Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang

Nuage, Theo Pháp luật xã hội 00:55 29/01/2014
Chia sẻ

Son môi đầu tiên của phái đẹp được chế từ đá, côn trùng và trứng của chúng, rồi tiến đến công thức dầu thầu dầu để có màu đỏ đặc trưng. Và rồi những ngôi sao của làng giải trí đã đưa son môi lên thành đẳng cấp thời trang.

Từ những phác thảo đầu tiên về loài vượn, nguồn gốc của loài người, đôi môi đã có màu đỏ phân biệt với các vùng da khác trên cơ thể. Có thể nói, son môi, kể từ thời điểm mới ra đời và đang ở dạng nguyên sơ đã gây ra một ảo giác về tự tin về sự quyến rũ của phái đẹp. 

Cuộc phiêu lưu của son môi bắt đầu cách đây 5.000 năm ở Babylon, khi phụ nữ thời cổ đại ở vùng Lưỡng Hà sử dụng đá để làm đẹp cho đôi môi và đôi mắt. Hầu hết các nền văn minh Indus, 3.000 năm trước cũng rất chuộng màu môi đỏ. Riêng ở Ai Cập, phụ nữ đã có một công thức bao gồm hỗn hợp của tảo đỏ, iốt, brôm và kể cả lá móng để khiến cho sắc môi tươi hồng hơn, bất chấp những độc hại và nguy hiểm do nhiễm độc. Người ta nói rằng chính nữ hoàng Cleopatra cũng có một công thức chế son môi handmade riêng, trong đó không thể thiếu hai thành phần là bọ cánh cứng nghiền và kiến. Riêng chất nhũ long lanh trên son môi, được cho là nhờ có hợp chất từ vảy cá. Riêng ở phương Đông, hương thơm của son môi là một trong những yếu tố cần thiết và một người đàn ông tên là Abu al-Arab al-Zahrawi Quasim là người phát minh ra son môi có mùi thơm.

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 1
ỞAi Cập, phụ nữ đã có một công thức bao gồm hỗn hợp của tảo đỏ, iốt, brôm và kể cả lá móng để khiến cho sắc môi tươi hồng hơn, bất chấp những độc hại và hiểm họa nhiễm độc

Thời Trung cổ ở châu Âu, một đôi môi đỏ màu son bị coi là  hóa thân của quỷ Sa-tan, mối đe dọa đối với các nhà thờ. Vì thế, phụ nữ chuyên chính không dùng son môi, loại mỹ phẩm mà họ cho là chỉ đáng với gái mại dâm. Đến thế kỷ XVI, dưới thời trị vì của Elizabeth I, Nữ hoàng Anh đã cổ xúy cho son môi đỏ trở lại. Thời điểm ấy, son môi được chế từ sáp ong và bột thực vật màu đỏ. Nhưng đối tượng sử dụng son môi chỉ dừng lại ở phụ nữ tầng lớp thượng lưu và các diễn viên. Năm 1770 Quốc hội Anh đã thông qua một đạo luật quy định rằng phụ nữ bị kết tội quyến rũ một người đàn ông thông qua việc sử dụng mỹ phẩm bị coi là một hình thức phạm tội.

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 2

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 3
Thế kỷ XIX, ở Anh, việc sử dụng mỹ phẩm được xem là không thể chấp nhận được với những phụ nữ đáng kính

 Đến thế kỷ XIX, ở Anh, việc sử dụng mỹ phẩm được xem là không thể chấp nhận được với những phụ nữ đáng kính. Son môi chỉ là một thứ tô điểm cho những người làm nghề giải trí cho thiên hạ và gái mại dâm. Trang điểm được cho là một hành động khiêu khích và quan niệm vẫn tồn tại ở London cho tới khoảng năm 1921. Cũng trong thế kỷ thế kỷ XIX, các công thức son môi được hiện đại hóa dần với các nguyên liệu như mỡ nai, dầu thầu dầu, sáp ong. Cuối thế kỷ XIX, một công ty mỹ phẩm Pháp bắt đầu sản xuất son môi được bọc trong khăn giấy với các nguyên liệu trên. Còn ở Mỹ, son môi được chế từ một chất chiết xuất từ cơ thể và trứng của côn trùng sống trong xương rồng ở Mexico, trộn với nhôm và canxi. Muốn tô son, phải dùng chổi vì lúc này, son thỏi chưa ra đời. Màu son lúc này cũng vẫn quá nhân tạo và “sân khấu” cho nên đối tượng sử dụng chủ yếu vẫn là các diễn viên. Năm 1880, chỉ có một vài nghệ sĩ dám tô son trên sân khấu và diễn viên nổi tiếng Sarah Bernhardt là một trong số đó. Năm 1912, trong một bài báo đăng trên tờ The New York Times, một biên tập viên thời trang của Mỹ tuyên bố rằng son môi là một mỹ phẩm chấp nhận được, nếu được sử dụng một cách thận trọng. 

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 4
Một trong những mẫu quảng cáo son môi đầu tiên của Tangee

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 5
Phụ nữ bắt đầu thích được chụp ảnh và họ nhận ra mỹ phẩm giúp bản thân tươi tắn hơn

Loại son thỏi được kẹp trong kim loại dạng ống giúp đẩy và lùi thỏi son ngày nay được một người đàn ông tên là Maurice Levy phát minh ra năm 1915. Năm 1923, James Bruce Mason Jr, một người đàn ông ở Nashville, Tennessee (Mỹ) được cấp bằng sáng chế cho loại ống xoay tròn giúp kéo thụt thỏi son. Phụ nữ bắt đầu thích được chụp ảnh và họ nhận ra mỹ phẩm giúp bản thân tươi tắn hơn. Các nhãn hiệu Elisabeth Arden và Estee Lauder bắt đầu bán son môi trong thẩm mỹ viện của họ.

Năm 1927, nhà hóa học người Pháp Paul Baudercroux phát minh ra công thức son đỏ không bị hoen mờ sau những nụ hôn. Nhưng rồi Thế chiến II đến, các ống kim loại được thay bằng nhựa hoặc giấy. Các nguyên liệu làm son môi trở nên khan hiếm do dầu thầu dầu và các phụ phẩm khác khó tìm kiếm hơn. 

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 6

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 7
Marilyn Monroe và Elizabeth Taylor là những nhân vật truyền cảm hứng cho các công ty mỹ phẩm

Những nữ diễn viên đã và vẫn quảng bá son môi màu đỏ, trong số đó nổi tiếng nhất có lẽ là Elizabeth Taylor và Marilyn Monroe. Chỉ đến những năm 1930, Elizabeth Taylor mới thử các màu son khác và bắt đầu truyền cảm hứng cho các công ty mỹ phẩm, biến son môi trở thành một biểu tượng của sự trưởng thành và sự quyến rũ đầy nữ tính. Đối tượng vị thành niên cũng bắt đầu tò mò với son môi và các bậc phụ huynh thì phải đóng vai ác để ngăn chặn con cái sử dụng thứ mỹ phẩm mà họ cho là nguy hại. Một nghiên cứu vào năm 1937 đã cho thấy một nửa số trẻ vị thành niên đấu tranh với cha mẹ để được quyền dùng son môi. 

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 8

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 9
Những năm 1930, các đối tượng vị thành niên cũng bắt đầu tò mò với son môi và mở đường cho sự lan tràn xu hướng son môi

Vào giữa những năm 1940, các tạp chí tuổi teen đồng loạt nêu luận điểm nam giới thích vẻ đẹp tự nhiên của phụ nữ hơn cả và việc sử dụng thủ đoạn son môi có khả năng làm tụt dốc sự nghiệp của những người nổi tiếng. Trên thực tế, mối lo ngại về việc son môi gây ra các vụ quấy rối tình dục do người sử dụng quá gợi tình mới là nguyên do chính. Năm 1950, một công ty mỹ phẩm có tên gọi Gala bắt đầu giới thiệu son môi màu hồng, trắng và cam với hương hoa oải hương. Sau đó, Max Factor đưa ra thị trường loại son tô lòng môi màu dâu. Thời điểm đó, màu son hồng và da cam được thanh thiếu niên ưa chuộng hơn cả. Sự xuất hiện của các ban nhạc Rock như Ronette và Shirelles đã giúp lan tràn xu hướng son môi màu trắng rồi đến năm 1970, nhiều công ty cung cho thị trường mỹ phẩm các màu môi lạ như : màu xanh, màu xanh lá cây chanh, bạc và xanh đậm. Còn ca sĩ nhạc rock Marilyn Manson thì cổ xúy cho mốt son gothic đen đậm đầy bí ẩn. Một đôi môi màu đen đã trở thành xu hướng thời trang trong suốt 20 năm, từ 1970- 1990, điều mà những năm 1950 bị xem là một biểu hiện hết sức kinh dị, chỉ xuất hiện trên phim ảnh. 

Son môi: Chuyện phẩm giá hay thời trang 10
Son môi là mỹ phẩm không thể thiếu nhằm tôn vinh vẻ đẹp và đẳng cấp của các ngôi sao

Ngày nay, son môi luôn tồn tại trong túi xách của hầu hết phái đẹp, kể cả những nữ sinh trung học, không chỉ một mà hàng chục màu đại diện cho nhiều kiểu trang điểm, xu hướng thời trang và hoàn cảnh sử dụng. Ít ai biết được rằng, một thời, son môi bị đánh đồng với những phụ nữ buông thả, với gái mại dâm.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày