Hơn 4 năm về trước, giải đấu đầu tiên HLV Park Hang-seo đưa bóng đá Việt Nam tạo nên dấu ấn kỳ tích ở đấu trường châu Á chính là VCK U23 châu Á 2018 trên đất Trung Quốc với ngôi Á quân đậm chất siêu phẩm. Hơn một năm sau, trên sân nhà Mỹ Đình, những học trò của ông thầy người Hàn Quốc thêm lần gây chấn động với chiến thắng đậm đà 4-0 trước U23 Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á, khởi đầu cho kỷ nguyên "thống lĩnh Đông Nam Á" của bóng đá Việt Nam.
Song cũng ở VCK U23 châu Á 2020, sau chiến thắng "nghiền nát" đại kình địch Đông Nam Á, thầy trò HLV Park Hang-seo phải nhận về thất bại đắng cay khi cán đích vòng loại với vị trí bét bảng, trong khi U23 Thái Lan thành công hơn khi "qua mặt" cả Iraq lẫn Bahrain để đường hoàng bước vào tứ kết.
Trước VCK U23 châu Á năm ấy, U23 Thái Lan đã có thất bại nặng nề ở SEA Games 30, trong khi đó ông Park thành công rực rỡ với chiếc HCV SEA Games lịch sử đem về cho bóng đá Việt Nam. Nhưng ở sân chơi bóng đá trẻ châu lục, mọi thứ đã diễn ra rất khác.
Đúng 10 năm về trước, có một cô gái Việt được vinh danh trên đất Mỹ trong "cuộc chơi lớn" mang tên MasterChef. Điều đáng nói là cô gái gốc Việt ấy - Christine Hà, đã vượt qua tất cả các đối thủ sừng sỏ để đoạt chức quán quân cuộc thi "Vua đầu bếp" MasterChef trong hoàn cảnh bản thân... bị mù, và phải thi đấu trong tình trạng không nhận được bất cứ sự trợ giúp nào, chơi sòng phẳng với các đối thủ.
Trong hành trình đăng quang 10 năm về trước ấy, có lẽ thời khắc khó khăn nhất của Christine Hà nằm ở tập 6 - cuộc đua của top 15. Tập đấu ấy, người thắng cuộc ở thử thách "Chiếc hộp bí ẩn" là Ryan Umane - một đối thủ cực kỳ xấu tính.
Ryan Umane bày tỏ công khai sự xấu tính của mình khi được quyền miễn thi đấu ở vòng đấu này, đồng thời chọn nguyên liệu cho các thí sinh khác thử thách. Kết quả là thí sinh bị rất nhiều người ghét này chọn nguyên liệu khó nhất - cua, để nhắm vào cô gái gốc Việt khiếm thị. Để chắc ăn hơn, thay vì chọn thịt cua đóng hộp, Ryan chọn cua sống để Christine Hà chế biến. Xử lý con cua Thái Bình Dương "siêu to khổng lồ" thành món ngon trong vòng 60 phút là thử thách cực đại đối với cô gái Việt.
Món Ceviche Cocktail giúp Christine Hà giành chiến thắng.
Christine Hà phải mất đến quá nửa thời gian thi đấu để xử lý thành công con cưa, dù cho phải chịu không ít đau đớn bởi do khiếm thị, cô đã đổ máu trong quá trình tách mai cua, để y tế băng bó tay rồi tiếp tục và thành công với món Ceviche Cocktail từ thịt cua với sốt cà chua. Nhìn "ly cocktail" đẹp mắt của cô gái gốc Việt, giám khảo lừng danh Gordon Ramsay đã phải kinh ngạc thốt lên: "Bạn thực sự bị khiếm thị đấy chứ?".
Tập thi đấu ấy, với lời khen của Gordon Ramsay: "Bạn nấu ăn như một thiên thần vậy", cô gái mù Christine Hà trở thành người chiến thắng, vượt qua thử thách khó khăn nhất đầy ngoạn mục và thuyết phục. Đáng nói hơn nữa là "kẻ xấu tính" Ryan Umane bị loại ngay ở tập thi đấu sau đó.
Cũng như Christina Hà năm xưa, HLV Gong Oh-kyun của U23 Việt Nam đang phải đối mặt với thử thách cực đại. Kỳ tích Thường Châu 2018 và chiếc HCV SEA Games của HLV Park Hang-seo đang phủ cái bóng cực lớn lên người kế nhiệm của ông ở U23 Việt Nam. Ngoài ra, thất bại đau đớn của ông Park ở VCK U23 châu Á 2020, cũng như sự quyết tâm cao độ của người Thái ở giải đấu lần này là những khó khăn không nhỏ với "người mới" của U23 Việt Nam.
Nhưng trên tất cả, thử thách tối thượng với HLV Gong Oh-kyun là việc HLV Park Hang-seo đem về chiếc HCV SEA Games 31 cho bóng đá Việt Nam với sự trợ giúp cực lớn từ những "viện binh" quá tuổi là Hoàng Đức, Tiến Linh và Hùng Dũng. Họ không chỉ ghi được hơn nửa số bàn thắng của U23 Việt Nam ở giải đấu này, mà còn là "linh hồn" của hàng công, phủ sự ảnh hưởng lớn lao lên toàn đội.
Ở SEA Games 31, dù xuất sắc đoạt HCV sau khi đánh bại U23 Thái Lan ở trận chung kết, song U23 Việt Nam không thể nói là mạnh hơn đối thủ khi suốt trận chung kết, thầy trò HLV Park Hang-seo đã phải chịu chơi "nhún mình", nhường thế trận cho các học trò của HLV Polking, thay vì tấn công áp đảo đối phương như 5 trận đấu trước đó.
Để chuẩn bị cho VCK U23 châu Á lần này, Thái Lan đã triệu tập đến 10 cầu thủ trẻ đang chơi bóng ở châu Âu với quyết tâm mạnh mẽ "rửa hận" U23 Việt Nam sau trận thua ở chung kết SEA Games. Lần này không còn là sự so kè gián tiếp khi U23 Việt Nam và Thái Lan rơi vào hai bảng đấu khác nhau, mà sẽ trực tiếp đối đầu nhau để giành tấm vé còn lại vào tứ kết khi U23 Hàn Quốc được đánh giá sẽ cầm chắc ngôi đầu bảng. "Oan gia ngõ hẹp" hơn nữa khi hai đại kình địch Đông Nam Á này sẽ phải chạm trán nhau ngay ở trận đấu đầu tiên.
HLV Gong Oh-kyun đã tuyên bố rằng ông sẽ cho các học trò của mình vận hành chiến thuật mới ở giải đấu đầu tay của mình. Đó có lẽ sẽ là sự bất ngờ với U23 Thái Lan, song là chưa đủ để người hâm mộ nước nhà có thể đặt sự kỳ vọng lớn lao vào tân HLV của U23 Việt Nam.
Mười năm về trước, cô gái khiếm thị gốc Việt Christine Hà đã từng cực kỳ lúng túng, thậm chí tuyệt vọng với thử thách mà đối thủ dành cho mình. Giờ đây, cũng sẽ có không ít "gương mặt mới" của U23 Việt Nam lúng túng khi được lắp ghép vào đội hình U23 Việt Nam để thay thế cho các đàn anh lừng lẫy, nhất là trên hàng công.
Chia tay thầy Park là mất mát cực lớn cho U23 Việt Nam, nhưng cũng đã đến lúc họ phải làm quen với sự thiếu vắng quan trọng này, để đặt niềm tin vào "người mới". Hơn 4 năm về trước, HLV Park Hang-seo từng đưa bóng đá Việt Nam trở lại rạng rỡ sau khi Hữu Thắng thất bại nặng nề ở SEA Games 29. Nếu HLV Gong Oh-kyun truyền được sự tự tin và khát vọng bùng cháy cho các học trò, U23 Việt Nam sẽ thêm lần nữa cho bóng đá Thái Lan "nếm trái đắng"?