Người ta thường bảo, giáo viên mầm non là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ "dạy" mà còn phải "dỗ", không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì "tình yêu". Vất vả là thế nhưng đây là nghề "làm dâu trăm họ" với đủ thứ áp lực, trong đó có áp lực từ phụ huynh.
Chuyện phụ huynh thỉnh thoảng "bóc phốt" giáo viên không hiếm. Đôi khi chỉ vì một sơ suất nhỏ, hoặc thậm chí là không có sơ suất nào, các thầy cô cùng bất đắc dĩ trở thành nhân vật chính bị "bêu tên" trên mạng xã hội.
Mới đây, một bà mẹ ở Hà Nội đã nhận "gạch đá" khi lên một diễn đàn dành cho phụ huynh xin tư vấn. Được biết, bà mẹ này có 2 bé sinh đôi năm nay học mẫu giáo lớn 4-5 tuổi. Bé lớn của chị sức khỏe yếu hơn, nhỏ người nên đi học hay bị một số vấn đề nho nhỏ ở lớp (bạn xô đẩy, ngã vấp…). Cháu sinh cuối năm nên so với các bạn sẽ nhỏ tháng hơn nhiều, tính cách con cũng hướng nội nên khó bắt nhịp với môi trường các bạn lớp đông. Ngược lại, bé nhỏ hơn thì bắt nhịp tốt.
Vấn đề bắt đầu khi một hôm, cháu đi học về kêu đau môi nhưng bà nội không để ý ngay khi đón mà về nhà người mẹ mới phát hiện. Theo chị, con bị bầm tím một nốt ở môi to bằng hạt ngô, ngoài ra bị xước da môi nhẹ bên ngoài, có sưng. Hỏi thì con không nói được là con bị đau như thế nào.
Bà mẹ này nhận định: "Giống như lần trước khi bị bầm ở chân con nói bị đổ cháo nóng vào chân hay xước xát ở chân em đều hỏi cô giáo và đây là cách cô giáo trả lời em. Nói thật, em không phải không hiểu chuyện. Tuổi như các cháu ở lớp không thể tránh khỏi vì các con rất hiếu động. Và thậm chí em khó khăn lắm mới đẻ được 2 bạn này nhưng em lại vô cùng nghiêm khắc khi dạy dỗ chứ không phải kiểu bao che hay mù quáng thương con. Nhưng em lại rất dị ứng với kiểu đổ tại gia đình hay phủi sạch trách nhiệm thế này. Con em nó yếu kém em nhận ngay rồi chứ em có kêu gào vô lý đâu…".
Tin nhắn bà mẹ chia sẻ.
Trong đoạn tin nhắn, khi phụ huynh phản ánh chuyện con bị đau, cô giáo trả lời: "Ở lớp con không có chuyện gì mẹ nhé. Cả ngày vui vẻ làm hoa và ca múa nhạc". Đồng thời, khi bà mẹ ngỏ ý nhờ cô quan tâm hơn, cô giáo nói: "Chỉ là một cô bé nhẹ nhàng, chưa hòa đồng với các bạn giống chị, ăn uống cũng chậm nên các cô đặc biệt quan tâm và để ý đến con. Mẹ yên tâm nhé. Cảm ơn mẹ đã chia sẻ với cô".
Ngoài ra, chị cũng cho biết, mình rất bực nhất là bà nội thấy cháu đau nhưng bà vẫn không bảo gì cô. "Em nói nhiều lần rồi. Con thế nào hỏi ngay cô ở lớp thì dễ hơn cái việc về nhà xong quay sang hỏi. Việc em hỏi cũng xuất phát sau vài lần rồi chứ em không phải hơi tí kêu gào", chị nói.
Đáng nói, phía dưới bài than thở của bà mẹ này, đông đảo phụ huynh quay ngược lại trách chị đã thiếu cảm thông còn ít tinh tế. Thứ nhất, đoạn tin nhắn cho thấy cô giáo trả lời rất lịch sự và có trách nhiệm, không hề trốn tránh hay đổ lỗi. Ai có con cũng xót, nhưng phải đặt mình vào vị trí của các cô. Con bị xô ngã hay bị ngã chỉ là 1 tích tắc thôi, con mà không khóc, đứng dậy luôn thì các cô rất khó thấy được sự việc.
Thứ hai, bà mẹ này chọn đúng ngày 8/3, là ngày quốc tế phụ nữ, nhiều người chúc mừng cô còn không hết, đây lại quay ra "bóc phốt" cô? Phụ huynh ai mà cũng thế này chắc các cô bỏ nghề vì quá nản. Nếu xót con quá thì để con khôn ngoan, cứng cáp hãy cho con đi học.
"Đến con bạn còn chẳng nói nổi lý do vì sao bị như thế mặc dù con học mẫu giáo lớn rồi. Có phải bé bỏng lên 1 lên 2 đâu mà lại đi trách các cô vào đúng cái ngày 8/3 này nữa chứ. Một lớp có bao nhiêu bạn làm sao cô để ý hết được, con bạn muốn được ưu ái thì con tôi cũng cần được ưu tiên. Thay vì trách các cô thì hãy dạy con mình bản năng tự bảo vệ mình thì tốt hơn. Sang năm lên lớp 1 rồi khi con bước vào trường đời sẽ chẳng có sự quan tâm đặc biệt nào bởi vì con chậm hơn đâu", một người bày tỏ.
Nhiều người cho rằng, nghề giáo viên mầm non vốn vô cùng vất cả. Các cô luôn chân luôn tay với các con, thở không "ra hơi", nếu không thông cảm được thì cũng nên "phiên phiến", chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Với tuổi mầm non, đôi khi không phải là "bắt bạt" mà chỉ là tranh giành nhau gì đó rồi vô tình làm đau bạn mà các con chưa ý thức được hành động.
Con của phụ huynh nói trên cũng 4-5 tuổi rồi, nghĩa là con nói tốt cũng hiểu nhiều chuyện. Mẹ với con cũng dễ dàng nói chuyện hơn. Vì thế, nhiều người khuyên chị hãy tìm cách để con cởi mở với mẹ, rồi sau đó mới cởi mở hơn với bên ngoài được, từ đó bạo dạn hơn.
Trước ý kiến của các phụ huynh, bà mẹ này sau đó giải thích: "Bé nhà em nó thế em chỉ cần cô xem rồi để ý cháu thôi, còn nói cháu chưa hòa đồng với các bạn là em thấy vấn đề chút ở đoạn này ạ. Cháu đến lớp chưa hòa đồng hay không thì cần có bàn tay của cô để kéo con vào 1 đám đông nào đó hoặc 1 trò chơi để con cởi mở hơn.
Ý em là, trong câu nói của cô là con ở lớp "ngon lành cành đào" không xảy ra cái gì. Theo em như vậy là không đúng. Chi bằng nhìn vào sự thật và công nhận có lúc các cháu xô đẩy nhau mà đó là rủi ro thì hợp lý hơn ạ".
Tuy nhiên nhiều người cho rằng, bà mẹ này đang tự diễn biến tự chuyển hóa câu chuyện. Cô nói con chưa hòa đồng thì mẹ cũng nên để ý xem lại, hỏi han thêm con xem vấn đề ở đâu. Cô giáo đâu phải là người có thể sửa chữa tất cả các vấn đề mà các con đang thiếu/yếu. Đến gia đình gặng hỏi con còn không chia sẻ thì sao lại yêu cầu từ phía cô giáo hay nhà trường nhiều như thế. Vấn đề con non nớt hơn về thể trạng, nếu mẹ đã tự xác định trước rồi thì những xô xát phát sinh không cố ý mẹ không thể yêu cầu cô giáo phải để mắt đến mình con suốt được, đây là môi trường tập thể.
Nhiều người gợi ý bà mẹ này có thể kiểm tra camera nếu không yên tâm. "Chứ giờ mẹ cứ khăng khăng là con bị ở lớp trong khi mẹ chưa check camera, xong lại chắc chắn đó là sự thật và muốn cô phải công nhận trong khi cô không biết điều đó xảy ra như thế nào, thì cô phải nhắn lại mẹ sao mới hợp lý?", một phụ huynh đặt câu hỏi.
Hiện câu chuyện vẫn đang thu hút tranh luận.