"Đây là bài viết được nhà báo Trương Anh Ngọc viết sau khi biết tin một người bạn báo bị ung thư. Bài viết dành tặng cho tất cả những ai đang và sẽ sống có ý nghĩa".
Đối với tôi, đấy là một chuyến bay đặc biệt. Bay từ Châu Âu đến Châu Phi luôn đem đến một cảm giác rất khác lạ. Trước hết, đấy là một chuyến bay xuyên lục địa từ Bắc xuống Nam bán cầu. Sau đó, chuyến đi cho World Cup 2010, mà ở đó tôi suýt chết trong một vụ cướp, trên hành trình tác nghiệp đã được mở đầu theo một cách không thể quên.
Trong một chặng của hành trình xa lắc ấy, tôi ngồi cạnh một linh mục người Tây Ban Nha. Cha còn trẻ, có nụ cười rất đôn hậu và giọng nói trầm ấm. Chúng tôi nói chuyện về bóng đá, về cuộc đời, về sách vở và những chuyến đi khi máy bay vừa cất cánh lúc trời còn chưa sáng. Thế rồi, chẳng hiểu thế nào, ngài linh mục, một người rất uyên bác, bỗng chuyển chủ đề sang nói về cái chết, sau khi máy bay bị mất độ cao trong chốc lát và làm nhiều hành khách, trong đó có tôi, hoảng hốt đến cùng cực: "Con người ta thỉnh thoảng vẫn tự hỏi, cái chết sẽ đến với mình như thế nào, nhẹ nhàng hay đau đớn? Không ai trả lời, vì họ không trả lời được, hoặc không muốn trả lời. Nghĩ đến cái chết khiến nhiều người sợ hãi".
Cha bảo, sợ hãi cái chết là một bản năng của con người, nhất là đối với những ai còn ham sống, còn nhiều điều chưa thể thực hiện được hoặc còn muốn hưởng thụ. Chỉ có những người đã trải qua tất cả, hoặc buông xuôi và không còn điều gì tiếc nuối nữa thì cảm thấy thanh thản và nhẹ nhàng. "Chẳng ai tránh được cái chết. Ngay cả nếu như chuyến bay này là định mệnh dành cho mình, mình phải chấp nhận", cha nói. Tôi tiếp lời vị linh mục: "Nếu máy bay chúng ta đang rơi, điều gì cha nghĩ đến đầu tiên?". Cha trả lời: "Ta nghĩ ta đang về với Chúa. Còn con?". "Nếu kịp thì con sẽ nghĩ nhiều lắm, đến gia đình và người thân, đến chuyến đi này và bài viết trong máy tính còn đang dang dở, đến bao năm tháng phía trước không được sống. Con còn rất trẻ cha ạ", tôi nói. Chúng tôi cùng cười.
"Cách duy nhất có thể tạo ra được sự lạc quan cho bản thân mình khi đối diện với những điều tệ hại nhất là sống tốt".
Cái chết là điều mà chúng ta không ai muốn nghĩ, hoặc đơn giản là chưa nghĩ tới, cho rằng như thế là quá sớm hoặc có thể đem đến vận rủi. Nhưng nó vẫn sẽ đến, theo cách này hay cách khác và không ai có thể tránh được. Nếu cái chết đã không thể tránh được, thì sống như thế nào luôn là một câu hỏi mà chính chúng ta cũng không dễ trả lời. Vị linh mục có thể tìm đến đức tin để nương náu trong những lúc gian khó nhất và Chúa có thể làm cho cái chết của ngài trở nên nhẹ nhàng và thanh thản, nhưng chúng ta, những người còn rất trẻ, có thể tìm đến ai và bấu víu vào điều gì để khỏa lấp đi những nỗi lo lắng thường trực, sự mất niềm tin vào tương lai phía trước và những nỗi cô đơn lớn lao mà thế giới này có lúc không ai có thể chia sẻ cùng ta?
Tôi đã gặp và nói chuyện với nhiều người cũng đặt ra những câu hỏi như trên những hành trình mình đã đi qua trong đời. Và chính tôi, khi đối diện với chính mình trong những lúc gian khó, cũng tự hỏi mình câu đó. Để rồi sau rất nhiều những vấp ngã và thậm chí có lúc tuyệt vọng, chợt nhận ra rằng, cách duy nhất có thể tạo ra được sự lạc quan cho bản thân mình khi đối diện với những điều tệ hại nhất là sống tốt và có niềm tin rằng, việc sống tốt ấy của mình có thể đem đến niềm vui cho càng nhiều người càng tốt bằng sự chia sẻ. Chia sẻ những điều tốt đẹp, chia sẻ những ý nghĩ và các câu chuyện về sự tử tế, chia sẻ những hình ảnh về những chuyến đi và hy vọng những chuyến đi và kinh nghiệm đã trải qua ấy có thể thôi thúc nhiều người trẻ rời khỏi thế giới an toàn và nhỏ hẹp của họ để vững tâm bước ra thế giới.
Vị linh mục bảo, chúng ta đang sống trong một thế giới của những điều trái ngược. Nhiều người trong chúng ta chưa hoặc rất ít bay đi đâu đó, nhưng luôn sợ máy bay rơi. Nỗi sợ hãi ấy đã giết chết những hoài bão nhỏ nhoi của họ, tự cầm tù họ trong một cuộc sống cá nhân buồn tẻ và hèn nhát.
Phải, cha hoàn toàn đúng. Không ít người chưa sống cho ra sống đã sợ chết. Cái chết không phải là tất cả, mà là một phần quan trọng của cuộc sống, một sự chuyển tiếp giữa những trạng thái của sự tồn tại. Sao không sợ sống một cách vô nghĩa, không có định hướng, không hoài bão và ước mơ, trong một cuộc đời nhờ nhờ hơn là sợ chết? Chết về tâm hồn, vì sự bon chen và xảo trá của cuộc sống khiến ta mờ đi cái tâm và mất đi sự lạc quan, tự nướng tuổi trẻ của mình vào điều vô bổ là cái chết ghê sợ hơn cả.
Nhiều năm trước, tôi đã từng mất một người bạn. Một khối u não đã cướp đi cuộc sống của cô và đứa con trong bụng cô. Nỗi đau đớn trong tôi lúc nhìn cô hôn mê trong bệnh viện sau đó được thay thế bởi một ý nghĩ khác: mọi điều xảy ra trong cuộc đời này đều có lí do và đều có ý nghĩa của nó. Điều quan trọng là ta giải nghĩa nó thế nào. Cái chết của người bạn ấy có thể là động lực cho những người khác còn đang sống cảm thấy sự may mắn mà họ đang có trong tay: họ có cuộc sống.
Và nữa, những người nghĩ nhiều về cái chết thực ra không phải là người bi quan, mà là người muốn sống thế nào cho không vô nghĩa và rồi họ biết cách xua tan đi những nỗi sợ hãi ngày càng dày lên xung quanh, vì sự bất trắc, những đe dọa rình rập ta ở bất cứ lúc nào trong từng mảnh li ti của cuộc sống. Một tế bào ung thư bắt đầu phát triển ở đâu đó trong cơ thể, lối sống không khoa học và theo chiều hướng bê tha, những suy nghĩ bi quan và bế tắc, những tai nạn dọc đường. Sợ chết, xét cho cùng là bình thường. Nhưng sợ sống không tốt thì không phải ai cũng nghĩ đến...
Chúng tôi tạm biệt nhau ở Nairobi. Trước khi chia tay, đột nhiên vị linh mục hỏi: "Ta muốn hỏi điều này. Nếu nói về cái chết, thì con muốn có điều gì trong đám tang của chính mình?", linh mục hỏi. Nghĩ một lúc, tôi trả lời: "Những nụ cười. Con không muốn cái chết của con trở thành một gánh nặng cho tất cả. Cái chết ấy phải đem đến sự thanh thản và niềm vui, bởi con muốn, sau này, mọi người nhớ đến con thì chỉ nghĩ đến những niềm vui, rằng con đã sống không vô ích". Vị linh mục gật đầu cười. Chúng tôi chia tay. Tôi không gặp lại ông từ ngày ấy, nhưng cái chết của người bạn và cuộc gặp trên máy bay đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm sống của tôi.
Xét cho cùng, cũng chỉ được sống có một lần thôi...
Trương Anh Ngọc (từ Roma, Italia)