Ngôn ngữ là thứ đặt nền móng cho sự văn minh của con người, sự hoàn thiện qua hàng trăm năm đã giúp chúng ta biên dịch gần như nguyên văn tất cả mọi thứ, nhưng có một số từ vựng phức tạp đến nỗi nó luôn luôn là duy nhất trong bất kỳ văn bản nào.
Trong cuốn sách về ngôn ngữ “Lost in Translation” của tác giả Ella Frances Sanders, bà đã nói “Ngôn ngữ bạn đang sử dụng có thể có nhiều thiếu sót, nhưng đừng sợ, mọi thứ bạn cảm thấy đều có một từ dành riêng cho nó”, sau đây là 10 từ vựng siêu phức tạp thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau do Sanders liệt kê. Những từ vựng này mang ý nghĩa rất lớn trong các nền văn hóa trên thế giới.
1.Mangata
“Vệt sáng của ánh trăng soi xuống nước trông như một con đường”, ý niệm này dùng để mô tả điều đẹp đẽ nhưng xa cách và vô thực, cần phải dùng một câu dài ngoằng ở bất cứ ngôn ngữ nào, nhưng với người Thụy Điển, họ chỉ cần dùng từ Mangata là xong.
2.Akihi
Đây là một từ thông dụng của thổ dân Hawaii, nó có nghĩa là: “Vừa mới được chỉ dạy xong đã quên ngay lập tức” để so sánh nó sang tiếng việt, chúng ta có câu “nước đổ lá khoai”.
3. Hiraeth
Đây là từ được dùng nhiều trong văn thơ, được sử dụng tại xứ Wales, các nhà ngôn ngữ học đã cố tạo ra một từ vựng tiếng Anh có nghĩa tương tự nhưng bất lực, từ Hiraeth mô tả cảm giác bâng khuâng nhớ về một nơi nào đó không tồn tại/chưa từng đặt chân đến.
4. Iktsuarpok
Đây là một từ thông dụng trong ngôn ngữ truyền thống của người Eskimo, mô tả về ý nghĩa của từ Kitsuarpok khá phức tạp, nó mang đại ý là “cảm giác nằm giữa chờ đợi và buông xuôi”, cảm giác đó khiến bạn phải đứng lên ngồi xuống, chạy ra chạy vào để xem có ai đang đến gần, có ai đang rời xa hay không.
Người ta còn dùng Iktsuarpok khi họ “biết chắc chắn một điều gì đó nhưng vẫn cố phủ nhận nó” hoặc ngược lại.
5. Kummerspeck
Tiếng Đức vốn nổi tiếng với những từ vựng ghép rất dài và khó nhớ, tuy nhiên, từ Kummerspeck lại “có vẻ” đơn giản và gần gũi, nhưng ý nghĩa thực sự của nó là “Những người bị tăng cân vì ăn quá nhiều sau khi thất tình”
6. Wabi-sabi
Từ vựng nghe hơi giống món mù-tạt này đề cập đến trạng thái tâm lý và có một chút triết học. Người Nhật sử dụng nó để mô tả ý niệm: “hãy tìm kiếm vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo, vì đó mới là cuộc sống”.
7. Pisanzapra/Poronkusema
Đây là 2 từ của 2 ngôn ngữ khác nhau, chúng đều đề cập đến đo lường khoảng cách. Pisan Zapra là tiếng Malaysia, nó có nghĩa là “thời gian để ăn hết một quả chuối”. Còn Poronkusema trong tiếng Phần Lan có nghĩa là “Quãng đường tối đa một con tuần lộc có thể đi mà không cần ăn cỏ”
Trong tiếng Việt, chúng ta có từ ghép “dao quăng” và “vắt khăn” cũng đề cập đến khoảng cách như 2 từ vựng trên. Từ “dao quăng” mang ý nghĩa “Quãng đường tối đa có thể đi trước khi trước khi bên hông đeo dao bị mỏi và phải đeo sang bên kia”
8. Kalpa
Từ tiếng Phạn này mô tả “khoảng thời gian rất lâu, khoảng thời gian bằng tuổi vũ trụ” nhưng nó không mang nghĩa đơn thuần về thời gian như từ Aeon của tiếng Anh, nó được dùng để mô tả tuổi của các vị thần, ví dụ như thần Vishnu đã sống 1 kalpa tương đương với 4,3 tỷ năm.
9. Tsundoku
Đây là một tính từ phổ biến của Nhật, nó có nghĩa là “xếp một cuốn sách chưa đọc lên giá riêng cùng với những cuốn sách chưa đọc khác”. Đối với những người sưu tập sách thì đây là một từ tuyệt vời để mô tả khái niệm dài ngoằng kia.
10.Boketto
Người Nhật rất thích tạo ra những từ vựng có ý nghĩa dài và phức tạp, Boktto được sử dụng nhiều trong thơ ca Nhật Bản, nó mô tả khoảnh khắc “Nhìn lơ đãng vào khoảng không khi đầu ốc đang rỗng tuếch, chẳng suy nghĩ đến điều gì”.