Bức tường trong cuộc đời mỗi chúng ta

T.Chấn, Theo Pháp luật xã hội 00:00 29/12/2013

Nhắc tới tuổi học trò, chúng ta thường thấy ấm lòng với những kỷ niệm thật đẹp; nhưng đôi khi cũng có những điều gai góc còn lẩn khuất đâu đó mà chưa có lời giải...

Bạn đã từng bị cô giáo cốc đầu – theo cách không phải thân thiện, khi “cãi” lại thầy cô? Bạn đã từng bị thầy giáo vụt vào tay vì một chuyện nào đó?

Dù ít dù nhiều, chắc hẳn ai cũng có.

Đến khi trưởng thành, chúng ta sẽ bao dung hơn khi nhớ về những kỷ niệm đó. Nhưng có ai chắc rằng, vào lúc đó, khi bị “thương cho roi cho vọt” như cách bố mẹ ta thường nói, chúng ta – bằng nhiều cách, đã thể hiện sự uất hận và tổn thương vô cùng của một cái tôi vĩ đại trong hình hài của một đứa trẻ. Trong thâm tâm, chúng ta mong muốn được đối xử như một thực thể độc lập, có chính kiến và đầy kiêu hãnh.

Nhưng với thầy cô, chúng ta chỉ là những đứa trẻ.

Và câu chuyện đó không chỉ xảy ra với riêng chúng ta. Ban nhạc rock lừng danh Pink Floyd đã dành hẳn một tuyệt phẩm có tên “Another brick in the wall” trong album “The Wall” để kể về thời đi học của Pink – nhân vật chính của “The Wall” được xây dựng dựa trên những trải nghiệm thời thơ ấu của Roger Waters, thành viên chính của Pink Floyd.

Ra mắt năm 1982, “The Wall” là một trong những album hay nhất trong lịch sử nhạc rock và cũng là album mở ra kỷ nguyên của thể loại concept album – kiểu film âm nhạc có chủ để xuyên suốt với mỗi bài hát đóng vai trò của một trường đoạn, bối cảnh hoặc một phần của câu chuyện tổng thể.

“The Wall” đưa chúng ta đến với cuộc đời của Pink với hành trình từ một đứa trẻ cô độc bị mất cha trong Thế chiến II cho đến đỉnh cao danh vọng của một ngôi sao nhạc rock. Thông điệp chính của “The Wall” qua câu chuyện của Pink là với mỗi khó khăn, mỗi trở ngại hay mỗi trải nghiệm cay đắng của cuộc đời có thể là một viên gạch trên bức tường mà chúng ta tự - hoặc cả do người khác, tạo ra để bảo vệ mình. Đó có thể là một không gian riêng, một góc khuất để lánh xa những mối nguy của cuộc đời.

Chúng ta sẽ thu mình lại trong một bức tường như thế.

Và một trong những viên gạch làm nên bức tường đó, là kiểu giáo dục “nhồi sọ”, không tôn trọng bản thể chúng ta. Bài hát “Another brick in the wall” là tiếng nói của chúng ta – những đứa trẻ được (hoặc phải) thụ hưởng một nền giáo dục hà khắc, đòi hỏi một cách đối xử công bằng, không áp đặt.

Lời bài hát có đoạn:

We don't need no education. We don't need no thought control.

Chúng tôi (không) cần giáo dục. Chúng tôi (không) cần ai kiểm soát suy nghĩ của mình.

No dark sarcasm in the classroom. Teacher leave them kids alone.

Đừng bêu riếu chúng tôi trong lớp. Xin các thầy cô hãy để chúng tôi yên.

Hey! Teacher! Leave them kids alone! All in all it's just another brick in the wall. All in all you're just another brick in the wall.

Xin các thầy cô hãy để chúng tôi yên. Tất cả rồi chỉ là một viên gạch khác trên bức tường.

Lời bài hát có thể diễn giải theo hai hướng khác nhau vì Pink Floyd chơi chữ khi dùng thể phủ định kép - hai lần phủ định đồng nghĩa khẳng định: “Chúng tôi cần giáo dục” ở đây khẳng định giáo dục là việc đúng và cần thiết.

Ở hướng thứ hai, nếu hiểu theo khẩu ngữ tiếng Anh – đặc biệt là giới học trò, hai lần phủ định vẫn mang nghĩa phủ định: “Chúng tôi không cần giáo dục”, nhưng với hàm ý không cần kiểu giáo dục “nhồi sọ”, hà khắc và giáo điều.

Trong video bài hát, chúng ta có thể thấy rõ hơn lời khẩn cầu của Pink “Đừng bêu riếu chúng tôi trong lớp. Xin các thầy cô hãy để chúng tôi yên”, khi thầy giáo giật bài thơ của Pink và đọc to cho cả lớp nghe và cùng bày tỏ sự dè bỉu.

Có một sự thật luôn đúng, từ văn hóa Á Đông cho đến phương Tây, đó là sự bao biện của người lớn khi áp đặt cho chúng ta – những con người, dù nhỏ - qua lời rao giảng của người thầy:

How can you have any pudding if you dont eat your meat?/Làm sao các em có thể có món bánh tráng miệng nếu không ăn hết bữa?

Tại các trường ở Anh, món yêu thích của học sinh là bánh tráng miệng pudding chỉ được mang ra khi họ đã dùng xong bữa chính, nên câu nói đó mang hàm nghĩa “Phải có trải nghiệm cay đắng mới hiểu được giá trị của hạnh phúc”.

Ở ta, có phải chúng ta từng nghe “Thương cho roi cho vọt”?

Qua lời và video bài hát, chúng ta cũng có thể thấy được việc giáo dục hà khắc đã loại bỏ hết những gì làm nên cá nhân mỗi con người. Khi tất cả bị ép vào khuôn phép của người lớn và mất đi tất cả bản sắc, tư duy của mình, chúng ta có khác gì những người máy trong một “nông trại giáo dục”? Hình ảnh trường học như một nông trại với băng chuyền đưa những học sinh đeo mặt nạ giống nhau đến cối xay thịt là một lời thức tỉnh với xã hội, với người lớn: Đừng biến chúng tôi thành những cỗ máy chỉ biết vâng lời. Hãy để chúng tôi là chính chúng tôi, có tư duy và bản sắc khác nhau.

Mặc dù đoạn kết của video mang đầy tính bạo lực khi sự cuồng nộ của các học sinh “nông trại” biến thành cuộc “lật đổ giáo dục” để lấy lại cái tôi đã mất và tìm liều thuốc giải cho lòng kiêu hãnh bị tổn thương, thông điệp chung của bài hát vẫn là tính nhân văn sâu sắc:

Sự hà khắc và áp đặt trong giáo dục chỉ mang lại một kết cục đáng buồn cho một xã hội, mà trong đó tất cả mọi người đều như nhau, là những con robot vô hồn. Và thái cực khác là phủ nhận hoàn toàn vai trò của giáo dục, sẽ chỉ đem lại một sự bấn loạn cho xã hội.

Nhưng trên tất cả, bây giờ chúng ta đã là những người lớn bao dung. Phải vậy không?

Vậy thì hãy cùng sống lại một chút ký ức, dù có vui hay buồn, qua tuyệt phẩm “Another break in the wall”: