Carl Larsson (1853 - 1919) sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở khu phố cổ Gamla stan, Stockholm (Thụy Điển). Những tưởng hoàn cảnh gia đình sẽ phủ màu ảm đạm lên tương lai của cậu bé khốn khổ có tài vẽ tranh nhưng rồi năm 13 tuổi, cô giáo của Carl Larsson đã thuyết phục gia đình cho cậu theo học tại trường Principskolan, nền móng để thi vào Học viện nghệ thuật Hoàng gia Thụy Điển. Suốt 3 năm, ở Principskolan, Carl Larsson sống trong mặc cảm người ngoài cuộc vì tự ti, nhưng rồi năm 16 tuổi, với tài năng của mình, ông đã chinh phục cả những bạn học, trở thành nhân vật trung tâm trong giới sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, trở thành họa sĩ vẽ minh họa sách, báo, tạp chí hàng ngày, cản trở lại đến với Carl Larsson khi ông tới Paris, những mong đổi đời với tài năng của mình nhưng lại trở về với hai bàn tay trắng, không thành công, không tiền bạc.
Năm 1888, khi ông ngoại của những đứa trẻ cho gia đình con gái và con rể một căn nhà gỗ nhỏ có tên gọi là Lilla Hyttnäs ở Sundborn, Carl Larsson đã chuyển hẳn sang vẽ những cảnh sinh hoạt gia đình mình với khung nền là căn nhà này. Có thể thấy thẩm mỹ và sự khéo léo của người vợ, bà Karin Bergöö trong nội thất và trang trí căn nhà với những sản phẩm thủ công dệt và thêu bằng tay, những bức tường được Carl Larsson tự sơn khiến nơi đây trở thành một tổ ấm nhẹ nhàng, thoải mái, mang đậm phong cách dân gian Thụy Điển và phương Đông. Ngoài vợ con, Carl Larsson cũng không quên đưa những chi tiết nhỏ như chú chó của gia đình vào trong tranh của ông. Điều này đã đưa những hình ảnh của Lilla Hyttnäs phổ biến khắp thế giới và có ảnh hưởng quan trọng về thiết kế Scandinavia thế kỷ 20. Sau này, ngôi nhà đã trở thành một di tích nổi tiếng, thu hút khoảng 60.000 lượt khách mỗi năm.



Sở dĩ Carl Larsson mê mải vẽ tổ ấm của mình vì từ lâu ông đã luôn tự xưng là một tông đồ của hạnh phúc gia đình, là lý tưởng sống của bản thân. Và rõ ràng nhìn vào hàng chục bức tranh màu nước vẽ vợ và các con ở Lilla Hyttnäs của ông, công chúng có thể nhìn thấy cả tình yêu vô bờ bến của họa sĩ người Thụy Điển với người vợ giàu đức hi sinh và các thiên thần nhỏ. Về phần Karin Bergöö, dù không tiếp tục vẽ tranh sau khi kết hôn với Carl Larsson nhưng bà vẫn là một nhân vật nổi tiếng nhờ những bức tranh tri ân của chồng, ghi dấu ấn trong lòng công chúng với hình ảnh trẻ đẹp mãi mãi với thời gian.
Với những đóng góp bền bỉ cho hội họa, Carl Larsson đã trở thành họa sĩ được yêu thích nhất của Thụy Điển. Ông đã chứng minh thêm sức mạnh của chân lý muôn đời: nghệ thuật đến từ những điều bình dị mà đơn cử là cuộc sống sinh hoạt của một gia đình.