Cận kề Tết Trung thu, các con đường như Hàng Mã, Phan Đình Phùng (Hà Nội) hay Lương Nhữ Học (Quận 5, TP.HCM) đã ngập tràn sắc màu của những món đồ chơi. Trong đó, nổi bật nhất vẫn là chiếc đèn lồng giấy kính lung linh, nhiều hình dạng khác nhau. Theo ghi nhận, đèn lồng truyền thống đang ngày càng được ưa chuộng trở lại, các nghệ nhân đã tất bật chuẩn bị cho đơn đặt hàng của các triển lãm, doanh nghiệp hay bán lẻ từ cách đây cả tháng.
Còn cách đây 2 tháng, nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình (TP.HCM) vừa hoàn thiện 3 mẫu đèn lồng đặc biệt để gửi cho vị khách bên Úc.
Theo lời kể, ba anh vốn là người làng làm đồ chơi Trung thu Báo Đáp ở Nam Định, sau di chuyển vào sinh sống ở TP.HCM. Từ nhỏ, anh Bình đã được phụ giúp cha làm những chiếc đèn lồng bằng giấy kính và sau này, cả gia đình kế nghiệp nghề truyền thống, tới nay đã có thế hệ thứ 3.
"Sự độc đáo của đèn lồng truyền thống Việt Nam chính là không hề có một khuôn mẫu nhất định nào. Mỗi chiếc đèn lồng được tạo ra đều mang dấu ấn riêng của những người thợ và được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống. Mỗi khung hình dáng đều không thể bằng nhau đến từng milimet được. Ngay kể cả một loạt mẫu con cua, con cá, khi làm khung cũng không giống nhau hoàn toàn", nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình cho hay.
Và đây cũng là một trong những lý do khiến các vị khách ở Úc tìm tới những chiếc đèn lồng truyền thống của nước ta. Cách đây vài năm, họ đã tìm tới nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình và đặt một số đơn lẻ và gần đây là quy mô nhất. "Thật ra đặt hàng cũng là người Việt mình nhưng là để phục vụ cho sự kiện được tổ chức ở bên đó. Đơn vị của họ rất thích đèn lồng của chúng ta nên đã dành không ít thời gian để về tận nơi tìm hiểu rồi mới đặt hàng", anh Bình kể.
Chỉ nói riêng về các sản phẩm làm thủ công thì Úc cũng là một thị trường mới mẻ và tiêu chuẩn khắt khe. Ngoài ra, không thể tránh được nhưng sự khác biệt về văn hóa. Do đó, nghệ nhân cũng phải điều chỉnh, cải thiện từ những điều truyền thống, để sao cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Thay vì chỉ nói về hình dáng rồi để cho tự do sáng tạo thì anh nhận được chi tiết về khung cảnh của sự kiện, vị trí sẽ đặt những mẫu đèn lồng này. Sau đó, anh phải lên ý tưởng và tạo mẫu, khi khách hàng ưng ý với bản mô phỏng rồi thì mới bắt tay vào thực hiện.
Trong đó, sự thay đổi lớn nhất là về chất liệu của đèn lồng. Thay vì bọc giấy bóng kính màu sắc rực rỡ như những chiếc đèn lồng con cua, con cá... thường thấy thì anh Bình phải thay bằng chất liệu vải. "Theo yêu cầu của khách hàng và cũng để tiện cho việc vận chuyển đi xa", anh Bình nói.
Để hoàn thành đơn hàng, nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình đã tốn hơn 2 tháng.
Còn lại, tiêu chí chủ chốt mà khách hàng đặt ra vẫn là phải làm thủ công với khung tre, cách nối các mối, vẽ tay họa tiết... như cách mà nghệ nhân vẫn tạo ra những chiếc đèn lồng trong nước. Được biết, dù có 3 mẫu đèn, bao gồm 1 cặp kangaroo to nhỏ, 1 con cá sấu và 1 con đà điểu, nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình đã tốn tới 2 tháng để hoàn thiện và gửi đi.
Những mẫu đèn lồng này, con to thì có kích thước lên tới 3m, con nhỏ thì 1m, 2m. Tuy nhiên, hiện tại đều được vận chuyển bằng đường hàng không. Với những con to, dài thì nghệ nhân sẽ chia ra làm 3 đoạn, con nhỏ hơn thì tách làm đôi. Khi tới tay khách hàng, anh sẽ hướng dẫn cho họ lắp ráp hoàn chỉnh. "Bên phía khách đang mong muốn có một hướng nào đó để giảm thiểu chi phí vận chuyển vì hàng to như thế này chi phí vận chuyển đường dài sang Úc tương đối cao", anh Bình tiết lộ.
Những chiếc đèn lồng đặt riêng đứng cùng những mẫu truyền thống của Việt Nam...trong sự kiện tại Úc. Ban đầu nhìn khá thô sơ nhưng khi lên đèn thì lung linh, đẹp mắt.
Mặc dù đơn hàng này là làm theo đặt riêng của khách, chưa phải cạnh tranh với bên nào khác. Song, nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình cho rằng đây vẫn là một cơ hội rất lớn, đưa những chiếc đèn lồng truyền thống Việt Nam tiếp cận với bạn bè quốc tế. "Bước đầu, tôi cố gắng hoàn thành tốt mỗi đơn hàng, chăm chút tỉ mỉ cho từng sản phẩm và mong rằng nghề thủ công ngày càng được biết tới rộng rãi hơn", anh Bình bày tỏ.