Thời thơ ấu kỳ lạ của các họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng thế giới

Nuage, Theo Pháp luật xã hội 00:00 01/01/2014

Danh họa nổi tiếng Picasso từng nói: “Mỗi đứa trẻ là một nghệ sĩ”. Thời thơ ấu đã nhen nhóm niềm say mê với sáng tạo nghệ thuật của mỗi họa sĩ vẽ minh họa. Và họ đã làm thế nào để giữ lửa cho niềm đam mê ấy?

Eric Carle là tác giả của cuốn truyện kinh điển giúp trẻ em tập đếm, The Very Hungry Caterpillar (Chú sâu bướm háu đói), được xếp vào danh sách những truyện thiếu nhi hay nhất mọi thời đại. Theo đó, cứ 30 giây lại có một cuốn sách của Eric Carle được bán ra trên thế giới, được dịch sang hơn 55 ngôn ngữ và mọi trẻ em đều thích được đọc cho nghe cuốn truyện này trước khi đi ngủ. Eric Carle là nhà văn đồng thời là nhà thiết kế, họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng nước Mỹ, người đã cho ra đời 70 cuốn sách, bán ra hơn 125 triệu bản, phần lớn một tay ông vừa viết vừa vẽ minh họa. Ông cũng là chủ nhân của giải thưởng Laura Ingalls Wilder được tổ chức hai năm một lần để tôn vinh những tác giả thiếu nhi tài năng nhất nước Mỹ, đồng thời được đề cử giải thưởng Hans Christian Andersen năm 2010. 

Nhà văn gốc Đức chia sẻ: “Từ khi còn rất nhỏ, khoảng thời gian mà tôi còn có thể nhớ lại được, tôi đã rất yêu các hình vẽ. Dù chỉ là một đứa trẻ, tôi đã chắc rằng khi lớn lên mình sẽ là một nghệ sĩ. Giấy và bút chì thật đáng yêu và sống động. Bút chì vẽ thành hình ngôi sao trong sổ phác thảo, còn cọ vẽ luôn nhúng vào những màu sắc tươi sáng. Những điều này ảnh hưởng tới các sáng tạo vui vẻ của tôi ngày nay”. 

Thời thơ ấu kỳ lạ của các họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng thế giới 1
Eric Carle và cuốn sách nổi tiếng nhất của ông - The Very Hungry Caterpillar 

Giống như các đồng nghiệp chuyên vẽ minh họa sách khác, Dr. Seuss, Sherwood Anderson và Wendy MacNaughton, Eric Carle khởi nghiệp với công việc thiết kế đồ họa. Điều này giúp ông có một tư duy logic, đơn giản, hợp lý và hài hòa trong các sáng tạo cho thiếu nhi. Bên cạnh sự tinh tường của trực giác, nhà văn, họa sĩ vẽ minh họa người Mỹ cũng cố gắng giữ một tâm hồn rộng mở, pha trộn những bất ngờ, những điều kỳ quặc, trùng hợp ngẫu nhiên nhằm mang lại giá trị giải trí. Eric Carle coi công việc vẽ minh họa sách thiếu nhi là một cách soi sáng những điểm tối trong tâm hồn và giống như thời niên thiếu đầy mơ ước, làm việc với tranh vẽ là cách ông thể hiện cảm xúc chân thật nhất của mình. 

Đầu năm 2013, ở tuổi 80, Sir Quentin Blake, một họa sĩ nổi tiếng ở nước Anh, chuyên vẽ minh họa sách báo, tiểu thuyết và thơ, đặc biệt, những tác phẩm văn học dành cho trẻ em đã được thái tử nước Anh phong tước Hiệp sĩ, một danh hiệu cao quý tôn vinh 64 năm sự nghiệp lừng lẫy của ông. Sir Quentin Blake từng hồi tưởng về nguyên cớ dẫn ông trở thành một tác giả, họa sĩ được trẻ em yêu mến: “Năm 14 tuổi, tôi may mắn được giới thiệu với một họa sĩ đồng thời là người làm phim hoạt hình và vẽ minh họa cho báo và tạp chí, trong đó có Punch, một tạp chí tiếng Anh hài hước nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Ông tên là Alfred Jackson và từ đó cứ vài tháng tôi lại mang đến một bộ sưu tập các bản vẽ nhờ ông cho ý kiến”.

Thời thơ ấu kỳ lạ của các họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng thế giới 2
Sir Quentin Blake trong một cuộc giao lưu với độc giả nhỏ tuổi

Nhờ sự khuyến khích của Alfred Jackson, Sir Quentin Blake bắt đầu gửi bản vẽ cho tạp chí Punch. Và ở tuổi 16, họa sĩ trẻ người Anh đã trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, thay vì nghiên cứu hội họa, nghệ thuật, Sir Quentin Blake đã theo học chuyên ngành văn học Anh tại Đại học Cambridge để trở thành một giáo viên. “Tôi nghĩ rằng nếu mình không thể kiếm sống như một nghệ sĩ, ít nhất là tôi không nên để bản thân chết đói", chàng sinh viên văn khoa nói. 

Người “tô điểm” cho tác phẩm kinh điển viết về trẻ em của các nhà văn, tiểu thuyết, nhà thơ tên tuổi của Anh quốc như Roald Dahl, Joan Aiken, Dr. Seuss đã kiên trì dành 2 ngày trong tuần để tập trung cho các bức vẽ minh họa. Đặc biệt hơn nữa, ông không bao giờ cần tới khâu phác thảo trước khi vẽ. Chính vì thế, Sir Quentin Blake từng khiến công chúng mê mẩn vì  thể hiện tài nghệ với các bản vẽ trực tiếp trên truyền hình kèm theo lời tường thuật, xem hình tới đâu, thuyết minh tới đó.

Alice và Martin Provensen là một đôi vợ chồng nghệ sĩ người Mỹ từng vẽ minh họa cho hơn 40 cuốn sách cho trẻ em, 19 cuốn trong số đó, họ đóng vai trò là tác giả và họa sĩ, trong đó có nhiều cuốn kinh điển như The Animal Fair, truyện ngụ ngôn Aesop. Câu chuyện khởi nghiệp của cặp đôi đến từ Chicago thường được Alice Provensen miêu tả như sự lột xác của chú vịt con xấu xí: “Khi mọi người nhìn vào công việc của tôi, họ thường nói “Thật tuyệt vời. Tôi thậm chí không vẽ nổi một đường thẳng”. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mọi người đều có thể vẽ. Điều quan trọng là luôn phải cố gắng”. Nữ họa sĩ cũng nói thêm: “Trẻ em là những người đã làm nên những hình ảnh tuyệt vời, Không có gì là chúng không thể nghĩ tới. Chúng vẽ từ trí tưởng tượng và thế giới xung quanh. Chúng không e sợ bất cứ điều gì”.

Thời thơ ấu kỳ lạ của các họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng thế giới 3
Alice và Martin Provensen và một cặp đôi nghệ sĩ thực thụ

Hồi tưởng lại khoảng thời gian ấu thơ, tác giả của 8 cuốn sách thiếu nhi từng được tạp chí The New York Times bình chọn trong danh sách Ten Best Illustrated Book của năm nói: “Mẹ tôi luôn khuyến khích nỗ lực của con cái. Bút chì màu, bút sơn dầu, giấy, keo và kéo và vải luôn luôn có sẵn cho tôi. Giáo viên chủ nhiệm lớp 6 gửi bản vẽ của tôi tới một cuộc thi, nhờ đó tôi giành được một học bổng cho chương trình của Viện Nghệ thuật Chicago cho học sinh trường công và từ đó theo đuổi công việc vẽ minh họa”. 

Maurice Sendak là tác giả của nhiều cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng như Where the Wild Things Are – một trong những sách có minh họa được yêu thích nhất mọi thời đại đã được dựng thành phim, Bumblebee – cuốn sách được phục dựng trên sân khấu opera. Ông cũng là chủ nhân của giải Hans Christian Andersen năm 1970. Thời thơ ấu là một trong những quãng thời gian đáng nhớ của Maurice Sendak. “Tôi là một đứa trẻ ốm yếu nhưng yêu đọc sách và vẽ tranh. Trong những năm đầu của thời niên thiếu, tôi đã dành hàng trăm giờ đồng hồ ngồi bên cửa sổ để vẽ cảnh chơi đùa của lũ trẻ hàng xóm. Tôi phác thảo và lắng nghe…”, họa sĩ tài năng nói.

Thời thơ ấu kỳ lạ của các họa sĩ vẽ minh họa nổi tiếng thế giới 4
Maurice Sendak qua nét vẽ của họa sĩ Jonathan Weinberg

Nhà văn người Do Thái là một minh chứng của quan điểm cảm xúc làm nên thiên tài. Ông từng nói: “Nếu tôi được nhận một món quà bất thường thì đó không phải là việc tôi có thể vẽ tốt hơn những người khác - Tôi chưa bao giờ bị đánh lừa bản thân mình về điều đó. Thay vào đó, tôi nhớ những điều người khác không nhớ: những âm thanh, cảm xúc, hình ảnh – chất lượng cảm xúc - những khoảnh khắc đặc biệt trong thời thơ ấu…”. Maurice Sendak cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của hình ảnh minh họa trong các cuốn sách kể chuyện: “Minh họa giúp mở rộng, giải thích các văn bản, do đó, người đọc sẽ hiểu phần lời tốt hơn”. 

Trong suốt sự nghiệp của mình, người đầu tiên chiến thắng giải thưởng văn học Astrid Lindgren vào năm 2003 đã không chịu “nhốt mình” vào một phong cách nghệ thuật. “Phong cách nghệ thuật chỉ là một phương tiện để kết thúc và càng nhiều phong cách thì càng tốt. Để bản thân mắc kẹt trong một phong cách tức là đánh mất tất cả sự linh hoạt trong sáng tạo. Nếu bạn chỉ có một phong cách và thực hành chúng trong tất cả mọi cuốn sách thì thật buồn tẻ. Rất nhiều phong cách cho phép bạn đi vào và ra khỏi cuốn sách. Vì vậy, phát triển một phong cách thanh lịch, một phong cách màu mỡ, một phong cách tinh quái và một phong cách thô sơ”.