Án oan sai và nghiệp vụ đỉnh cao

Trần Quất, Theo Trí Thức Trẻ 14:05 09/11/2013

“Ơn Đảng, Chính phủ, tôi đã được trở về với gia đình". Đó là lời bộc bạch với báo giới của ông Nguyễn Thanh Chấn, người đã tù bị tù oan 10 năm và chỉ thoát cảnh tù tội sau khi chính thủ phạm vụ giết người ra đầu thú.

Lời cảm tạ của người tù oan có vẻ là một thông điệp về sự vững tin vào sự anh minh của hệ thống pháp luật nhà nước. Tuy nhiên, công bằng mà nói, pháp luật cũng cần phải đưa ra tòa những người đã khiến ông vướng vào vòng lao lý. Nhưng oái oăm thay, có vẻ ông là nạn nhân của chính mình khi đặt bút ký vào bản tự thú, nhận tội giết người để rồi sau đó ông và gia đình lại mất cả chục năm viết hàng trăm đơn thư cầu cứu khắp mọi nơi.

Quất tôi không thể hiểu động cơ của ông trong việc đó, chỉ thấy rằng câu chuyện của ông có nét rất tương đồng với một chuyện tiếu lâm lưu truyền trên mạng từ lâu rồi.

Chuyện rằng, có một cuộc thi tài nghiệp vụ giữa Cục Điều tra Liên bang một nước phương Tây, Nước lạ Tình báo Cục và Công an một nước có khả năng điều tra giỏi nhất thế giới.

Đề bài đơn giản là BGK thả một con thỏ vào rừng và các thí sinh phải tìm cách bắt lại.

Cục Điều tra Liên bang vào cuộc. Điển hình cho việc phung phí tiền thuế của dân và xem thường quyền tự do cá nhân, họ cài máy nghe lén vào tất cả muông thú của rừng để lấy trộm thông tin; bắt bớ và tra hỏi cả đá núi, cây rừng và tiện tay vợt luôn cả lũ sâu bướm về làm nhân chứng. Sau cả tháng giời truy xét, Cục Điều tra tuyên bố con thỏ không hề tồn tại.

Tới lượt Nước lạ Tình báo Cục. Với bản tính thâm hiểm và tinh thần đại bá xem thiên hạ là của riêng mình, sau một hồi truy quét không ra manh mối, họ đốt cháy cả rừng, giết hết mọi sinh vật - hình như cả tên tội phạm thỏ. Họ không xin lỗi vì chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

CA-điều-tra-tốt-nhất-thế-giới thong thả vào cuộc. Với tinh thần đấu tranh tội phạm không khoan nhượng, chỉ một tiếng sau, họ đã ra khỏi khu rừng (đã cháy), dẫn giải theo một con gấu luôn mồm kêu to “Tôi là thỏ, tôi là thỏ đây!”. Xin lưu ý là trên mặt con gấu lúc này có rất nhiều vết rách rỉ ra nước màu đỏ và hai chân nó đang bị gập thành bốn đoạn.

Với mắt nhìn cảm tính rất có thể độc giả sẽ ồ lên “Đánh đập dã man! Ép cung chứ còn gì!”. Nhưng theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật, chúng ta phải biết rằng: Mọi việc chỉ được quyết định khi mọi việc được đưa ra tòa phán quyết. Rất có thể cái bạn thấy là “đánh đập và ép cung” thì sự thật lại đơn giản là chú gấu tội phạm đã chạy trốn quá nhanh và đập mặt, đập chân vào giày của điều tra viên mà thôi.

Thế nên, do chưa biết sự thực đằng sau quá trình đấu tranh tội phạm đó là gì, Quất tôi tạm gọi nó là “nghiệp vụ đỉnh cao”.

Và có một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên là khi Quất tôi đang mổ cò những dòng này, báo mạng đã hân hoan đưa tin “Cơ quan điều tra Việt Nam thuộc hàng giỏi nhất thế giới”. Thật lý thú biết bao! Tôi chắc rất nhiều người cùng chia sẻ suy nghĩ cùng tôi khi đọc bài báo và rất tự nhiên lại nghĩ đến câu chuyện “nghiệp vụ đỉnh cao” ở trên.

Nhưng chúng ta nên quay về với thực tại. Số vụ án oan sai không có những con số cụ thể, số liệu gần đây nhất đăng tải trên báo Tiền phong (1) là trên 10% nhưng không nói rõ tương ứng với bao nhiêu vụ. Tuy nhiên, căn cứ trên mục tiêu đề ra của ngành Kiểm sát trong năm 2013 là “bảo đảm truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%", có thể chắc rằng số % tương ứng ra vụ xét xử không đúng người đúng tội trong 100 vụ án tối thiểu sẽ có 1 2 “ông Chấn”. Và cũng không ai dám chắc rằng các “ông Chấn” đó không phải là kết quả của “nghiệp vụ đỉnh cao”.

Khi chưa chứng minh được “nghiệp vụ đỉnh cao” là tốt hay xấu, Quất tôi nghĩ đến gợi ý của Le Bon – nhà tâm lý học người Pháp, tác giả của “Tâm lý học đám đông”, là nên cho quan tòa sống chung với tử tù khi họ xử sai và các quan cũng phải sống cùng các nghi can giết người khi tòa đã tuyên vô tội. Chỉ như vậy, áp lực về trách nhiệm của các cá nhân cụ thể mới khiến họ ra các quyết định ít sai sót hơn.

Và theo lý đó, các điều tra viên cũng nên được hưởng “nghiệp vụ đỉnh cao” nếu họ làm sai.

Xét về mặt công bằng, có lẽ độc giả sẽ đồng ý với tôi rằng, đây mới thật sự là nghiệp vụ đỉnh cao.

Chú giải: (1) bài "Tỷ lệ an oan sai trên 10%" đăng tải trên Tiền Phong ngày 25/10/2008.

Trần Quất

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, độc giả có trao đổi hoặc quan điểm riêng cần chia sẻ xin mail về doccham@kenh14.vn. Nếu bài viết được đăng tải, độc giả sẽ được nhận nhuận bút theo chính sách dành cho CTV hoặc chuyên gia của Kênh 14.