Điều tra vụ bia cổ trấn yểm liên quan chùa Cầu ở Hội An bị phá

Hoài Văn, Theo tienphong.vn 11:31 02/04/2025
Chia sẻ

Công an đang vào cuộc điều tra vụ tấm bia cổ trấn yểm dưới gốc cây đa gần chùa Cầu, thành phố Hội An (Quảng Nam) bị đục phá.

Ngày 1/4, lãnh đạo Trung tâm bảo tồn di sản văn hoá Hội An , cho biết đơn vị đã có báo cáo gửi UBND TP. Hội An về việc di tích bia yểm thủy đạo ở phường Cẩm Phô bị phá hoại.

Điều tra vụ bia cổ trấn yểm liên quan chùa Cầu ở Hội An bị phá- Ảnh 1.

Điều tra vụ bia cổ trấn yểm liên quan chùa Cầu ở Hội An bị phá- Ảnh 2.

Điều tra vụ bia cổ trấn yểm liên quan chùa Cầu ở Hội An bị phá- Ảnh 3.

Bia cổ trấn yểm dưới gốc cây đa gần chùa Cầu, Hội An bị phá.

Khoảng 6h ngày 31/3, người dân khi vào thắp hương tại bia yểm thủy đạo thì phát hiện bia đá đã bị phá hoại . Trước đó, vào lúc khoảng 2h sáng cùng ngày có người thấy chiếc xe máy để trên lề đường Phan Châu Trinh cạnh cây đa và nghe tiếng búa gõ vọng lên.

Lãnh đạo Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay trong sáng nay 1/4, Trung tâm phối hợp với UBND phường Cẩm Phô đã đến hiện trường di tích bia yểm thủy đạo cạnh nhà 98A đường Phan Châu Trinh khảo sát và ghi nhận di tích bia đạo đã bị phá hoại. Tại hiện trường, hiện trạng các chữ và hình chạm khắc trên mặt bia đá đã bị đục phá làm hư hại gần như hoàn toàn.

Trung tâm cũng đã thông tin sự việc đến công an phường Cẩm Phô nắm tình hình, thu thập thông tin thực hiện công tác nghiệp vụ điều tra.

Ngoài ra, trung tâm đề nghị UBND TP. Hội An chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai điều tra, xử lý các đối tượng đã thực hiện hành vi phá hoại đối với di tích theo quy định pháp luật.

Theo danh mục di tích Lịch sử - Văn hóa của TP. Hội An, di tích bia yểm thủy đạo nằm trong khu vực bảo vệ I của di tích cấp quốc gia đặc biệt - Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.

Di tích được phân loại giá trị bảo tồn loại I, hình thức sở hữu Nhà nước. Tấm bia đá đặt bên trong một am thờ nhỏ xây bằng gạch, nằm trong lòng gốc cây đa cổ thụ - cây đa này cũng đã được UBND TP. Hội An ghi vào danh mục cây cổ thụ được bảo vệ, mặt bia quay về hướng bắc. Trên mặt bia khắc chữ Hán Nôm và hình các đạo bùa.

Cụ thể, từ trên xuống dưới, nơi sát trán bia khắc 3 vòng tròn, vòng tròn ở giữa nhỏ hơn hai bên, được phân bố khá cân đối. Ở giữa gồm 3 phần, bên dưới vòng tròn chính giữa có hàng chữ Hán khắc sâu: “ Bắc Đế sắc lệnh lập cực ngự phong yểm thủy đạo”. Dưới vòng tròn bên phải tấm bia (từ ngoài nhìn vào) khắc hình sao Bắc Đẩu thẳng đứng dọc theo thân bia gồm 7 vòng tròn nối với nhau bằng các vạch thẳng.

Ở mỗi vòng tròn khắc tên các vì sao tính từ trên xuống bằng chữ Nôm phiên âm là Phiêu, Phủ, Tất, Hành, Quyền, Thược, Đẩu. Dưới vòng tròn bên trái khắc hai vòng tròn nối với nhau bằng một vạch thẳng. Tiếp về dưới dọc theo thân bia là hàng chữ: “Án ma ni bát mê hồng. Phần dưới cùng khắc 3 đạo bùa, chiếc ở giữa hình vuông cạnh 19×20 cm, hai lá hai bên nhỏ hơn hình chữ nhật, kích thước 10x20 cm.

Đạo bùa bên trái (từ ngoài nhìn vào) có các chữ Hán bị mờ. Đạo bùa bên phải có các chữ Hán: Hỏa, Mộc, Thổ. Dưới cùng của tấm bia là 3 chữ: “Thái Nhạc Sơn” trải hết chiều rộng bia.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận định tấm bia này dùng để trấn thủy và có mối liên hệ với tín ngưỡng thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ tại di tích chùa Cầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày