Cao đến gần 6m, hươu cao cổ là những sinh vật cao nhất hành tinh này. Nhưng chủ yếu chiều cao ấy đến từ cái cổ dài bất thường - lên tới gần 2m.
Tuy nhiên, các bằng chứng hóa thạch cho thấy trước kia, hươu cao cổ không cao đến vậy đâu, mà cổ của chúng ngắn hơn rất nhiều. Vậy tại sao chúng lại tiến hóa theo hướng... không giống ai đến thế?
Nếu được hỏi, có lẽ đa số sẽ trả lời là để ăn lá cây trên cao, để không phải cạnh tranh với các loài vật khác. Ý tưởng này đã xuất hiện từ năm 1809, bởi nhà tự nhiên học người Pháp Jean Baptiste Lamarck. Theo ông, quá trình vươn cổ ăn lá cây trên cao đã khiến cái cổ của chúng ngày càng dài hơn, và được truyền lại cho các thế hệ sau.
Một số khác thì tin rằng chiếc cổ ấy nhằm thu hút bạn tình. Trong đó, hươu cao cổ đực khi muốn tranh giành bạn gái sẽ dùng chiếc cổ dài quật vào nhau, và thường cổ ai dài hơn sẽ thắng.
Đến năm 1963, A. Brownlee đã đặt ra một giả thuyết rằng cái cổ là phương pháp điều hòa thân nhiệt của hươu. Do cái nóng của châu Phi ngày càng khắc nghiệt, chúng vươn cổ lên cao để làm tăng diện tích phủ bóng lên cơ thể, giúp nhiệt độ cân bằng hơn.
Giả thuyết tưởng như vô lý ấy hóa ra có thể là đúng sự thật!
Cụ thể, nhà nghiên cứu Graham Mitchell từ ĐH Wyoming (Mỹ) mới đây đã thực hiện một thử nghiệm đánh giá cơ thể của những con hươu cao cổ tại Zimbabwe. Họ nhận thấy, diện tích bề mặt của chúng rất bình thường - đúng như dự đoán với những loài có khối lượng tương tự. Tuy nhiên, chính hình dạng dài nhưng hẹp của cái cổ lại có khả năng làm mát rất tốt.
"Chỉ cần hướng cái đầu về phía Mặt trời, hươu cao cổ có thể giảm phần lớn diện tích tiếp xúc với ánh nắng" - trích lời Mitchell. Nhờ đó, nhiệt độ cơ thể của chúng sẽ giảm xuống.
Tuy vậy, Mitchell cho rằng chúng ta cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để chính thức đưa ra kết luận. Nhưng dù sao, đây cũng là một giả thuyết rất có tiềm năng, điều nhiều người đánh giá cao.