Những mối hận làng văn

Fourmis, Theo Trí Thức Trẻ 03:05 02/01/2013

Là những cây bút có tên tuổi, những mối hận kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ giữa họ được công chúng quan tâm và dõi theo không kém các sự kiện văn học nổi tiếng.

Salman Rushdie và John le Carré

Những mối hận làng văn 1
Hiềm khích giữa Salman Rushdie và John le Carré là “Mối hận đáng nói nhất trong làng văn chương"

Tờ The Guardian đã gọi hiềm khích giữa Salman Rushdie và John le Carré là “Mối hận đáng nói nhất trong làng văn chương”. John le Carré từng công khai chỉ trích tác giả của Những vần thơ của quỷ Sa tăng nhiều lần với lời lẽ nặng nề. Ông cho rằng Salman Rushdie đáng bị trừng phạt vì “sự xúc phạm trắng trợn, vô cảm". Động thái này được cho là một “quả đấm” vào lòng tự trọng của Salman Rushdie.

Tuy nhiên, tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi lễ trao giải văn học Cheltenham, Salman Rushdie thậm chí còn rộng lượng đến mức hối tiếc vì mối hiềm khích giữa hai người và ngợi khen tác phẩm Tinker Tailor Soldier Spy của John le Carré “là một trong trong những tiểu thuyết vĩ đại của nước Anh sau chiến tranh”. Còn John le Carré trong cuộc trả lời tờ The Times cũng điềm tĩnh hơn “Tôi rất tiếc vì đã để người ta nghĩ rằng giữa chúng tôi có mâu thuẫn. Nếu gặp Salman Rushdie vào ngày mai, tôi nhất định sẽ nồng nhiệt bắt tay bạn đồng nghiệp đã có được thành công lớn”.

VS Naipaul và Paul Theroux

Những mối hận làng văn 2
  VS Naipaul và Paul Theroux bắt tay nhau tại Hay Festival

VS Naipaul và Paul Theroux gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1966. Lúc đó, VS Naipaul đã nổi tiếng còn Paul Theroux vẫn là một giảng viên đại học. Khi Paul Theroux đến Mỹ đã được VS Naipaul nâng đỡ và mở đường để ông gia nhập giới văn chương. Nhưng rồi kể từ sau đó, mối quan hệ giữa hai nhà văn xấu đi. Nguyên do là bởi những bài viết chỉ trích những sáng tác của VS Naipaul do chính Paul Theroux viết. Paul Theroux cũng trách cứ VS Naipaul vì ông đã mang bán cuốn sách quý có lời đề tặng của mình để lấy một khoản tiền lớn. Không chịu thua, VS Naipaul thẳng tay vạch trần mối quan hệ bí mật giữa Paul Theroux và vợ mình. Mẫu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi cuốn hồi ký của Paul Theroux ra đời. Trong đó, hình ảnh của nhà văn đoạt giải Nobel Văn học năm 2001 được miêu tả một cách hết sức xấu xí, cục cằn bằng thứ ngôn ngữ hằn học, cay đắng. Đáp lại, VS Naipaul hạ nhục Paul Theroux bằng cách đánh giá những cuốn sách của ông “chỉ dành cho tầng lớp hạ lưu”.

Mối thâm thù được cởi bỏ khi hai người bạn cũ gặp lại nhau vào năm 2011 tại Hay Festival, xứ Wales. Họ đã bắt tay và nói vài lời với nhau. Lúc này, cả hai đều không còn trẻ và họ hơi ngượng nghịu khi giáp mặt. Tuy nhiên, cử chỉ làm lành của cả hai khiến tất cả mọi người đều ngạc nhiên đến sững sờ sau đó thì hoan nghênh nhiệt liệt.

William Thackeray và Charles Dickens

Những mối hận làng văn 3
  William Thackeray và Charles Dicken cùng là những nhà văn Anh nổi tiếng trong triều Victoria

Cùng là những nhà văn Anh nổi tiếng trong triều Victoria, tuy nhiên William Thackeray chỉ thường được xếp sau Charles Dicken. Người ta đồn rằng tác giả của Hội chợ phù hoa từng tung những tin đồn xấu về Charles Dickens, thậm chí bênh vực vợ của tiểu thuyết gia này sau khi hai người ly thân.

Vladimir Nabokov và Edmund Wilson

Những mối hận làng văn 4
  Vladimir Nabokov và Edmund Wilson từng thân thiết đến mức còn gọi nhau bằng những cái tên thân mật

Vladimir Nabokov là một dịch giả, nhà văn lớn, tác giả của tuyệt phẩm Lolita, còn Edmund Wilson là một nhà phê bình văn học. Tình bạn giữa họ thân thiết đến mức còn gọi nhau bằng những cái tên thân mật Volodya và Bunny. Nhưng rồi rạn nứt bắt đầu khi Edmund Wilson chỉ trích bản dịch tác phẩm Eugene Onegin (Alexander Pushkin) của Vladimir Nabokov. Không dừng lại, Edmund Wilson còn gián tiếp nhận xét rằng Lolita là tác phẩm tệ nhất ông từng đọc. Vladimir Nabokov cũng không vừa, đã chế giễu khả năng ngôn ngữ của Edmund Wilson.

Hai nhà văn đã không gặp nhau cho đến năm 1967, Vladimir Nabokov ghi trong nhật ký giấc mơ “hòa giải” với Bunny, tên thân mật của Edmund Wilson vào năm 1971. Sau đó, nghe tin bạn cũ bệnh nặng, tác giả Lolita đã tìm đến thăm và hai người bạn hòa giải với nhau. Đáng tiếc là Edmund Wilson qua đời chỉ một năm sau đó.

Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa

Những mối hận làng văn 5
  "Hai con sư tử trong làng văn Mỹ Latin" từng không nhìn mặt nhau trong suốt 30 năm

Chủ nhân của hai giải Nobel văn học 1982 và 2010, Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa từng không nhìn mặt nhau trong suốt 30 năm sau vụ ẩu đả vào năm 1971 trước một rạp hát tại Mexico. Người ta đã không thể hiểu được lý do của sự việc bất ngờ này vì cả hai không thèm nói với nhau dù chỉ một câu. Trước đó, họ là những người bạn thân thiết, Márquez thậm chí còn là cha đỡ đầu của con trai Vargas Llosa.

Theo giới phê bình, nguyên do chủ yếu của tình trạng căng thẳng giữa “hai con sư tử trong làng văn Mỹ Latin” là bất đồng trong quan hệ cá nhân và quan điểm chính trị. Việc Mario Vargas Llosa viết lời mở đầu cho kiệt tác Trăm năm cô đơn của Márquez nhân 40 năm cuốn sách ra đời là một bất ngờ lớn. Điều đó đã gián tiếp khẳng định ngầm rằng “khối băng” trong mối quan hệ giữa hai nhà văn lớn đã bắt đầu có dấu hiệu tan chảy.

Dale Peck và Rick Moody

Những mối hận làng văn 6
  Dale Peck và Rick Moody đã hòa giải để cùng chung sức hỗ trợ cho quỹ ủng hộ các nhà văn

Là một nhà phê bình trẻ tuổi, Dale Peck đã liều lĩnh chê bai cuốn hồi ký của Rick Moody, The Black Veil (Tạm dịch: Tấm mạng đen che mặt) và nhận định: “Rick Moody là nhà văn tồi nhất trong thế hệ của ông ta”. Ngay sau đó, đã chia ra hai phái đứng về phía Dale Peck và Rick Moody. Tuy nhiên, để cùng chung sức hỗ trợ cho quỹ ủng hộ các nhà văn, cuối cùng họ đã hòa giải với nhau.