vãi trên đường là mình lại thấy xấu hổ. Có lúc mình không buồn đọc báo nói về vụ việc. Mình nghĩ qua việc trên, là bài học lớn về nhân cách cho nhiều người vì chuyện hôi của có thể xem là một tính xấu của nhiều người Việt, không của riêng địa phương nào”, bạn Hoàng Văn Tuấn (ĐH Đồng Nai) bày tỏ quan điểm của mình.
Từ câu chuyện chấn động trên, teen Biên Hòa cũng gặp không ít phiền toái, khi bị bạn bè ở nơi khác mang ra trêu chọc, mỉa mai. Như trường hợp của Trần Trung Nghĩa (ĐH Sư phạm TP.HCM). Nghĩa kể lại: “Hôm trước mình có ngồi ăn với mấy người bạn, trong lúc nói chuyện có bạn biết mình ở Biên Hòa nên vô tư hỏi mình “đã hôi được chai bia nào chưa”. Mình chỉ biết im lặng, biết là bạn hỏi vui nhưng mình thấy rất ngại trước câu hỏi của bạn ấy. Nhưng phải thừa nhận hành động trên vô tình làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nơi mình sinh sống”.
Kêu gọi hành động thiết thực
Trong khi đó, 5 ngày sau vụ việc hôi bia, trên mạng lan truyền nhanh một bức ảnh một người dân Biên Hòa treo băng rôn phê phán hành động trên. Nội dung bức băng rôn viết: “Là người dân Biên Hòa, là người Việt Nam tôi xấu hổ thay cho những ai đã “cướp” vài lon bia ở đây trưa ngày 4/12”. Được biết, chủ nhân của tấm băng rôn là một nữ sinh viên năm 2, trường ĐH FPT. Vì vậy tấm ảnh nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của nhiều thành viên cộng đồng mạng, nhất là những bạn ở Biên Hòa.
Bình luận về bức ảnh, bạn có nick name Piper Alison viết: “Ở đâu chẳng có người nọ người kia, ở Biên Hòa có người hôi của nhưng cũng có người treo được thông điệp ý nghĩa như thế này”. Nói về tấm băng rôn, bạn Đào Nguyễn Hoàng Nam (23 tuổi, P.Trung Dũng, Biên Hòa) nhận xét: “Mình thấy vui vì hành động của bạn này vì qua đó cho thấy vẫn còn rất nhiều người có lòng tự trọng, sẵn sàng phê phán những hành động xấu. Dù đó là cảnh xấu của đồng hương mình”.
Nhiều bạn trẻ khác cho rằng thay vì bàn tán, chế ảnh… về chuyện hôi bia thì nên nghĩ cách giúp đỡ tài xế. Có bạn nêu ý kiến nên lập một thùng quỹ kêu gọi ủng hộ ở hiện trường lật bia để người hôi bia, người đi đường ủng hộ. Nhận được nhiều sự ủng hộ hơn cả là ý kiến công bố số tài khoản ATM của tài xế bị nạn, để những người hôi bia cảm thấy xấu hổ, người khác dễ dàng giúp đỡ bác tài.
Thành viên có nick name Út Tuấn bình luận: "Chúng ta cũng đã chỉ trích, phê phán những hành động đáng xấu hổ của những người "hôi của" rồi. Chắc rằng họ cũng đã cảm thấy xấu hổ lắm. Theo tôi hành động thiết thực nhất bây giờ là tạo điều kiện để giúp đỡ tài xế xe bị nạn và những người đã có hành động hôi của chuộc lại lỗi lầm bằng cách: Công bố số tài khoản ATM của lái xe bị nạn để những người cảm thấy xấu hổ chuyển trả lại số tiền bia tương ứng họ đã lấy và cũng là cách để nhiều người khác nữa giúp đỡ người tài xế tội nghiệp kia”.