Câu chuyện "Làm từ thiện vì ai, để làm gì, làm như thế nào?" chưa bao giờ gây ra những trăn trở như thế, nhất là đối với những người trẻ hoạt động trong các đoàn, hội, nhóm từ thiện từ lớn đến nhỏ. Chuyện giúp đỡ người khác không còn đơn giản rằng cứ cho đi thì sẽ nhận lại, mà cho cũng phải đúng cách, đúng người, tránh để lại những hệ quả về lâu dài.
Những quan điểm khác nhau được chia sẻ trên facebook cá nhân mỗi người ngày một nhiều hơn, nhất là sau khi chương trình "60 phút mở" với chủ đề từ thiện được phát sóng và dấy lên những tranh cãi. Doanh nhân Minh Đỗ (tên đầy đủ là Đỗ Ngọc Minh) cũng không nằm ngoài những trăn trở ấy về việc làm từ thiện thế nào cho đúng, hiệu quả.
Doanh nhân Đỗ Ngọc Minh.
Minh Đỗ là chủ nhân của LUALA Concert - dự án đưa âm nhạc đỉnh cao đến với đông đảo người dân thủ đô. Đây là dự án được trình diễn hoàn toàn miễn phí trên phố Lý Thái Tổ vào mỗi năm và có ý nghĩa rất lớn không chỉ với anh em nghệ sĩ mà còn với những người dân, những khán giả được cảm nhận âm nhạc cổ điển trên đường phố.
Anh cũng là người đồng sáng lập kênh thông tin mỹ thuật đa phương tiện soi.today, nơi đã trở thành một diễn đàn uy tín với nhiều bài viết được đóng góp từ các văn nghệ sĩ, nhằm cung cấp cho các độc giả muốn đọc và tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật. Gần đây, anh cũng đã dẫn lại nhiều bài viết của nhiều tác giả khác nhau xoay quanh chủ đề từ thiện, để mọi người có cái nhìn đa chiều, khách quan nhất về chủ đề rất được quan tâm này.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh để lắng nghe những chia sẻ của anh trong vấn đề này.
Doanh nhân Minh Đỗ (SN 1977) là con trai duy nhất của nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Agribank Đỗ Tất Ngọc, là con rể "chúa đảo Tuần Châu" Đào Hồng Tuyển.
Anh từng có thời gian du học tại Đại học Monash và nhận được 2 tấm bằng Master ngành kinh tế tại Úc. Từng là chuyên viên cao cấp của một ngân hàng đầu tư Singapore tại Việt Nam. Hiện tại, Đỗ Ngọc Minh là giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng thời trang Luala, chủ chuỗi chương trình hòa nhạc trên hè phố LUALA.
Anh và vợ hiện có bốn con, ba trai, một gái.
Chào anh Minh, theo dõi dư luận sau chương trình 60 phút mở về chủ đề Từ thiện vừa qua, có rất nhiều người không đồng tình với quan niệm của TS Đặng Hoàng Giang về việc làm từ thiện sẽ mất đi bản sắc dân tộc. Anh hiểu như thế nào về quan niệm này của TS Giang?
Theo tôi hiểu ý anh Giang là thế này: Từ thiện là việc tốt, đem quần áo ấm cho đồng bào khi họ rét không phải là việc xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu những thứ ta mang lên cho họ không bắt họ phải hy sinh bản sắc, đi ngược lại thói quen đã có của họ, có thể không thích kiểu dáng mà vẫn phải mặc.
Thí dụ như thế này cho dễ hiểu đi: Bạn đến một vùng đất lạ, trời tự nhiên rất lạnh, và bạn không đủ áo ấm, người ta mang đến giúp bạn một bộ quần áo, nhưng là kiểu dáng của dân tộc họ, bạn lạnh quá mà phải mặc thôi. Lúc đó bạn sẽ ước sao có một bộ quần áo vừa ấm vừa hợp dáng quần áo bạn vẫn mặc.
Như vậy, việc làm ấy lâu dần có khiến những người vùng cao mất bản sắc dân tộc như lo ngại của TS không?
Tôi thì nghĩ việc mất bản sắc dân tộc cũng khó lắm. Có những đợt rét bất ngờ, mọi người cấp tập mua quần áo, mang lên thật nhanh, chỉ mong sao trẻ em vùng cao chống đỡ được đợt rét ấy.
Với những trường hợp khẩn cấp như bão lũ thiên tai thì đương nhiên phải giúp họ ngay lập tức để họ khỏi đói khỏi rét rồi mới tính tiếp. Thiên tai bão lũ có bao giờ hết, nên những chuyến đi đúng thời điểm như vậy vẫn luôn là cần thiết.
"Làm từ thiện thế nào cho hiệu quả?" và "Làm từ thiện thế nào để không gây hệ quả?". Anh nghĩ sao về hai ý này?
Hai câu đó khác nhau. Hiệu quả hàm ý tối đa hóa mặt tốt, còn không gây hệ quả là giảm thiểu mặt chưa tốt. Hai điều này không có gì mâu thuẫn với nhau cả mà luôn bổ sung cho nhau. Khi làm từ thiện cũng như làm bất cứ việc gì khác, luôn phải tâm niệm hai điều này, và cố gắng có cái nhìn dài hạn. Có những việc tưởng như tốt trước mắt mà không tốt cho lâu dài thì hạn chế hoặc không nên làm.
Nói chung, tôi thấy điều quan trọng khi từ thiện là phải bình tĩnh và cố gắng hình dung được kết quả lẫn hậu quả của việc mình làm trong dài hạn và ngắn hạn. Tránh cảm tính hay chạy theo phong trào.
Nhưng không phải ai cũng có đủ thời gian xem xét trước khi làm một việc tốt. Một người thấy cụ già ăn xin bên đường, không suy nghĩ gì, người ấy đến và cho cụ một số tiền đủ để cụ ở nhà nghỉ ngơi cả ngày hôm sau. Nếu như vậy họ phải suy nghĩ gì trước khi cho đi?
Đúng là với phần đông chúng ta, từ thiện là một việc làm xuất phát từ lòng yêu thương rất đột xuất, có việc là giúp, không phải là một sự nghiệp, một nghề nghiệp dù là nghề tay trái, cho nên, làm từ thiện chỉ để giúp phần nào những hoàn cảnh, tình trạng khó khăn.
Vì vậy thật ra trong cuộc sống không tránh được những trường hợp mà người giúp phải ra quyết định dựa trên trực giác và chấp nhận việc mình làm có thể sai trên tinh thần thà giúp nhầm còn hơn bỏ sót. Nhưng với hầu hết trường hợp, nhất là với những dự án từ thiện có sự chuẩn bị từ trước thì việc xem xét cân nhắc trước khi hành động luôn là điều cần làm.
Nhà báo Thu Hà từng nói rằng, sự giúp đỡ của chúng ta nên tập trung vào những cá nhân có ý chí, có khát vọng và chịu thay đổi. Vấn đề là làm sao để mình biết ai là người có tố chất đó? Cảm nhận? Tìm hiểu? Hoặc một cách nào khác, thưa anh?
Mỗi cá nhân hoặc tổ chức sẽ có những tiêu chí và cách thức chọn lựa khác nhau không ai giống ai. Như mọi quy trình tuyển chọn, luôn sẽ có những xác suất chọn sai, chọn lầm, nhưng không vì thế mà bỏ việc chọn lựa.
Cái khó khăn nhất để những người được giúp đỡ biết trân quý số tiền họ nhận được và biến nó thành một cơ hội thoát nghèo là gì, thưa anh?
Từ thiện như bạn nói là hình thức khác với thứ từ thiện khi có sự vụ. Tôi chưa làm từ thiện theo hình thức này, tức là đầu tư cho một cá nhân, một nhóm người để họ khởi nghiệp, thoát nghèo, do đó tôi không dám nói gì cả. Tôi cho đến nay vẫn chỉ làm từ thiện theo kiểu có việc bất ngờ xảy đến thì kêu gọi bạn bè người thân cùng "cấp cứu".
Anh có nghĩ rằng đa phần người ta làm từ thiện để thỏa mãn chính mình, để bản thân không bị ám ảnh khi chứng kiến những trường hợp đau thương không?
Tôi nghĩ việc thỏa mãn bản thân khi làm từ thiện, vượt qua những ám ảnh là nhu cầu chính đáng của mỗi người và không nên là cái để mang ra phán xét. Điều quan trọng là kết quả của việc làm đó ra sao, có giúp được người cần giúp hay không, có tránh được những hậu quả tiêu cực hay không mà thôi.
Anh đã có những chuyến từ thiện đáng nhớ nào nhất trong đời mình. Điều gì khiến anh hạnh phúc và điều gì làm anh ám ảnh trong mỗi chuyến đi đó?
Chuyến từ thiện nào đối với tôi cũng đều đáng nhớ cả, vì được tiếp xúc với những câu chuyện và những số phận khác nhau, đồng thời việc đóng góp của mọi người và thực tế từ mỗi chuyến đi đều làm mình tâm niệm sẽ phải cố gắng sống tốt hơn. Ám ảnh thì thường là với những số phận quá bất hạnh mình không làm gì được nhiều cho họ.
Sau này, anh sẽ dạy con mình cách làm việc thiện, giúp đỡ người khác như thế nào, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất? Những tổ chức từ thiện nào mà anh nghĩ sẽ cho con mình tham gia?
Tôi nghĩ không nên khoác cho các bé những trọng trách hay nghĩa vụ quá cao cả từ quá sớm. Càng không nên cho các bé tư tưởng xin tiền người lớn để đi làm từ thiện. Tôi chỉ khuyến khích các con làm những việc nhỏ giúp được người xung quanh trong khả năng của mình, và qua thực tế đi du lịch khám phá thì cho các cháu thấy còn rất nhiều số phận kém may mắn. Con mình sẽ chủ yếu nhìn theo cách mình hành động mà theo. Việc tham gia tổ chức từ thiện nào, hay làm việc gì, tôi nghĩ sau này hoàn toàn là quyết định của các cháu khi đủ lớn.
Xin cảm ơn những chia sẻ của doanh nhân Đỗ Ngọc Minh./.
(Nguồn ảnh: Esquire)