Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20

Nuage, Theo Pháp luật xã hội 14:00 01/01/2014

“Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20, người luôn diện những chiếc váy dài cộng với kiểu tóc cầu kỳ trên gương mặt rõ nét với hàng ria mờ, đôi lông mày rậm có một cuộc đời hết sức xáo động.

Mặc cảm tật nguyền

Frida Kahlo từng nói trong đời bà xảy ra hai tai nạn kinh hoàng nhất. Tai nạn đầu tiên xảy ra ngày 17/9/1925, khi Frida Kahlo mới 18 tuổi đã làm thay đổi cuộc sống của nữ họa sĩ tài năng người Mexico mãi mãi. Đó là một ngày u ám sau mưa, sau một buổi chiều lang thang các quầy hàng trên đường phố trung tâm thành phố Mexico City , Frida và bạn trai Alex Gómez Arias bắt một chuyến xe bus về nhà ở Coyoacán. Đó là một chiếc xe bus sơn màu sáng với hai băng ghế dài. Khi ngang qua Calzada de Tlapan, va chạm với một chiếc xe đẩy hàng khiến chiếc xe bus mất đà đam sầm vào đường tàu gây ra một vụ tai nạn kinh hoàng. Hậu quả là Frida Kahlo bị tổn thương xương chậu nghiêm trọng, toàn thân đẫm máu và bị một thanh sắt đâm qua người. Mọi người đều nghĩ rằng bà sẽ chết khi nhiều hành khách bị thương nặng đã không thể qua khỏi, bác sĩ phẫu thuật cho nữ họa sĩ tương lai cũng tin như vậy. Nhưng thật kỳ lạ, mặc dù cột sống bị tổn thương nặng, xương đòn, xương sườn đều không còn nguyên lành, vai trái rời khớp, xương chậu không còn ra hình dạng nào, thậm chí, cả một vết thương xuyên qua bộ phận sinh dục nhưng Frida Kahlo đã sống sót. Hai năm liệt giường để nỗ lực hồi phục là một cực hình với cô gái hiếu động. Và Frida Kahlo bắt đầu vẽ chân dung mình qua gương.

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 1
The Bus (1929) - Frida vẽ hồi ức của những khoảnh khắc cuối cùng trên chiếc xe bus trước khi tai nạn khủng khiếp xảy ra

Trong phần lớn cuộc đời, Frida Kahlo đã phải chịu đựng những hậu quả từ các chấn thương cột sống và chân từ những tai họa thời thơ ấu và tuổi trẻ. Bà đã phải trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật ở cả Mexico và Mỹ để khắc phục sự cố, thường xuyên phải làm bạn với các xét nghiệm, X-quang, truyền máu, vật lý trị liệu… Tuy nhiên, bất chấp các hình thức chữa trị, sức khỏe nữ họa sĩ tài năng ngày càng xấu đi. Năm 1944, các bác sĩ đã khuyên Frida Kahlo nên nghỉ ngơi trên giường với một bộ khung thạch cao luôn phải mang theo để cố định các bộ phận cơ thể. Có khoảng thời gian, Frida Kahlo đã trải qua 3 tháng gần như dựng đứng với bao cát gắn liền với đôi chân của mình để nắn thẳng cột sống hay treo chân trên các vòng thép. Những corset thạch cao có lúc đã ép phổi của Frida Kahlo làm bà khó thở và bật khóc còn những ngón chân thì hoại tử dần. May mắn là vào những ngày tháng đó, Diego Rivera vẫn thường xuyên ghé thăm và an ủi vợ. 

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 2
Frida Kahlo và Diego Rivera trong một cuộc biểu tình ngày 1 /5/1929. Bà mặc váy ngắn lộ rõ chân phải teo nhỏ, một mẫu váy mà Frida Kahlo không bao giờ còn mặc lại sau khi nhìn thấy bức ảnh này

Năm 6 tuổi, Frida Kahlo bị phát hiện mắc chứng bại liệt. Bắt đầu là một cơn đau khủng khiếp trong chân phải. Cô bé phải trải qua 9 tháng liệt giường và sau đó bác sĩ nói rằng chỉ có tập thể dục mới có thể cải thiện chân phải của Frida Kahlo. Người cha đã cố gắng khuyến khích con gái chơi nhiều môn thể thao như bóng đá, tập võ, leo cây, chèo thuyền. Bất chấp các nỗ lực, chân phải của nữ họa sĩ ngày càng teo nhỏ. Để che giấu điều này, Frida Kahlo đã đeo liền 3 – 4 đôi vớ và mang giày cao. Trong khi một số đứa trẻ đồng trang lứa ngưỡng mộ nỗ lực của Frida Kahlo, một số khác thường xuyên trêu chọc và điều này làm cô bé tội nghiệp giận dữ. Năm 1953, sau nhiều biến chứng,chân phải của Frida Kahlo bị hoại tử và bị cắt cụt từ gối trở xuống. Bà trở thành một phụ nữ tàn phế từ đó. 

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 3
The Broken Column (1944) vẽ tình trạng của Frida Kahlo khi phải cố định xương sống bằng một mô hình không thể tồi tệ hơn

Frida Kahlo thường nói bà giống như mọi người bình dân, trên thực tế, phong cách thời trang của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 hết sức cầu kỳ và cố ý. Quần áo, váy vóc của bà có rất nhiều kiểu dáng, thiết kế tỉ mỉ, luôn được là ủi sạch sẽ. Đặc biệt, Frida Kahlo có thói quen mặc trang phục Mexico truyền thống, những chiếc váy mỏng dài sát gót trong khi những người cùng thời đã từ bỏ tập quán này. Đây cũng là một cách để nữ họa sĩ giấu đi đôi chân tật nguyền do bại liệt và tai nạn. Những chiếc váy dài cộng với kiểu tóc cầu kỳ trên gương mặt rõ nét với hàng ria mờ, đôi lông mày rậm của Frida Kahlo đã trở thành một thương hiệu của bà, giống như một nữ hoàng, thơm tho và cao sang. 

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 4
Frida Kahlo hút thuốc, một bức ảnh của Nickolas Muray (1940)

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 5
Frida Kahlo, New York (1939) một bức ảnh của Nicholas Muray. Trong ảnh, nữ họa sĩ mặc trang phục truyền thống Mexico 

Bên cạnh trang phục, Frida Kahlo cũng rất chú trọng tới trang sức, đặc biệt là các mẫu vòng tay. Bà thường sơn móng tay với những màu sắc tươi sáng như màu tím, xanh lá cây, hoặc màu da cam. Nghiện thuốc lá nặng, vì thế, Frida Kahlo rất ít cười khi chụp ảnh. Một dịp hiếm hoi mỉm cười, bà đã để lộ hàm răng ám khói thuốc. 

Khủng hoảng trong đời sống tình cảm 

Frida Kahlo (1907-1954) bước vào cuộc hôn nhân với danh họa nổi tiếng Mexico, Diego Rivera với một sự tỉnh táo hiếm có. Bà biết rằng vây quanh chồng mình là những người đẹp đủ mọi tầng lớp, từ nữ diễn viên, người mẫu, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia đến những người hâm mộ. Và ông cũng cho rằng mình có đặc quyền ấy vì bản thân là nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời bấy giời.

Trước Frida Kahlo, Diego Rivera từng chung sống với Lupe Marín và có hai con gái. Người phụ nữ này xuất hiện trong nhiều bức tranh của ông, tiêu biểu là bức Portrait of Lupe Marin (1938) đồng thời cũng là đối thủ trong các cuộc ẩu đả với người tình. Hậu quả là những tổn thương thể chất cũng như cho một số tác phẩm, hiện vật khảo cổ học của cả hai. Thời kỳ sống ở Paris, nghệ sĩ tranh tường cũng sống chung với nữ nghệ sĩ người Nga, Angelina Beloff và có một con trai, sau đó chết yểu.

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 6
Diego Rivera, ngồi trước một bức tranh tường mô tả đấu tranh giai cấp cở Mỹ (1933)

Frida Kahlo gặp Diego Rivera năm 17 tuổi, lúc này, Diego Rivera đã là một nghệ sĩ tên tuổi, còn Frida Kahlo mới là một nghệ sĩ triển vọng. Mặc dù vấp phải sự phản đối của gia đình vì khoảng cách tuổi tác (21 năm), vì Diego Rivera là một người cộng sản, có một thân hình quá khổ, thậm chí gia đình Frida Kahlo còn chế nhạo “Một con voi kết hôn với một con bồ câu”, Frida Kahlo và Diego Rivera vẫn cử hành hôn lễ ở tòa thị chính Coyoacán vào tháng 8/1929. Lúc này, Frida Kahlo 22 tuổi và Diego Rivera 43 tuổi. Vì không được gia đình cho phép, Frida Kahlo buộc phải mượn váy áo của một người giúp việc làm váy cưới và chỉ có cha bà, một nhiếp ảnh gia đời đầu, người hết sức yêu thương con gái là thương tình tới dự hôn lễ, một hôn lễ kỳ quặc, nơi chú rể do say rượu đã bắn vào tay một khách mời và gây rối. Cô dâu vì quá giận đã khóc và trở về nhà mẹ đẻ, sau đó mới trở về tổ ấm mới sau khi được chú rể tới đón vài ngày sau. 

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 7
Voi và bồ câu?

Năm 1934, đang ở Mỹ với tình hình tài chính không mấy ổn định, Diego Rivera tiếp tục hứng chịu một cú sốc khi bức tranh tường Rockefeller Center vẽ chân dung nhà lãnh đạo Cộng sản Nga Vladimir Lenin của ông gây ra một cuộc tranh cãi khủng khiếp. Diego Rivera sau đó bị đuổi và bức tranh tường bị phá hủy. Nỗi nhớ nhà khiến Frida Kahlo muốn về Mexico, ngược lại Diego Rivera không đồng tình. Mâu thuẫn nảy sinh khiến cả hai rơi vào bế tắc. Diego Rivera tiếp tục vẽ những bức tranh tường có nguy cơ chết yểu trên các bức tường ở San Francisco, Detroit và New York trong khi Frida Kahlo liên tục nhập viện ba lần trong một năm để cắt ruột thừa, phá thai và phẫu thuật chân. 

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 8
Self-Portrait with Curly Hair (1935)

Không ai biết chính xác Diego Rivera đã bắt đầu qua lại với em gái Frida Kahlo, Cristina từ khi nào, có lẽ đó là mùa hè năm 1934. Khi biết điều này, nữ họa sĩ có đôi lông màu rậm liền nhau đi cùng hàng ria mép mờ nhạt đã vô cùng đau khổ. Cristina không chỉ là em gái mà còn là một người bạn tâm giao của bà. Cristina bị chồng bỏ vào năm 1930, từ đó, người phụ nữ này thường xuyên mang các con lui tới nhà chị gái và anh rể. Nhiều lần, cô còn làm mẫu cho các bức tranh của Diego Rivera. Từ đó, bằng kỹ nghệ tán tỉnh bậc thầy, người anh rể đã dùng những lời ngon ngọt để dụ dỗ cô em vợ, rằng Frida Kahlo quá ốm yếu và ông cảm thấy vô cùng thiếu thốn trong đời sống tình dục.  

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 9
A Few Small Nips (1935)

Trong nỗi đau đơn tột cùng, Frida Kahlo cắt phăng mái tóc dài, không còn mặc trang phục truyền thồng Mexico và xem xét việc thay đổi chữ ký trên các bức tranh của mình và điều đó làm Diego Rivera đắc ý. Nữ họa sĩ bắt tay vào vẽ bức tranh cỡ nhỏ (7-1/4 x 5-3/4 inch) - Self-Portrait with Curly Hair (Chân dung tự họa với mái tóc quăn). Bà tặng bức tranh này cho người bạn thân, Ella Wolfe và người phụ nữ này đã giữ bức tranh quý cho tới năm 2000. Năm 2003, bức tranh được bán đấu giá hơn 1 triệu USD.

Cũng trong khoảng thời gian đau đớn vì bị chồng và em gái phản bội, Frida Kahlo vẽ bức tranh A Few Small Nips mô tả một phụ nữ bị sát hại trong tư thế lõa lồ. Bức tranh này được vẽ dựa trên một vụ giết người năm 1935, theo đó, thủ phạm, trong cơn say đã giết chết bạn gái ngay trên giường với 20 nhát đâm. Tuy vậy, tên giết người khi được hỏi đã thản nhiên nói rằng “Tôi chỉ tặng cô ta một vài vết đâm nhỏ”. Cũng năm 1935, Frida Kahlo chuyển ra khỏi ngôi nhà chung với chồng ở San Angel, mang theo con khỉ nhện yêu thích và thuê một căn hộ ở trung tâm của thành phố Mexico. Từ đó, bà bắt đầu cuộc sống độc lập và tự túc về tài chính, mở đường cho bản thân trở thành thành một nghệ sĩ nổi tiếng. Mặc dù có một quyết tâm mạnh mẽ, Frida Kahlo đã không tránh khỏi sự hụt hẫng khi thiếu vắng sự bao bọc của Diego Rivera. Bà vẫn để ý động tĩnh của chồng. Và gã đàn ông đào hoa vẫn coi như không, trong khi mua cho người tình Cristina một bộ nội thất màu đỏ, cũng đồng thời mua cho vợ, Frida Kahlo một bộ tương tự màu xanh. 

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 10
Chân dung của cô em gái Cristina Kahlo (1928)

Frida Kahlo đã rất bối rối, không hài lòng, bà vẫn nổi cơn thịnh nộ mỗi khi trông thấy em gái Cristina. Cuối cùng, tháng 7/1935, nữ họa sĩ bay tới New York với bạn bè. Sau khi giãi bày tâm tình, bà đi tới một quyết định bất ngờ: bản thân không thể sống nổi nếu thiếu Diego Rivera và sẽ tiếp tục bám bước người đàn ông này. Ngày 23/7/1935, Frida Kahlo đã viết thư cho người đàn ông bội bạc và thú nhận rằng mình không thể hết yêu ông. 

Frida Kahlo quay trở lại San Angel sống với Diego Rivera và chấp nhận tính lăng nhăng của chồng. Mặt khác, nữ họa sĩ tài năng cũng có mối quan hệ thân mật với cả nam giới và phụ nữ, những mối tình bốc lửa và thoáng qua, trong đó có nhà điêu khắc Mỹ, Isamu Noguchi, người đã tới Mexico để vẽ một bức tranh tường. Từ đó, Diego Rivera quay sang ghen với những tình nhân của vợ. Kết quả là một vụ đánh ghen ầm ĩ giữa Diego Rivera với Isamu Noguchi diễn ra, trong đó, Diego Rivera lăm lăm khẩu súng chỉ mong giết chết gã tình địch. 

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 11
Natalia và Leon Trotsky đến  Tampico, Mexico ngày 9/1/1937 và  Frida Kahlo thay mặt chồng ra đón

Năm 1937 là khoảng thời gian Frida Kahlo vô cùng đau khổ khi mất đi một người tình, Leon Trotsky, một người Nga tới Mexico để tị nạn chính trị. Trong chín năm, Trotsky và vợ Natalia đã sống lưu vong, tìm kiếm vô ích cho tị nạn chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Na Uy nhưng không có quốc gia muốn chứa chấp họ vĩnh viễn, vì sợ trả thù của Liên Xô. Cuối cùng, chồng của Frida Kahlo, Diego Rivera, vốn là một người cộng sản nổi tiếng đã can thiệp với chính quyền Mexico để cấp quyền tị nạn cho vợ chồng Leon Trotsky ở Mexico City. 

Ngày 9/1/1937, vì Diego Rivera phải nằm viện, Frida Kahlo thay mặt chồng đi đón vợ chồng Leon Trotsky. Họ được sắp xếp ở trong một ngôi nhà màu xanh, cạnh nhà của vợ chồng Frida Kahlo và từ đó giữa nữ họa sĩ đa tình và người đàn ông người Nga bắt đầu nảy sinh tình cảm. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh để tránh sự nhòm ngó của mọi người. Frida Kahlo công khai tán tỉnh Trotsky, gọi ông là “người tình" với mong muốn ban đầu là khiến Diego điên cuồng ghen tuông để trả đũa cho vụ ngoại tình với Cristina. Cuối năm 1937, Frida Kahlo và Leon Trotsky đã hoàn toàn chìm đắm trong tình yêu. Họ bí mật gặp nhau tại ngôi nhà mà Diego Rivera mua riêng cho Cristina Kahlo. Thời điểm ấy, Leon Trotsky đã 58 tuổi còn Frida Kahlo mới bước sang tuổi 29. 

Cuộc đời đầy biến động của “Thánh nữ” hội họa thế kỷ 20 12
Frida Kahlo và con khỉ nhện bà hết sức cưng chiều

Cuối tháng 7 năm ấy, sự việc bị bại lộ và cùng thời điểm Diego và Trotsky đã có một số bất đồng về triết học chủ nghĩa cộng sản. Cặp vợ chồng người Nga chuyển khỏi ngôi nhà vợ chồng Frida Kahlo sắp xếp cho mình. Gần 3 năm sau, ngày 20/8/1940, Trotsky qua đời sau khi bị một sát thủ của Stalin hạ sát. Frida Kahlo đã gần như quẫn trí. Bà gọi cho chồng, Diego Rivera lúc ấy đang ở San Francisco và khóc òa trong điện thoại. Sau đó, Frida Kahlo từng gặp tên sát thủ bị tình nghi đã giết người tình và mời hắn tới dự cơm trưa ở nhà riêng tại Coyoacan. Bà đã gọi cho cảnh sát và tên sát thủ bị dẫn độ tới đồn, sau cuộc thẩm vấn kéo dài 12 giờ, tên sát thủ được tại ngoại.